|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sự bất mãn ở Thượng Hải thử thách giới hạn ‘Zero COVID’ của Trung Quốc

16:08 | 13/04/2022
Chia sẻ
Để khống chế dịch, 25 triệu dân ở Thượng Hải nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung đang phải trả giá đắt. Các biện pháp kiểm soát dịch có thể gây thiệt hại 46 tỷ USD mỗi tháng và sự ủng hộ của xã hội đối với chiến lược "Zero COVID" đang ngày càng suy giảm.

(Hình minh họa: Lau Ka-kuen/SCMP). 

Trở tay không kịp

Ngay sau nửa đêm ngày 7/4, một đội ngũ gồm 7.500 nhân viên y tế đã tức tốc lên xe buýt ở tỉnh Giang Tô để đến thành phố Thượng Hải. Hành trình kéo dài 300 km trong 12 giờ. Khi đến nơi, họ mặc quần áo bảo hộ và dành cả ngày lấy mẫu xét nghiệm dịch họng của hàng trăm nghìn người dân, rồi bắt đầu chuyến đi dài về nhà ngay hôm đó.

Hơn 30.000 nhân viên y tế khác tại ít nhất 15 tỉnh thành đã thực hiện hành trình tương tự để giúp Thượng Hải xét nghiệm 25 triệu dân. Thành phố đang tiến hành nỗ lực lớn nhất để kiểm soát virus kể từ khi COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán hai năm trước.

Nhưng quá khứ và hiện tại có sự khác biệt lớn. Cuộc phong tỏa ở Vũ Hán nhận được sự ủng hộ rộng rãi bởi người dân nóng lòng ngăn dịch bệnh lây lan. Nhưng nay thì sự bất bình ngày càng tăng kể từ khi Thượng Hải áp dụng các biện pháp tương tự vào ngày 28/3.

Đã có những báo cáo về việc người dân la hét từ nhà do bị cách ly quá lâu, thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và thú cưng bị giết bởi nhân viên chống dịch, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.

Trong khi các nước khác đã chuyển sang sống chung với virus, Trung Quốc vẫn quyết tâm dập tắt mọi cụm dịch. Nhưng bản chất biến đổi của COVID-19 đã làm dấy lên câu hỏi về tính công hiệu của các biện pháp nghiêm khắc này.

Các biến chủng mới của COVID-19 dễ lây lan hơn, nhưng cũng ít nguy hiểm hơn đối với những người đã tiêm vắc xin, ít nhất là cho đến nay. Số ca nhiễm hàng ngày ở Thượng Hải đã vượt quá 20.000 người trong hơn một tuần, nhưng đa số người bệnh không có triệu chứng và vẫn chưa có trường hợp tử vong nào vì COVID-19.

Một trung tâm triển lãm ở Thượng Hải đã được chuyển đổi thành cơ sở cách ly COVID-19 tạm thời. (Ảnh: Tân Hoa Xã). 

Khoảng một tuần trước, người Thượng Hải tưởng lệnh phong tỏa sẽ sớm được gỡ bỏ, theo thông báo ban đầu của chính quyền. Nhưng thay vào đó, theo kế hoạch mới nhất, họ sẽ phải ở yên trong nhà thêm 14 ngày nếu chính quyền phát hiện thêm một ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trong một tuần tới.

Ông Liang Wannian, trưởng nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, khẳng định mục tiêu chống dịch ở Thượng Hải là làm mọi thứ có thể để giảm tốc độ lây truyền R0 xuống dưới 1, tức là khi một ca nhiễm chỉ lây truyền cho ít hơn 1 người khác. Đây sẽ là công cuộc khó khăn bởi theo lý thuyết, một người dương tính với chủng Omicron mới nhất có thể lây bệnh cho gần 10 người.

Tình hình ở Thượng Hải xấu đi nhanh chóng, khiến các nhà chức trách trở tay không kịp. Xuất hiện những câu chuyện về người dân bị đưa đi cách ly tại những cơ sở chưa hoàn thiện, không có nước, thực phẩm hay thuốc chữa trị.

