|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nga không dại gì cắt nguồn cung dầu thô sang châu Âu

14:24 | 14/02/2022
Chia sẻ
Truyền thông chủ yếu đề cập đến nguy cơ gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu trong bối cảnh Nga động binh với Ukraine. Song, một số nhà phân tích lưu ý rằng dầu thô cũng là một mặt hàng nhạy cảm khác giữa hai bên.

Mối nguy bị bỏ quên

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến thị trường đứng ngồi không yên vì khả năng Nga cắt nguồn cung năng lượng cho châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh châu lục này còn đang phải vật lộn với cú sốc giá khí đốt và áp lực lạm phát phình to.

Hầu hết các cuộc thảo luận và truyền thông đều chỉ tập trung vào nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, nếu Moscow siết chặt xuất khẩu dầu thô sang lục địa già, hậu quả cũng sẽ rất tàn khốc.

Theo các nhà phân tích, xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu sụt giảm cũng là một yếu tố rất tích cực đối với giá dầu. Hơn nữa, nếu Nga động binh với Ukraine, giá "vàng đen" có thể đạt hoặc vượt lên trên mốc 100 USD/thùng.

 

 

Chiến lược gia David Roche của hãng tư vấn Independent Strategy thậm chí dự đoán: "Nếu Nga động binh và phương Tây trừng phạt Moscow bằng cách hạn chế Nga tiếp cận nguồn ngoại hối hoặc hệ thống thanh toán SWIFT, hay ngăn cản Nga xuất khẩu dầu thô..., thì tại một thời điểm nào đó, giá dầu nhất định leo lên mức 120 USD/thùng".

Theo vị chuyên gia kỳ cựu, sự khó đoán trong đường đi nước bước của Nga có thể phá vỡ thị trường trên quy mô rất lớn. Khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ "thay đổi hoàn toàn"

Tuy nhiên, khả năng gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy dầu thô từ Nga sang châu Âu là rất khó xảy ra trong giai đoạn hiện tại vì thiệt hại sẽ cùng giáng xuống hai bên.

Bất kỳ lệnh trừng phạt nghiêm khắc nào đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu đều sẽ gây hại cho nhà cung ứng dầu thô lớn nhất của lục địa già cũng như bản thân châu Âu.

Tình huống lần này càng cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng của Nga. Hiện tại, châu Âu không có nhà cung ứng nào khác để ngay lập tức thay thế cho Nga, dù Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lùng sục nhiều thị trường để tìm kiếm nguồn cung khí LNG bổ sung cho châu Âu trong trường hợp căng thẳng leo thang thành chiến tranh.

Hiện, Điện Kremlin đã bố trí hơn 100.000 binh lính cùng vũ khí, đạn dược và cả nguồn cung máu tươi đến biên giới Ukraine. Dù Moscow khẳng định không có ý định tấn công nước láng giềng, phương Tây vẫn lo ngại Nga sẽ động binh bất cứ lúc nào.

Quan chức chính phủ nhiều nước từ Mỹ, Canada,…đều đã kêu gọi người dân đang sinh sống và làm việc tại Ukraine nên nhanh chóng rời khỏi nước này. Ngoài ra, hồi cuối tuần qua, Mỹ cũng đã yêu cầu rút một nhóm quân đóng tại Ukraine từ năm ngoái đến địa điểm khác.

 

Mối quan hệ "dây mơ rễ má"

Theo oilprice.com, Nga - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai OPEC+ sau Arab Saudi, bán được khoảng 5 triệu thùng dầu thô/ngày. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), gần một nửa số đó được chuyển đến các nước châu Âu.

Nói cách khác, châu Âu, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu ở Đức, Hà Lan và Ba Lan, tiêu thụ đến 48% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga. Xét về thị phần dầu mỏ tại châu Âu, Nga là nhà cung ứng lớn nhất.

Trong giai đoạn năm 2011 - 2020, doanh thu từ dầu thô và khí đốt tự nhiên chiếm trung bình 43% trong tổng doanh thu hàng năm của chính phủ Nga, dữ liệu do EIA tổng hợp chỉ ra.

Tóm lại, châu Âu là thị trường chính của Nga về xuất khẩu dầu thô và khí đốt; và ngược lại, châu Âu là nguồn doanh thu chính của Nga. Năm ngoái, dù bất ổn leo thang quanh đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, Nga vẫn là nhà cung ứng dầu khí lớn nhất của EU.

Mối quan hệ "dây mơ rễ má" giữa châu Âu và Nga về các sản phẩm dầu khí cho thấy nếu cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev xấu đi và nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu đi xuống đều sẽ khiến đôi bên trả giá đắt.

Đó là lý do khiến các nhà phân tích tin rằng rất khó xảy ra sự gián đoạn lớn đối với dòng chảy khí đốt và dầu thô từ Nga sang châu Âu, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Yên Khê