|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vừa 'xuống thang' không lâu, Nga lại có động thái leo thang căng thẳng với Ukraine

21:21 | 15/02/2022
Chia sẻ
Hôm 15/2, Hạ viện Nga (tức Duma) đã thông qua một dự luật cho phép công nhận ngoại giao đối với vùng Donbass ở miền đông Ukraine. Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước Liên Xô cũ, dù quân đội Nga đã rút một phần khỏi biên giới Ukraine.

Dự luật công nhận Donbass

Hôm nay (15/2), Hạ viện Nga đã ủng hộ một dự luật cho phép công nhận ngoại giao với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk (tức khu vực Donbass ở miền đông Ukraine), coi chúng như các quốc gia độc lập.

Quốc hội Nga kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin chính thức công nhận hai vùng này, dù hiện chưa nước nào khác công nhận Donetsk và Luhansk là quốc gia có chủ quyền. Kể từ năm 2014, hai vùng lãnh thổ này đã tuyên bố độc lập, tách rời ra khỏi Ukraine và hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân ly khai thân Nga.

Dự luật ban đầu do Đảng Cộng sản - phe đối lập của đảng cầm quyền đề xuất, nhưng sau đó văn bản này đã nhận được sự ủng hộ từ tất cả 5 đảng trong Hạ viện, theo đưa tin từ Moscow Times. Dự luật đã được chuyển tới Điện Kremlin, chờ đợi Tổng thống Putin đặt bút ký phê duyệt.

Vừa 'xuống thang' không lâu, Nga lại có động thái leo thang căng thẳng với Ukraine - Ảnh 1.

Tòa nhà làm việc của Hạ viện Nga (Duma). (Ảnh: Moskva News).

Hiệp định Minsk lung lay

Động thái thông qua dự luật mới của Hạ viện Nga là một đòn giáng mạnh vào Hiệp định Minsk - một thỏa thuận đình chiến được ký kết bởi Bộ tứ Normandy (Nga, Ukraine, Pháp và Đức) năm 2015.

Song, các chuyên gia chính trị cảnh báo rằng sự chấp thuận của Duma không đảm bảo Điện Kremlin của ông Putin cũng sẽ thông qua dự luật.

Ông Konstantin Skorkin, một chuyên gia về vùng Donbass tại Trung tâm Carnegie Moscow, bày tỏ: "Dự luật của Duma chủ yếu mang tính chất tuyên truyền hơn".

"Hiệp định Minsk vốn có lợi cho Nga hơn là Ukraine. Song, Moscow cũng có thể hưởng lợi nếu họ cho Kiev thấy mình sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận cũ, nếu cần", ông Skorkin nhấn mạnh. Theo Hiệp định Minsk, Donbass sẽ trở lại nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine nhưng sẽ được trao quyền tự trị lớn hơn.

Moscow Times cho biết, Nga từng hy vọng việc cho phép Donbass quay trở lại "vòng tay" của Ukraine sẽ ngăn cản Kiev tiến tới thiết lập quan hệ với phương Tây, đồng thời giúp củng cố các lực lượng thân Nga trong nền chính trị Ukraine.

Tuy nhiên, cả Ukraine và Nga đều không thực hiện nghĩa vụ của họ theo Hiệp định Minsk và các cuộc đàm phán kể từ đó cũng bị đình trệ.

Dù vậy, nếu chính thức công nhận Donetsk và Luhansk như hai quốc gia có chủ quyền, Nga đang ngầm ám chỉ họ sẽ từ bỏ Hiệp định Minsk. Khi đó, tiến trình bình thường hóa và kiến tạo lại hòa bình ở khu vực miền đông Ukraine ngày càng trở nên mong manh.

Đồng thời, bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Nga ủng hộ dự luật mới cũng có thể châm ngòi cho căng thẳng giữa Moscow và Kiev bùng lên cao hơn nữa, bất chấp việc quân đội Nga đã rút một phần khỏi biên giới Ukraine trong hôm nay.

Hiện tại, hơn 100.000 binh sĩ khác của Nga vẫn đang đóng quân dọc biên giới với Ukraine. Ngoài ra, Nga còn vận chuyển một lượng lớn vũ khí, đạn dược và thậm chí là nguồn cung máu tươi đến biên giới với nước láng giềng.

Điều này đã khiến phương Tây không ngừng cảnh báo rằng Nga có thể động binh với Ukraine "bất cứ lúc nào". Cuối tuần trước, chia sẻ với đài CNN, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh: "….không loại trừ khả năng là tuần tới Nga đem quân sang Ukraine".

Ngay đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra lệnh dời Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine từ thủ đô Kiev sang thành phố Lviv, đồng thời phá hủy toàn bộ máy tính, hệ thống điện thoại cùng một số cơ sở vật chất khác để tránh lọt tài liệu vào tay đối thủ. Ông lưu ý "Nga đang đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng ở biên giới".

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến nghị công dân Mỹ đang nán lại Ukraine và Belarus - quốc gia có chung biên giới với Ukraine và là đồng minh quan trọng của Nga ở Đông Âu, nên nhanh chóng rời đi.

Trao đổi với Politico, giới chức ở Washington, London và Ukraine cho biết vào tuần trước, các quan chức tình báo Mỹ đã thông báo đến các đồng minh rằng cuộc tấn công có thể diễn ra vào ngày 16/2. 

Khả Nhân