Nga và Ukraine: 'Biên niên sử' về một cuộc chiến thầm lặng
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bắt nguồn từ thời Trung cổ. Theo hãng tin DW, hai quốc gia có chung nguồn gốc từ đại công quốc Kievan Rus'. Đây là lý do tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hai nước là "một dân tộc thống nhất".
Song trên thực tế, hai quốc gia đã theo đuổi những lối đi riêng trong nhiều thế kỷ qua, từ đó tạo ra hai ngôn ngữ và nền văn hóa riêng - có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng vẫn khá khác biệt.
Khi Nga phát triển lớn mạnh thành một đế chế, Ukraine gần như không thể tách mình ra khỏi Moscow. Vào thế kỷ 17, những khu vực rộng lớn của Ukraine ngày nay đã trở thành một phần của Đế quốc Nga.
Sau khi Đế quốc Nga tan rã vào năm 1917, Ukraine đã giành được độc lập trong một khoảng thời gian ngắn trước khi Liên Xô giành lại bằng vũ lực.
Thập niên 1990: Nga "buông tay" Ukraine
Vào tháng 12/1991, Ukraine, Nga và Belarus đã ký hiệp định giải thể Liên Xô. Moscow mong muốn duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực và coi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) mới thành lập là một công cụ để làm điều đó.
Điện Kremlin cũng nghĩ rằng nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ sẽ giữ cho Ukraine đi đúng quỹ đạo mà người Nga muốn. Nhưng mọi thứ diễn ra hoàn toàn khác. Trong khi Nga và Belarus hình thành một liên minh chặt chẽ, Ukraine ngả dần về phía Mỹ và phương Tây.
Nga tất nhiên nhìn thấy điều đó, mặc dù nó không đủ để châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa hai bên trong những năm 1990. Moscow tỏ ra không quan tâm, vì phương Tây không có ý định đưa Ukraine vào vùng ảnh hưởng của mình. Còn bản thân Nga đã suy sụp về kinh tế và bị ràng buộc về mặt quân sự trong các cuộc chiến ở Chechnya.
Sau đó, vào năm 1997, Nga và Ukraine đã ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác, còn được gọi là "Big Treaty". Với thỏa thuận này, Moscow đã công nhận các biên giới chính thức của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, nơi mà cư dân đa số là người gốc Nga.
Rạn nứt xuất hiện trong tình bạn thời hậu Xô Viết
Cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn đầu tiên giữa hai bên xảy ra khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền ở Moscow. Vào mùa thu năm 2003, Nga bất ngờ bắt đầu xây dựng một con đập ở eo biển Kerch gần đảo Tuzla của Ukraine.
Kiev coi đây là một nỗ lực của Nga để vẽ lại biên giới quốc gia và xung đột chỉ được giải quyết sau cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai tổng thống thời đó. Việc xây dựng đập đã bị tạm dừng, nhưng rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ thân tình mà hai bên vờ vun đắp.
Căng thẳng gia tăng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 ở Ukraine, với việc Moscow hậu thuẫn hết mình cho ứng cử viên thân Nga là Viktor Yanukovych. Tuy nhiên, phong trào "Cách mạng Cam" mà người dân tổ chức đã ngăn cản ông này nhậm chức.
Cuộc bầu cử bị tuyên bố là gian lận và ứng cử viên thân phương Tây, Viktor Yushchenko trở thành tổng thống. Nga đã đáp trả bằng cách cắt các chuyến hàng khí đốt đến Ukraine trong hai lần, vào năm 2006 và 2009, đồng thời làm điều tương tự với EU.
Năm 2008, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush (tức Bush con) đã kêu gọi Ukraine và Gruzia bắt đầu quá trình gia nhập NATO, bất chấp sự phản đối của người đồng cấp Nga Putin, do Điện Kremlin không hoàn toàn chấp nhận sự độc lập của Ukraine.
Đức và Pháp đã ngăn cản kế hoạch của Tổng thống Bush và tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Romania cùng năm, việc gia nhập đã được thảo luận nhưng không có mốc thời gian để bắt đầu tiến trình.
