Nga vũ khí hóa nguồn cung khí đốt cho châu Âu là 'tự lấy đá ghè chân mình'
Rủi ro mất thị trường quan trọng
Chia sẻ với CNBC, ông Dan Yergin - chuyên gia năng lượng kiêm Phó Chủ tịch của hãng tư vấn IHS Markit, cảnh báo nếu vũ khí hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu, Tổng thống Putin chính là đang "tự lấy đá ghè chân mình".
"Nếu ông Putin vũ khí hóa nguồn cung khí đốt trên diện rộng, châu Âu sẽ rơi vào cảnh khốn đốn. Tuy nhiên, bước đi đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tương lai của Nga…", ông Yergin nhấn mạnh.
Do đó, kịch bản khả thi hơn là nguồn cung khí đốt có thể bị gián đoạn do bạo lực leo thang trong khu vực cũng như do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp lên Nga.
Hiện tại, Nga cung ứng hơn 30% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu và các thị trường khí đốt của lục địa già được liên kết với nhau bằng một mạng lưới đường ống phức tạp, một số đi qua điểm trung chuyển là Ukraine.
Tháng trước, ông Yergin cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukrane có thể phủ bóng đen lên thị trường khí đốt toàn cầu.
Trong quá khứ, Điện Kremlin đã sử dụng năng lượng như một công cụ để gây áp lực chính trị lên đối thủ. Năm 2006, Nga từng cắt nguồn cung khí đốt của Ukraine do tranh chấp giá cả.
Năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Moscow cũng thực hiện động thái tương tự. Ngoài ra, vào năm 2009, chính quyền Tổng thống Putin cũng từng tạm dừng nguồn cung năng lượng của châu Âu qua Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã bùng nổ trong những tháng gần đây khi Moscow bố trí khoảng 100.000 binh lính dọc biên giới với Ukraine và phương Tây gia tăng áp lực lên Moscow.
Động thái tăng cường khí tài quân sự của Nga làm dấy lên lo ngại rằng Điện Kremlin có thể đang chuẩn bị tấn công đất nước láng giềng cũng như tái diễn việc sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea năm xưa. Song, Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này.
Bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Moscow và Kiev đều có thể gây mất ổn định trên toàn châu Âu do vị trí trọng yếu của Ukraine - một vách ngăn giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), CNBC lưu ý.
Hồi đầu tuần, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cảnh báo Nga có thể đưa quân tiến vào Ukraine "bất cứ lúc nào". Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi hai quan chức Mỹ nói ông Putin đã sẵn sàng 70% lực lượng cần thiết để tấn công Ukraine.
Giá dầu thô lên 100 USD/thùng?
Ngoài mối quan tâm là khí đốt, thị trường cũng đang e ngại rằng giá dầu thô có thể leo thang hơn nữa, ông Yergin cho hay. Giá dầu vốn đã tăng do nguồn cung bị thắt chặt, đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ từ căng thẳng Nga - Ukraine.
Gần đây, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã leo vọt lên gần 95 USD/thùng, tăng gần 20% trong năm nay và hơn 60% kể từ đầu năm 2021. Một số nhà phân tích đã dự đoán giá dầu có thể nhảy lên mốc 100 USD/thùng.
Theo Phó Chủ tịch của IHS Markit, thị trường năng lượng có thể tái hiện lại năm 2011, khi giá dầu thô tăng lên 100 USD/thùng và duy trì ở ngưỡng này trong ba năm.
"Tôi nghĩ, thị trường của chúng ta bây giờ rất dễ rơi vào khủng hoảng", ông Yergin bày tỏ.
Liên minh dầu mỏ OPEC+ đã nhất trí bổ sung thêm 400.000 thùng dầu thô/ngày ra thị trường trong tháng 3 tới. Tuy nhiên, một số nước thành viên hiện đang gặp khó khăn trong việc bơm thêm dầu thô.
"Không phải thành viên nào cũng có thể quay trở lại mức sản lượng cũ vì đầu tư và hoạt động bảo trì mỏ dầu đều đi xuống trong thời gian qua. Do đó, họ sẽ không cung cấp thêm 400.000 thùng dầu ra thị trường mỗi ngày được", ông Yergin nói với CNBC.
"Về cơ bản, hai nơi duy nhất trên thế giới có đủ công suất dự phòng trong trường hợp khẩn cấp là Arab Saudi và UAE. Thị trường đang bị siết rất chặt", vị chuyên gia nhấn mạnh.