Các báo cáo về trẻ em không được coi sóc và hoảng sợ tại các khu bảo trợ sau khi bị buộc chia tách với cha mẹ khiến người dân phải thỉnh cầu giới chức trách cho các gia đình cách ly tại nhà.

Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đã đến Thượng Hải vào đầu tháng này để đích thân chỉ đạo thành phố đối phó với dịch bệnh. Từ đó, thành phố đã tổ chức xét nghiệm thường xuyên hơn và thi hành nghiêm ngặt hơn các quy định cách ly đối với người dương tính với COVID-19. Nhưng lấy mẫu dịch học của 25 triệu người không phải công việc nhẹ nhàng và Thượng Hải đã trải qua ít nhất ba vòng xét nghiệm toàn thành phố.

Việc phong tỏa toàn bộ thành phố kéo dài một tháng sẽ chỉ lấy mất 2,7% tổng thu nhập thực tế của Thượng Hải. Nhưng các hạn chế kéo dài đang phủ bóng lên toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc đại lục và Đại học Princeton ở Mỹ, Đại học Trung Quốc ở Hong Kong chỉ ra rằng các chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế mỗi tháng tổn thất ít nhất 46 tỷ USD – tương đương 3,1% GDP.

Lựa chọn “ít tồi tệ nhất”

Giáo sư khoa học chính trị Dali Yang của Đại học Chicago nhận định Trung Quốc chưa sẵn sàng để từ bỏ các cuộc phong tỏa quy mô ở Thượng Hải và các thành phố khác khi tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn thấp. Theo ông, Trung Quốc chưa chuẩn bị đủ cho xã hội về các đợt bùng phát dịch mới nhất và bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược sẽ phụ thuộc vào cách các điểm nóng được kiểm soát.

Ông chỉ ra: “Cho đến nay, chi phí chống dịch đang gia tăng. Nhưng nhìn từ góc độ quốc gia, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên quyết tuân thủ chiến lược Zero COVID. Quá trình này càng kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và nền kinh tế thì sẽ càng có nhiều câu hỏi về khả năng duy trì của cách tiếp cận nghiêm ngặt như vậy”.

Ông Yang cho rằng sự gián đoạn xã hội và kinh tế tiếp diễn sẽ làm sa sút sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc với chiến lược “Zero COVID”.

Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình lặp lại rằng Trung Quốc cần tiếp tục chiến lược “Zero COVID”, nhưng đồng thời phải giảm tối đa tác động lên kinh tế và xã hội.

Nhưng chính sách chống dịch này đã đẩy nguồn lực của Thượng Hải đến giới hạn cuối cùng. Tuy chưa có người tử vong vì COVID-19 nhưng các hạn chế đi lại và dịch vụ xe cấp cứu eo hẹp đã dẫn đến các trường hợp tử vong do bị trì hoãn hoặc từ chối điều trị các bệnh lý khác.

Hàng chục khoa điều trị ngoại trú của thành phố đã phải tạm thời đóng cửa sau khi đón tiếp bệnh nhân COVID-19, buộc những người bệnh nặng khác phải xếp hàng để được chăm sóc y tế.

Ông Jeremy Lim, Giáo sư tại Trường Y tế công Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải quyết định “lựa chọn ít tồi tệ nhất” - hoặc giảm thiểu thiệt hại về tính mạng do COVID-19 hoặc để các bệnh lý khác trở nên tồi tệ hơn do việc đóng cửa và hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế.

Ông giải thích: “Vấn đề quan trọng nhất là ngăn hệ thống y tế bị quá tải. Như những gì chúng ta chứng kiến trong giai đoạn trước của đại dịch, sự quá tải không những có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho bệnh nhân COVID-19 mà còn tới tất cả những ai cần tiếp cận dịch vụ y tế”.

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.