|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc nghiêm trọng đến đâu?

16:52 | 12/04/2022
Chia sẻ
Tâm dịch hiện nay ở Trung Quốc là Thượng Hải, với hơn 26.000 ca nhiễm COVID-19 mới trong một ngày. Có tới 21 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19 trong ngày 10/4.

Người dân Thượng Hải vẫn chưa biết được khi nào lệnh phong tỏa sẽ được gỡ. (Ảnh: Getty Images). 

Hôm 11/4, Bộ Ngoại giao Mỹ lệnh cho các nhân viên chính phủ không thiết yếu rời khỏi lãnh sự quán ở Thượng Hải do sự bùng phát số ca mắc COVID-19 và các biện pháp kiểm soát dịch của Trung Quốc. Nhân sự không thiết yếu đã được phép rời đi nếu muốn kể từ ngày 8/4, nhưng giờ chỉ đạo của bộ mang tính bắt buộc. Điều này cho thấy chỉ trong ba ngày, diễn biến dịch ở Trung Quốc đã đủ khiến các quan chức Mỹ phải lo ngại và đổi ý. 

Cùng ngày 11/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng rằng cơ quan này đang theo dõi sự gia tăng mạnh các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đại lục. Các quan chức địa phương cho rằng nguyên nhân là do biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron.

Tiến sĩ Kate O’Brien, Giám dốc chương trình tiêm chủng và miễn dịch của WHO, cho biết tổ chức đang liên lạc với các cơ quan y tế công ở Trung Quốc. Các quan chức WHO nói rằng họ cần quan sát tính hiệu quả của việc phong tỏa cục bộ cũng như của vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc chế tạo, nhưng giờ chưa có đủ thông tin để đưa ra đánh giá.

Bà O’Brien phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở WHO: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh và cách phản ứng của Trung Quốc để có thể hiểu bản chất của số ca nhiễm, tình trạng tiêm chủng cơ bản và các yếu tố khác”.

Tuyên bố của WHO được đưa tra trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với làn sóng dịch tồi tệ nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện tại Vũ Hán hơn hai năm trước. Trung Quốc đại lục phát hiện 1.184 trường hợp nhiễm COVID-19 mới có triệu chứng và 26.411 ca nhiễm không triệu chứng trong ngày 10/4, theo CNBC

Tuy các con số trên là thấp khi so với hầu hết các nước khác, đây lại là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại Trung Quốc từ trước đến nay, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Để khống chế dịch, Bắc Kinh đã tái phong tỏa một số vùng và cho một bộ phận học sinh, sinh viên học trực tuyến. Tâm dịch lần này là Thượng Hải với hơn 26.000 ca nhiễm được báo cáo trong ngày 10/4.

Gần như toàn bộ 26 triệu cư dân ở Thượng Hải đang tiếp tục bị phong tỏa thêm khoảng một tuần sau khi lệnh đóng cửa hai giai đoạn của thành phố kết thúc.

 

Một trong những biện pháp gây tranh cãi nhất của Thượng Hải là chia tách trẻ em mắc COVID-19 với bố mẹ. Song sau đó, chính quyền địa phương đã có một số nhượng bộ. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến nguy cơ con cái và bố mẹ bị chia cắt trong thông báo yêu cầu nhân viên rời khỏi lãnh sự quán Thượng Hải, tờ Reuters đưa tin. 

Các lệnh phong tỏa cục bộ là một phần trong chính sách Zero COVID từng giúp Trung Quốc phục hồi sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi năm 2020. 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Alejandro Cravioto, người đứng đầu nhóm cố vấn chuyên môn của WHO về tiêm chủng nói rằng “điều quan trọng” là phải đánh giá xem việc phong tỏa như vậy có hoàn toàn hiệu quả trong việc khống chế đợt dịch mới nhất không, đặc biệt là với sự lây lan nhanh chóng của BA.2.

Biến thể phụ này dễ lan truyền hơn chủng COVID-19 ban đầu, nhưng người mắc chủ yếu chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Ông Cravioto nói thêm rằng WHO cũng thiếu thông tin đầy đủ về các loại vắc xin đang được tiêm chủng ở Trung Quốc. Gần đây nhất, nhóm chuyên gia của WHO đang xem xét dữ liệu về vắc xin mRNA được phát triển bởi CanSino Biologics, một công ty sản xuất vắc xin ở Trung Quốc.

“Cho đến khi chúng tôi nhận được dữ liệu đầy đủ, chúng tôi không thể đưa ra thêm bình luận” về độ hiệu quả của các biện pháp phong tỏa hà khắc mà Trung Quốc áp dụng, ông Cravio nói với báo chí. 

Liệu Trung Quốc có nên nới tay trong chống dịch?

Chính phủ Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng việc chống dịch quá gắt gao sẽ bóp chết nền kinh tế. Chỉ trong chưa đầy một tuần, Thủ tướng Lý Khắc Cường phải ra ba cảnh báo về rủi ro tăng trưởng, theo tờ Bloomberg.

Tại cuộc hội thảo với các quan chức địa phương hôm 11/4, ông thúc giục các nhà chức trách nên “đánh giá thêm tính cấp bách” khi thực thi các chính sách hiện hành. Ông cho biết Trung Quốc sẽ thực thi các chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ kinh tế.

Các nhà kinh tế tại Nomura ước tính khoảng 373 triệu người ở 45 thành phố đang sống dưới lệnh phong tỏa một phần hoặc toàn phần. Các khu vực này tạo ra tới 40% GDP của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng một số hoạt động chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn coi kiểm soát COVID-19 là mục tiêu chính sách hàng đầu. Do đó, các chính trị gia địa phương vẫn sẽ có khuynh hướng tuân thủ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trước thềm cuộc họp quan trọng vào cuối năm nay.

Theo Our World In Data thì tính tới tháng 4, có tới 88,5% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19. Bất chấp số liệu tiêm chủng ấn tượng, nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy vắc xin của các công ty Trung Quốc Sinovac Biotech và Sinopharm cung cấp ít kháng thể hơn so với vắc xin mRNA của Pfizer và Moderna.

Do đó, dân Trung Quốc vẫn dễ nhiễm bệnh và nếu nước này từ bỏ chiến lược Zero COVID thì số ca nhiễm có thể tăng lên đến hàng trăm nghìn ca mỗi ngày.

Không chỉ Thượng Hải mà nhiều thành phố khác cũng đang phải vật lộn với làn sóng COVDI-19, với 21 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm trong ngày 10/4. Vũ Hán báo cáo 12 trường hợp nhiễm không triệu chứng và thông báo rằng từ sáng ngày kế tiếp, người muốn đi tàu điện ngầm phải có kết quả âm tính với COVID-19.

Quảng Châu đóng cửa trường học cho đến ngày 17/4 và sẽ tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Một số quận đã đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí trong nhà. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu người dân phải xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi rời thành phố.

Bắc Kinh không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào trong ngày 10/4. Tỉnh Hà Bắc bao quanh báo cáo 100 ca nhiễm mới, đều không có triệu chứng. Các thành phố lớn khác bao gồm Tây An và Thành Đô, Tô Châu và Nam Kinh, mỗi thành phố phát hiện dưới 10 trường hợp mới dương tính COVID-19.

Giang