|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc phiên đầu tuần, thông tin gì đã dẫn tới bán tháo?

18:34 | 11/04/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 11/4 đồng loạt giảm sút khi số liệu lạm phát tháng 3 được công bố và nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình dịch COVID-19 ở đại lục.

Chỉ số CSI 300 đại diện cho các cổ phiếu lớn nhất ở Trung Quốc đại lục sụt 3,1% còn 4.100 điểm. Chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component giảm tương ứng 2,61% và 3,67%.

Chỉ số Hang Seng Index của sàn Hong Hong cũng mất 3%, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc Nio niêm yết ở Hong Kong cắm đầu giảm 11,4% sau khi công ty này thông báo tạm dừng sản xuất do COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

 

Theo CNBC, Cục Thống kê Trung Quốc ngày 11/4 công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức 7,9% mà các chuyên gia của Reuters dự báo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức 1,2% mà Reuters dự báo.

Ông Ramiz Chelat, Giám đốc quản lý danh mục tại Vontobel Asset Management nhận định: “Tôi nghĩ điểm đáng chú ý nhất là cách biệt lớn giữa lạm phát giá sản xuất và lạm phát giá tiêu dùng. Khoảng cách này cho thấy đa phần doanh nghiệp Trung Quốc không có quyền lực định giá và đang phải chịu thiệt hại về biên lợi nhuận”.

Giá sản xuất tăng nhanh hơn giá tiêu dùng, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới, cho thấy doanh nghiệp không thể nâng giá bán sản phẩm đủ để bù đắp chi phí đầu vào, dẫn tới biên lợi nhuận mỏng đi, thậm chí là thua lỗ.

 Chênh lệch lớn giữa lạm phát giá sản xuất và lạm phát giá tiêu dùng.

Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch giữa PPI và CPI là việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ giá bán nhiều sản phẩm đến tay người tiêu dùng, trong khi giá nhiều loại hàng hóa và nguyên vật liệu trên thị trường thế giới lên cao do đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột Nga – Ukraine. 

Số liệu lạm phát được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang phải gồng mình chống đỡ đợt bùng phát COVID-19 mạnh nhất kể từ đầu đại dịch năm 2020 đến nay. Ngày 10/4, Thượng Hải công bố số ca nhiễm mới cao kỷ lục, bao gồm 914 ca có triệu chứng và 25.173 ca không có triệu chứng.

Ông Ramiz Chelat nói: “Do mức độ lây lan cao của biến chủng Omicron, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều địa phương bị phong tỏa hơn trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần phải rất chọn lọc ở Trung Quốc, tìm kiếm những công ty có khả năng làm ăn tốt trong một môi trường khó tăng trưởng”.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,61%, Topix cũng mất 0,38%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,27%. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1,55%. Giá dầu thô Brent và WTI cũng giảm gần 2% và hiện đều ở dưới ngưỡng 100 USD/thùng. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/4 đóng cửa vì nghỉ lễ dịp Giỗ tổ Hùng Vương.

Đức Quyền