Fed theo dõi đường cong lợi suất đảo ngược nhưng không quên báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất
Trong một khoảng thời gian ngắn ngày 29/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lần đầu tiên kể từ năm 2019. Sự việc này đã đảo ngược một đoạn quan trọng của đường cong lợi suất trái phiếu và củng cố quan điểm rằng việc tăng lãi suất có thể gây ra suy thoái.
Theo nhiều nhà quan sát, lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn thường là một cảnh báo suy thoái. Giờ đây, thị trường cho rằng phần đầu phía trước của đường cong lợi suất sẽ tiếp tục đi lên khi Fed bắt đầu tăng lãi suất.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lộ trình tăng lãi suất của Fed khó thêm vài phần khi Nga - Ukraine bên miệng hố chiến tranh 23/02/2022 - 16:05
Tuy nhiên, đường cong lợi suất sau đó sẽ đi xuống vì các nhà đầu tư tin chắc kế hoạch thắt chặt chính sách của Fed sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ phải đảo ngược lập trường và trở lại cắt giảm lãi suất.
Đầu tháng 3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã kéo lãi suất chuẩn khỏi mức 0 và báo hiệu ít nhất 6 đợt tăng lãi suất khác trong năm nay, mỗi đợt có thể tăng 25 điểm cơ bản. Nếu Fed giữ nguyên kế hoạch thì đến cuối năm 2022, lãi suất chuẩn sẽ tăng lên mức 1,9% và chạm ngưỡng 2,8% vào năm 2023, theo Bloomberg.
Rất nhiều quan chức, từ cánh diều hâu đến phe bồ cầu trong ngân hàng trung ương Mỹ, đều khẳng định quyết tâm tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, vốn đang neo ở mức đỉnh 40 năm.
Một số còn tuyên bố rằng họ sẵn sàng tăng lãi suất đến 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5. Chủ tịch Jerome Powell cũng nói rằng đây là một mức tăng có thể cân nhắc, nếu thực sự cần thiết.
Trong một lưu ý gửi khách hàng, hãng tư vấn Evercore ISI bình luận: “Nhìn chung, đường cong lợi suất đảo ngược một phần không báo hiệu nguy cơ suy thoái sắp xảy ra và chúng ta cũng không nên mong đợi việc này có thể ngăn cản Fed thực hiện hai hoặc ba lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản”.
“Tuy nhiên, không sai khi các đường cong lợi suất có thể phát tín hiệu suy thoái mạnh mẽ hơn vào năm tới. Nếu xảy ra, điều này có thể góp phần thúc đẩy Fed đảo chiều để cắt giảm lãi suất trở lại”, Evercore ISI thông tin thêm.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhấn mạnh, nền kinh tế Mỹ có đủ sức để xử lý chi phí đi vay cao hơn. Họ bày tỏ sự tin tưởng vào một cú “hạ cánh mềm”, lạm phát có thể trở lại ngưỡng mục tiêu 2% mà nền kinh tế cũng tránh được nguy cơ suy thoái.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed loay hoay tìm cách đưa kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' giữa chiến sự nảy lửa 12/03/2022 - 18:15
Song, điều đó không có nghĩa là giới chức Fed không quan tâm tới đường cong lợi suất đảo ngược, Bloomberg lưu ý.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Neel Kashkari - Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cho hay: “Tôi vẫn tin rằng đường cong lợi suất sẽ cung cấp cho chúng tôi những phản hồi hữu ích về hướng đi chính sách trung lập của Fed”.
Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, có vẻ khá thoải mái. Vị chủ tịch cho biết lợi suất dài hạn bị suy giảm do lạm phát duy trì ở mức cực thấp trong hàng thập kỷ cũng như do nhu cầu trú ẩn an toàn từ các nhà đầu tư sau khi Nga tấn công Ukraine.
“Tôi sẽ nghiên cứu đoạn gần đây của đường cong lợi suất vì đó là phần chúng tôi đang trực tiếp kiểm soát”, ông Bostic cho hay. “Đó chắc chắn là thứ mà Fed cần xem xét nhưng không phải là thứ duy nhất chúng tôi sẽ đánh giá”.
Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas - Esther George lại lo ngại hơn. Bà e ngại sự đảo ngược của đường cong lợi suất không phải vì nó báo hiệu một cuộc suy thoái sắp đến, mà vì nó có thể là chỉ báo về khả năng chấp nhận rủi ro và sức mạnh tài chính của người cho vay.
“Đường cong lợi suất đảo ngược có ý nghĩa hệ trọng đối với sự ổn định của hệ thống tài chính…Đường cong lợi suất đảo ngược cũng gây áp lực lên mô hình cho vay của các ngân hàng truyền thống vốn dựa vào biên lãi ròng hoặc chênh lệch giữa cho vay ngắn hạn và dài hạn”, bà George bày tỏ.