Một góc bị bỏ quên trên thị trường hàng hóa: Nếu Nga khai chiến, thiệt hại nặng nề
Hiện tại, ước tính hơn 100.000 binh sĩ Nga đang đóng quân tại biên giới Ukraine, cùng lượng lớn vũ khí, đạn dược và thậm chí là nguồn cung máu tươi. Nga, Ukraine và phương Tây đang nỗ lực đàm phán để tìm cách tháo "ngòi nổ" chiến tranh tại Đông Âu.
Song, Mỹ và đồng minh đã nhiều lần cảnh báo Nga có thể tấn công nước láng giềng Ukraine "bất cứ lúc nào", nhưng chính quyền Tổng thống Vladimir Putin khẳng định họ không có ý định động binh.
Gần đây, bất ổn đã gia tăng. Hôm 15/2, Điện Kremlin tuyên bố đã rút bớt quân đội. Song, một ngày sau, NATO khẳng định Moscow thực chất không lui quân mà ngược lại còn tăng cường khí tài quân sự dọc biên giới với Ukraine.
Giữa lúc đó, thị trường tài chính đang bận rộn cân nhắc các khả năng, bao gồm kịch bản Moscow động binh với Kiev, phương Tây áp lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga và ông Putin cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu để trả đũa.
Thị trường hàng hóa cũng rất tất bật do Nga là một cường quốc về hàng hóa. Khá nhiều chuyên gia đồng loạt dự báo giá dầu thô, khí đốt cùng một số kim loại công nghiệp như nhôm, nickel và palladium sẽ tăng cao nếu xung đột vũ trang xảy ra.
Trong một báo cáo mới, các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cảnh báo, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine "có thể gây ra hiệu ứng cánh bướm, khiến giá hàng hóa leo thang đột biến khi các vấn đề về nguồn cung gia tăng".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào các mặt hàng năng lượng và kim loại công nghiệp nên dường như họ đã bỏ quên một góc khác thị trường hàng hóa, mà nếu góc này gặp trục trặc thì thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu cũng rất nghiêm trọng.
Hai "cường quốc" ngũ cốc
Nếu Nga - Ukraine đánh nhau, giá thực phẩm, đặc biệt là ngũ cốc, có thể sẽ phi mã. Hai nước Liên Xô cũ này đều là những gã khổng lồ trên thị trường lúa mì, ngô và dầu hướng dương toàn cầu.
Khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, giá lúa mì đã bật tăng mạnh mẽ dù các chuyến hàng không bị ảnh hưởng đáng kể. Kể từ năm đó, thị phần xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine đều đã lớn hơn nên tác động tiềm tàng e là không nhỏ.
Tại thời điểm 15h50 ngày 17/2 (giờ Việt Nam), trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá lúa mì giao sau đang dao động quanh mức 7,88 USD/giạ - tăng gần 20% kể từ đầu năm. Giá ngô giao sau đạt hơn 6,4 USD/giạ, tăng hơn 17,6% trong năm nay.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, hiện tại các mặt hàng ngũ cốc vẫn lưu thông bình thường và chưa có dấu hiệu đứt gãy đáng kể. Tuy nhiên, nếu chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra, các thị trường toàn cầu sẽ phải vật lộn với kho dự trữ ngũ cốc ngày càng eo hẹp.
Vùng trồng trọt của Nga tập trung ở khu vực tây nam, gần biên giới Ukraine; còn Ukraine chủ yếu canh tác ở miền trung và nam của nước này. Đây đều là các khu vực có đất đai màu mỡ, phù hợp cho việc sản xuất nông nghiệp.
Nếu xung đột vũ trang nổ ra, vành đai nông nghiệp giữa Nga và Ukraine có thể bị kéo vào cuộc chiến, từ đó gây ảnh hưởng đến các chuyến hàng ngũ cốc xuất đi từ các cảng ở vùng Biển Đen.
Giữa lúc nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng ngũ cốc lớn dần, nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu đối với các mặt hàng này lại tăng cao cùng với sự gia tăng dân số và cải thiện thu nhập.
Tuy nhiên, thu hoạch lúa mì ở Canada và Mỹ - hai nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn khác, có thể đi xuống trong niên vụ 2021 - 2022 do thời tiết khô hạn. Tương tự, sản lượng ngô từ Brazil - nước xuất khẩu ngô lớn thứ hai thế giới, cũng có nguy cơ sụt giảm.
Hội đồng Ngũ cốc Toàn cầu dự báo tồn kho lúa mì toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào cuối niên vụ hiện tại. Nếu căng thẳng giữa hai nước Liên Xô cũ leo thang, tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Lạm phát thực phẩm và bất ổn xã hội
Trước hết, xung đột Nga - Ukraine sẽ giáng một đòn đau vào Trung Đông và Bắc Phi vì đây là hai nơi tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới nhưng lại phụ thuộc vào nhập khẩu do khí hậu khô hạn và nguồn nước hạn chế.
Đơn cử, Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu. Ước tính các doanh nghiệp tại quốc gia Bắc Phi này mua khoảng 60% lượng ngũ cốc từ Nga và gần 30% khác từ Ukraine.
Ngoài ra, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu ngô lớn nhất hành tinh, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khoảng 30% lượng ngô xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển đến Trung Quốc để chế biến làm thức ăn chăn nuôi heo.
Bên cạnh đó, thị trường châu Âu cũng có nguy cơ "dính đạn" vì Ukraine là nhà cung ứng thực phẩm bên ngoài lớn thứ 4 của Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 25% tổng nhập khẩu ngũ cốc và dầu thực vật của khối kinh tế chung.
Khi giá ngũ cốc tăng đột biến, tình hình tài chính của các hộ gia đình, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, sẽ chịu thiệt hại trực tiếp. Đồng thời, lạm phát cũng có thể phình to, gây thêm áp lực cho các ngân hàng trung ương đang chật vật ghìm cương giá cả.
Tháng 1 năm nay, chỉ số giá thực phẩm do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổng hợp đạt trung bình 135,7 điểm, tăng 1,1% so với tháng 12 năm ngoái do hạn chế về nguồn cung dầu thực vật và sữa.
Ngoài ra, giá ngũ cốc quá cao còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn ở Trung Đông. Theo dự đoán của các nhà phân tích, tháng 2 này, chỉ số giá thực phẩm của FAO sẽ hướng tới mức đỉnh lịch sử là 137,6 điểm.
Lần gần nhất công chúng thấy con số cao ngất như vậy là vào tháng 2/2011, thời điểm diễn ra sự kiện Mùa xuân Arab. Khi đó, một phần do quá bất mãn với giá bánh mì quá cao, người dân các nước Arab đã đứng lên biểu tình phản đối.
Chia sẻ với tờ Politico, ông Nazar Bobitski - Giám đốc văn phòng Brussels của Hiệp hội Doanh nghiệp và Thương mại Ukraine, bày tỏ: "Xét từ góc độ an ninh lương thực, mọi người cần phải tránh chiến tranh Nga - Ukraine bằng mọi giá".