|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lộ trình tăng lãi suất của Fed khó thêm vài phần khi Nga - Ukraine bên miệng hố chiến tranh

16:05 | 23/02/2022
Chia sẻ
Kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trở nên mờ mịt và khó lường hơn nếu Nga xâm lược Ukraine.

Thực tế đã rõ: Fed cần thắt chặt chính sách

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 năm nay của Mỹ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI tăng vượt mức 6%, đồng thời còn xác lập mức đỉnh 40 năm so với thời điểm tháng 2/1982.

Áp lực lạm phát phình to đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chi tiêu của người dân Mỹ và tỷ lệ tín nhiệm của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Lâu nay, tiêu dùng lại chính là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong báo cáo khác, Bộ Lao động Mỹ thông báo nước này đã tạo thêm 467.000 việc làm trong tháng 1, bất chấp lo ngại của công chúng về ảnh hưởng của biến chủng Omicron đối với thị trường lao động.

Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên mức 4%, tăng trưởng việc làm trong tháng 1 vừa qua vẫn vượt xa kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và Phố Wall, số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy.

 

Trong bối cảnh lạm phát phình to - trái với nhận định của Fed trong phần lớn năm 2021, và thị trường việc làm ổn định trở lại, ngân hàng trung ương Mỹ đang chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tại cuộc họp tháng trước, Chủ tịch Jerome Powell đã báo hiệu Fed có thể sẽ tăng lãi suất từ tháng 3, sau đó tiến tới thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán sau khi hoàn thành việc nâng lãi suất.

Ban đầu, thị trường đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3 tới. Song, với số liệu lạm phát lên cao như trên, các nhà đầu tư đã mạnh dạn kỳ vọng mức tăng 50 điểm cơ bản.

Một loạt ngân hàng lớn trên Phố Wall từ Bank of America đến JPMorgan cũng đưa ra các dự báo sốc về số đợt tăng lãi suất của Fed trong năm 2022. Đơn cử, Bank of America tin Fed sẽ nâng lãi suất 7 lần với mỗi lần 25 điểm cơ bản, trong khi JPMorgan kỳ vọng 9 lần cả thảy, mỗi lần cũng 25 điểm cơ bản.

Củng cố niềm tin của thị trường, bình luận của các nhà hoạch định chính sách cũng cho thấy khả năng cao là Fed sẽ tăng lãi suất mạnh tay trong năm nay, thậm chí là có thể thực hiện tăng lãi suất "tại mỗi cuộc họp trong tương lai" do lạm phát đang tăng quá nhanh so với dự đoán.

Ẩn số ít ai biết: Binh biến và lạm phát

Đông Âu chìm trong hỗn loạn

Đến nay, ước tính có khoảng 160.000 - 190.000 binh lính Nga đang đóng quân dọc biên giới với Ukraine cũng như bên trong lãnh thổ Belarus. Dù Nga đã lên tiếng phủ nhận ý định tấn công Ukraine, phương Tây vẫn khẳng định Tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu "xâm lược" nước láng giềng.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi trong tuần này, căng thẳng leo thang đột biến và nguy cơ chiến tranh tại Ukraine ngày càng hiện hữu.

Lộ trình tăng lãi suất của Fed khó thêm vài phần khi Nga - Ukraine bên miệng hố chiến tranh - Ảnh 1.

Nga và Ukraine đang mấp mé bên miệng hố chiến tranh. (Ảnh minh họa: AP).

Điện Kremlin của ông Putin đã công nhận độc lập và chủ quyền đối với hai nhà nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine, đồng thời đưa quân vào khu vực này để "bảo vệ hòa bình".

Tổng thống Joe Biden hôm 22/2 nhận định: "Nga đã chuyển nguồn cung máu tươi và thiết bị y tế vào các điểm đóng quân ở biên giới. Bạn không cần máu tươi, trừ khi bạn sắp khai chiến".

Đáp lại, Đức tuyên bố ngừng phê duyệt đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga. Mỹ áp một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng lớn, nợ chính phủ của Nga cùng một số cá nhân trong giới tinh hoa Nga.

Chưa rõ các biện pháp trừng phạt của phương Tây có gây hại cho Nga không, nhưng ảnh hưởng tiềm tàng đến người dân của các nước này chắc chắn có. Bản thân ông Biden cũng thừa nhận mình đang cố gắng hết sức để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.

Liên hệ với lạm phát của Mỹ

Trước hết, Nga và Ukraine vốn là các "cường quốc ngũ cốc" của thế giới. Hội đồng Ngũ cốc Thế giới ước tính, trong niên vụ 2021 - 2022, hai nước Liên Xô cũ có thể cung ứng khoảng 103 triệu tấn ngũ cốc cho thế giới, chiếm 24,3% tổng nguồn cung toàn cầu.

Thêm nữa, Nga còn "cường quốc kim loại công nghiệp", hàng năm cung ứng hàng triệu tấn nhôm, đồng, nickel, platinum, palladium,…cho thế giới. Một số kim loại còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho cuộc cách mạng xanh mà chính phủ phương Tây đang khởi xướng.

 

Quan trọng hơn hết, Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, chiếm 6,2% trữ lượng đã được phát hiện cũng như hơn 12% sản lượng toàn cầu; đồng thời còn là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ ba hành tinh. Hai mặt hàng này được coi là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu.

Một khi Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây phát huy tác dụng, nguồn cung các hàng hóa nêu trên có thể bị gián đoạn. Giữa lúc chuỗi cung ứng bị đứt quãng như hiện nay, giá hàng hóa chắc chắn sẽ tăng cao nếu Nga và Ukraine động binh.

Hiện tại, giá ngũ cốc trên sàn giao dịch Chicago và giá kim loại công nghiệp tại sàn giao dịch hàng hóa London đều đang neo ở mức đỉnh nhiều năm, còn giá dầu thô thì đang áp sát mốc 100 USD/thùng.

 

Ở diễn biến khác, Mỹ lại là nước nhập khẩu ròng nhiều hàng hóa như khoáng sản và dầu thô. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán, trong năm 2022, Mỹ sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu ròng dầu thô hàng đầu thế giới.

Không tính các mặt hàng khác, chỉ riêng giá dầu thô tăng cao hơn là người tiêu dùng đã chịu thiệt. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), người dân nước này đang chi trung bình 3,53 USD/gallon xăng, cao hơn 90 xu so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 21 xu so với tháng trước.

Theo một phản ứng dây chuyền, giá xăng dầu tăng sẽ kéo các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ đi lên, trở thành chất xúc tác cho lạm phát phình to và gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách của Fed.

Chia sẻ với CNBC, ông Bruce Kasman, kinh tế trưởng của JPMorgan, nhận định: "Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến mọi thứ trở nên phức tạp và khó lường trước hơn".

"Có khả năng ảnh hưởng của căng thẳng tại Đông Âu đến tăng trưởng của Mỹ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng có kịch bản rằng đà tăng của giá cả không tổn hại mấy đến tăng trưởng nhưng lại thổi bùng lạm phát", vị chuyên gia cho hay.

Một mặt, Fed có thể lo sợ rằng tăng trưởng kinh tế chững lại sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất, khiến công cuộc ghìm cương lạm phát trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, Fed có thể sẽ muốn hành động mạnh tay hơn nếu lạm phát leo thang đột biến.

Dù theo hướng nào, nguy cơ động binh tại Ukraine cũng có thể gây trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách, phủ bóng mờ lên triển vọng tăng lãi suất của Fed.

Yên Khê

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).