Chứng khoán Mỹ rơi tự do: Dow Jones bay 1.700 điểm, S&P 500 giảm sâu nhất trong gần 5 năm
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 3/4, chỉ số S&P 500 đã cắm đầu 4,84% và đóng cửa ở mức 5.397 điểm, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020.Sự trượt dốc của cổ phiếu diễn ra trên diện rộng, 400 mã thuộc S&P 500 đi xuống.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.679 điểm, tương đương 3,98% và chốt phiên với 40.546 điểm. Đây cũng là phiên giảm sâu nhất của Dow Jones kể từ tháng 6/2020.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rơi 5,97% xuống còn 16.551 điểm, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất từ tháng 3/2020.

Các diễn biến trong phiên giao dịch vừa qua đã đưa S&P 500 xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Hiện chỉ số này đã giảm khoảng 12% so với mức đóng cửa kỷ lục được thiết lập vào tháng 2/2025.
Dưới tác động của chính sách thuế đối ứng, cổ phiếu của nhiều công ty đa quốc gia như Nike và Apple lần lượt tụt 14% và 9%.
Những doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đơn cử như Five Below lao dốc 28%, Dollar Tree tụt 13% và Gap lao rớt 20%.
Cổ phiếu công nghệ cũng chịu tác động từ tâm lý chung, trong đó Nvidia mất gần 8% còn Tesla giảm hơn 5%.

Cổ phiếu Nike cắm đầu giảm hơn 14%.
Mức thuế đối ứng 10% áp dụng lên tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu từ ngày 5/4. Tiếp theo đó, các mức thuế suất cao hơn áp dụng cho khoảng 60 nền kinh tế sẽ được triển khai trong những ngày tới.
Hôm 3/4, Tổng thống Trump cũng thừa nhận tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán và ví von việc áp dụng thuế quan như “một ca phẫu thuật, giống như khi một bệnh nhân được phẫu thuật”.
“Các thị trường sẽ nổ tung. Cổ phiếu sẽ nổ tung. Đất nước sẽ nổ tung. Và phần còn lại của thế giới sẽ tìm cách để đạt được thỏa thuận”, ông Trump nói thêm.

Nhóm tiêu dùng thiết yếu mang tính phòng thủ và nhích tăng trong phiên 3/4.
Thị trường từng kỳ vọng ông Trump sẽ chỉ áp thuế đối ứng 10% hoặc tồi tệ nhất là lấy 20% làm mức trần. Trái lại, Mỹ đã lựa chọn 10% làm mức thuế khởi điểm. Thuế suất tối đa có thể cao hơn nhiều, chẳng hạn như hàng hóa Trung Quốc sẽ phải chịu thuế lên tới 54% khi nhập khẩu vào Mỹ.
“Đây là kịch bản tồi tệ nhất đối với thuế quan và không được định giá vào thị trường. Đây là lý do tại sao có những phản ứng tránh né rủi ro như vậy”, bà Mary Ann Bartels, chiến lược gia đầu tư chính tại Sanctuary Wealth, cho biết.
″Câu hỏi bây giờ là liệu S&P 500 có thể giữ được mốc 5.500 điểm hay không. Nếu không, thị trường có thể chứng kiến đà giảm 5 - 10% nữa và hướng đến mức đáy là 5.200 - 5.400 điểm”.

S&P 500 đã giảm xuống dưới đường MA 200.
Các nhà đầu tư đã chuyển sang trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống khoảng 4% khi giá trái phiếu tăng. Kể từ cuối tháng 2, lợi suất đã liên tiếp giảm do áp lực từ các chính sách thuế quan của ông Trump cũng như do dữ liệu kinh tế ảm đạm.
Các nhà kinh tế của JPMorgan cho biết suy thoái hiện có khả năng xảy ra nếu chính sách thuế quan mới được duy trì và không có sự đàm phán để điều chỉnh xuống.