Vì kế hoạch gia nhập NATO không diễn ra suôn sẻ, Ukraine đã thực hiện một nỗ lực khác nhằm thúc đẩy mối quan hệ với phương Tây, thông qua một thỏa thuận liên kết với EU.
Nhưng vào mùa hè năm 2013, chỉ vài tháng trước khi chính thức ký kết văn bản, Moscow đã chơi khó và gây áp lực kinh tế lớn lên Kiev, khiến chính phủ của Tổng thống khi đó là Yanukovych phải “đóng băng” thỏa thuận này.
Ông Putin áp đặt một lệnh cấm vận lên hàng hóa của Ukraine nhập khẩu vào Nga, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối lớn trên khắp đất nước Ukraine. Tháng 2 năm sau, Tổng thống Ukraine phải bỏ trốn sang Nga.
Sự kiện sáp nhập Crimea đánh dấu một bước ngoặt quan trọng
Điện Kremlin đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Kiev và sáp nhập Crimea vào Nga vào tháng 3/2014. Đây là một bước ngoặt cho mối quan hệ giữa hai nước và từ đây bắt đầu cuộc chiến tranh âm thầm giữa hai bên.
Cùng lúc đó, các lực lượng bán quân sự của Nga bắt đầu vận động cho một cuộc nổi dậy ở vùng Donbas, miền đông Ukraine và thành lập các "nước cộng hòa nhân dân" do Nga lãnh đạo ở Donetsk và Luhansk.
Chính quyền ở Kiev đã đợi cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2014 để phát động một cuộc tấn công quân sự lớn, mà họ gọi là "hoạt động chống khủng bố".
Vào tháng 6/2014, tổng thống mới đắc cử của Ukraine, Petro Poroshenko đã gặp gỡ với người đồng cấp Nga, Vladimir Putin bên lề lễ kỷ niệm 70 năm Ngày kỷ niệm Quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy. Cuộc họp, sau này được gọi là cuộc đàm phán Normandy, được tiến hành với Đức và Pháp là các bên trung gian.
Cũng trong khoảng thời gian đó, quân đội Ukraine lẽ ra đã có thể đẩy lùi quân ly khai, nhưng vào cuối tháng 8, theo Kiev thì Nga đã can thiệp quân sự với quy mô lớn. Moscow bác bỏ điều này.
Các đơn vị của Ukraine gần Iloviask, phía đông Donetsk, đã phải hứng chịu một thất bại nặng nề, đây là một bước ngoặt của cuộc chiến. Cuộc tranh chấp kết thúc vào tháng 9 với khi các bên ký kết một thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk.
Chiến tranh ở Donbass
Sau đó, các bên lại nhảy vào một cuộc chiến tranh tiêu hao (war of attritrion) và tranh chấp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Vào đầu năm 2015, quân ly khai lại tiếp tục tấn công, và theo Kiev thì lực lượng này được hỗ trợ bởi quân đội Nga. Tất nhiên chính quyền Nga cũng phủ nhận cáo buộc trên.
Các lực lượng Ukraine phải chịu thất bại thứ hai, lần này là gần thành phố Debaltseve quan trọng về mặt chiến lược, và buộc phải rút lui. Sự hòa giải của phương Tây sau đó dẫn đến Hiệp định Minsk, một thỏa thuận làm cơ sở cho các nỗ lực hòa bình mà cho đến ngày nay vẫn chưa được thực hiện.
Lần cuối cùng có một tia hy vọng trong khu vực là vào mùa thu năm 2019, khi một số binh sĩ được rút khỏi cả hai bên chiến tuyến, theo DW.
Tuy nhiên Hội nghị thượng đỉnh Normandy tại Paris vào tháng 12/2019 là lần cuối cùng hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Nga hiện không quan tâm đến cuộc gặp mặt với người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky vì Moscow cho rằng ông này không thực hiện các thỏa thuận Minsk.
Ông Putin tiếp tục yêu cầu Mỹ không được lôi kéo Ukraine gia nhập NATO cũng như không được cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho nước này. NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ, dĩ nhiên dứt khoát từ chối yêu cầu này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/