|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba sai lầm lớn của Trung Quốc trong năm quyết định sự nghiệp chính trị của ông Tập

07:00 | 19/04/2022
Chia sẻ
Ông Tập cần một Trung Quốc ổn định và thành công nếu muốn giành được nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba. Nhưng COVID-19, diễn biến kinh tế và chiến sự Nga-Ukraine đang khiến triển vọng của Trung Quốc trở nên cực kỳ khó đoán định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP/AFP/Nikkei). 

Truyền thông thường nói rằng, chính phủ Trung Quốc vẫn hay lên kế hoạch trước cả hàng thập kỷ và cẩn thận theo đuổi cuộc chơi dài hơi trong khi các chính phủ phương Tây thay đổi liên tục. Song, tình hình tại Thượng Hải hiện nay rõ ràng không cho thấy Trung Quốc đang có một chiến lược bài bản.

Trong khi phần lớn thế giới đã mở cửa, 25 triệu người Thượng Hải vẫn đang bị đặt trong lệnh phong tỏa, buộc phải ở trong nhà, thiếu thốn thực phẩm và dịch vụ y tế. Chính sách Zero COVID đã biến thành ngõ cụt mà Trung Quốc không có lối thoát nhanh chóng. Đây mới chỉ là một trong bộ ba rắc rối mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm 2022, cùng với một nền kinh tế suy yếu và chiến sự ở Ukraine.

Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, 2022 là năm mà mọi thứ phải theo đúng như kịch bản. Ông Tập được cho là sẽ nhậm chức Chủ tịch nước lần thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mùa thu năm nay, trái ngược với thông lệ là rút lui sau hai nhiệm kỳ. Để viễn cảnh này diễn ra suôn sẻ, Trung Quốc phải ổn định và thành công.

Theo một số cách, ông Tập đã thành công. Chính quyền của ông có thể khoe khoang về tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất trong nhóm các quốc gia lớn, nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào thuộc nhóm G-20 kể từ năm 2018.

Trong khi chiến sự nổ ra trên đất châu Âu, Trung Quốc đứng ngoài cuộc và an toàn, với kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn cùng sức mạnh quân sự và tiền bạc để thể hiện quyền lực từ Thái Bình Dương đến Caribe. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, năm cuối trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập đã làm lộ ra cả điểm yếu lẫn điểm mạnh của Trung Quốc.

Không có lối thoát khỏi Zero COVID

Kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược dập dịch không khoan nhượng. Biên giới của Trung Quốc đã đóng suốt hai năm và các cụm dịch được xử lý bằng phương án cách ly, phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt.

Từ sớm, Trung Quốc đã hành động mạnh tay, giúp phần đông người dân được sống trong an toàn, chỉ một bộ phận phải sống dưới lệnh phong tỏa.  

Nhưng các đợt bùng phát ngày càng khó kiểm soát. Ngoài thành phố Thượng Hải, 5 tỉnh lớn khác đang bị phong tỏa một phần và Quảng Châu đã đóng cửa trường học. Ít nhất 150 triệu người đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa, theo tờ The Economist

Trung Quốc không có ý định từ bỏ Zero COVID. Giới lãnh đạo đã không trang bị cho người dân sống chung với COVID-19 cũng như thất bại trong việc tiêm phòng đầy đủ cho người già hoặc sử dụng vắc xin phương Tây hiệu quả hơn.

Trung Quốc hiện chỉ có hai lựa chọn: Một là dồn sức cho chiến dịch tiêm chủng nhưng chấp nhận để dịch bệnh lây lan một thời gian và có thể giết chết tới 2 triệu người, theo tính toán của một số mô hình. Hai là cách ly vô thời hạn và liên tục thi hành lệnh giới nghiêm.

Ngành công nghệ đi lùi

Các lệnh phong tỏa đang làm tổn thương tăng trưởng, khuếch đại những sai lầm của Bắc Kinh trong việc định hình lại nền kinh tế. Ông Tập đã kêu gọi giới doanh nhân Trung Quốc bớt đặt lợi nhuận lên trên hết và trở nên tự chủ hơn.

Tuy nhiên, trong lúc cố gắng thi hành các khẩu hiệu mơ hồ như “thịnh vượng chung”, các quan chức đã mở rộng ảnh hưởng của nhà nước và làm nhụt chí các doanh nhân thành công nhất đất nước.

Ngành công nghệ sáng chói một thời của Trung Quốc nay nằm trong "phòng hồi sức cấp cứu".

10 công ty công nghệ lớn nhất đã mất 1.700 tỷ USD vốn hóa thị trường sau liên hoàn quy định khắt khe của Bắc Kinh. Các sếp lớn của Alibaba và Tencent giờ trở thành “tấm gương” của sự vâng lời.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã cố đảo ngược chính sách. Nhưng nhà đầu tư toàn cầu vẫn nghi ngại. 10 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang bị định giá thấp hơn 50% so với top 10 công ty cùng ngành tại Mỹ.

Để thay thế cho các đại gia công nghệ, Trung Quốc hy vọng có thể vun đắp được một thế hệ start up mới biết tuân theo mục tiêu của giới lãnh đạo. Trung Quốc có hàng chục nghìn start up như vậy, với mục đích biến họ trở thành những công ty đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây, robot và trí tuệ nhân tạo.

Đến nay, các nhà đầu tư yêu nước vẫn đang cổ vũ những startup mới này. Tuy nhiên theo tờ The Economist, nhiều trong số chúng chỉ là các công ty kém cỏi được các quan chức dung túng để đạt mục tiêu phát triển của địa phương.

Một ngành công nghệ được "nuôi nấng" bởi trợ cấp nhà nước và nỗi sợ hãi, đồng thời có thể phải đối mặt với rủi ro bị tách biệt khỏi hệ thống đầu tư mạo hiểm, nhiều khả năng sẽ bị hụt hơi.

Thân thiết với Moscow

Rắc rối cuối cùng liên quan đến Ukraine và chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Ông Tập vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Moscow cùng với niềm tin rằng phương Tây đang suy yếu. Nhưng lập trường của ông đi kèm với một cái giá. Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu sẽ càng bị tổn thương, trong khi đó Trung Quốc lại dựa dẫm không nhỏ vào hai thị trường này.

Trung Quốc hy vọng châu Âu có thể xa rời với Mỹ, nhưng chiến sự Nga - Ukraine đã hồi sinh NATO và hợp tác xuyên Đại Tây Dương về năng lượng.

Đúng là nhiều nước không muốn chọn phe giữa Trung Quốc và phương Tây. Nhưng ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đang phản tác dụng.

Tại các nước giàu, quan điểm của công chúng về Trung Quốc đang ở mức tiêu cực nhất trong hai thập kỷ. Điều tương tự cũng xảy ra với một số nước đang phát triển lo ngại thái độ của Bắc Kinh, ví dụ như Ấn Độ.

Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm mạnh, như khả năng tập trung nguồn lực cho các mục tiêu chiến lược hay thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng với các rắc rối trên, triển vọng tương lai của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc liệu giới lãnh đạo có thể nhìn nhận sai lầm và thay đổi hướng đi chính sách hay không.

Giang