|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed lên kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán 1.100 tỷ USD mỗi năm

09:21 | 07/04/2022
Chia sẻ
Các quan chức Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vạch ra kế hoạch nhằm thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm. Fed dự kiến sẽ đồng thời “nhanh chóng” tăng lãi suất để đối phó với lạm phát nóng nhất trong 4 thập kỷ.

 Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images). 

Lộ trình giảm thiểu số tài sản mua vào trong đại dịch được Fed đưa ra trong biên bản cuộc họp tháng 3. Các quan chức đã tranh luận về có nên tăng tốc hơn không nhưng cuối cùng quyết định hành động thận trọng do sự không chắc chắn về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

“Nhiều người” trong số các thành viên tham dự cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhìn nhận việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong một hoặc nhiều cuộc họp còn lại trong năm 2022 có thể là hợp lý nếu áp lực giá không dịu xuống.

Giới phân tích coi đây là bằng chứng cho thấy Fed lo rằng họ đã chậm trễ trong cuộc chiến với lạm phát và đang phải vội vã đưa lãi suất điều hành – hiện năm trong khoảng 0,25-0,5% - quay về mức trung tính. Theo lý thuyết, lãi suất trung tính là mức lãi suất không thúc đẩy hay giảm tốc nền kinh tế.  

Bà Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont Securities nói với Bloomberg: “FOMC đã duy trì chính sách tiền tệ dễ dãi trong quá lâu và chậm trễ trong việc nhận ra sai lầm. Giờ họ phải vắt chân lên cổ để đưa chính sách quay về trung tính nhanh nhất có thể. Khi đạt được lãi suất gần với mức trung tính, các quan chức sẽ phải đánh giá xem họ cần phải siết chặt thêm bao nhiêu để kéo lạm sát về tầm kiểm soát”.

 

 

Theo Bloomberg, nỗ lực giảm thiểu quy mô bảng cân đối kế toán sẽ đánh dấu bược ngoặt lớn trong cuộc chiến chống lạm phát. Fed mới chỉ kết thúc kế hoạch mua trái phiếu thời đại dịch vào tháng trước.

FOMC được cho là sẽ phê chuẩn kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối trong cuộc họp chính sách tiếp theo trong hai ngày 3-4/5. Kế hoạch sẽ được trình bày thông qua bài thuyết trình của các chuyên gia nghiên cứu với giới quan chức.

Các quan chức đề xuất thu hẹp bảng cân đối của Fed với tốc độ tối đa là 60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 35 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) mỗi tháng. Những con số này phù hợp với kỳ vọng của thị trường và gần gấp đôi tốc độ đỉnh điểm của lần giảm thiểu quy mô bảng cân đối gần nhất của Fed thời 2017-2019 là 50 tỷ USD/tháng.

Các quan chức ủng hộ việc tăng tốc thắt chặt cung tiền từ 0 lên 95 tỷ USD/tháng trong vòng ba tháng “hoặc lâu hơn một chút nếu tình hình thị trường cho phép”. Biên bản cuộc họp cho thấy nhiều quan chức ủng hộ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong những cuộc họp tiếp theo.

Fed đã giảm đáng kể hoạt động mua bán chứng khoán hàng tuần, tiến tới giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 5.

Biên bản còn viết: “Các thành viên tham dự đánh giá rằng nhanh chóng chuyển lập trường chính sách tiền tệ sang trung tính là hành động hợp lý”. Mức lãi suất trung tính nằm vào khoảng 2,4%, theo ước tính trung vị các quan chức đưa ra tại buổi họp. Các quan chức “cũng lưu ý rằng tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và tài chính, bước đi hướng tới thắt chặt chính sách tiền tệ có thể được thực hiện”.

Sau cuộc họp tháng 3, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã cảnh báo rằng họ có thể hành động nhanh chóng đối với lãi suất điều hành. Hôm 21/3, Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 nếu cần thiết.

Quyết liệt hơn nữa

Khi đã rõ rằng mục tiêu chính sách hiện tại là lãi suất trung tính, nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh vị thế xoay quanh kịch bản Fed dự định đạt được mục tiêu đó nhanh đến mức nào. Dữ liệu ngắn hạn về lạm phát sẽ có tác động lớn lên quyết định của Fed. Tháng trước, ông Powell cho biết rằng “khi triển vọng thay đổi, chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách tương ứng”.

Fed vừa tăng lãi suất: Ảnh hưởng tới lạm phát, việc làm và vay nợ ra sao? - Ảnh 1.

Các thị trường tương lai đang phản ánh khả năng cao về việc lãi suất tăng thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5. Tác động của việc giảm quy mô bảng cân đối lên tình hình tài chính có lẽ sẽ được quan sát kỹ càng trong nửa cuối năm.

Mỹ sẽ đối mặt với rủi ro và thách thức chính sách lớn hơn nữa nếu chiến sự Nga-Ukraine khiến giá thực phẩm và năng lượng cao duy trì đủ lâu để gây ra thêm một làn sóng tăng lương và giá cả mới. Nếu kịch bản này xảy ra, rất có thể Fed sẽ phải ra động thái chính sách mạnh bạo hơn nữa để thị trường không ngờ vực khả năng kiểm soát giá của ngân hàng trung ương Mỹ.

Ông Guy LeBas, Giám đốc bộ phận chứng khoán thu nhập cố định của công ty dịch vụ tài chính Janney Montgomery Scott dự đoán: “Đối mặt với sự không chắc chắn lớn là bối cảnh kinh tế thay đổi nhanh chóng, Fed đã chuyển từ lời nói sang hành động. Kết quả là tình hình tài chính sẽ tiếp tục biến động trong phần lớn của 6 tháng tới”.

Giang