Nike, Hasbro và loạt doanh nghiệp ngoại dễ chịu rủi ro bởi mức thuế 46% Mỹ áp lên hàng Việt

Công nhân tại nhà máy Maxport, nhà cung ứng đồ thể thao cho nhiều thương hiệu quần áo khác nhau. (Ảnh: Getty Images).
Trong hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, Mexico đã vượt qua đất nước tỷ dân để trở thành nhà cung ứng hàng đầu của Mỹ vào năm 2023.
Hiện tại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ. Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy vào năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 438,9 tỷ USD hàng hoá qua Mỹ.
Đối với các công ty muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng để giảm rủi ro từ xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một điểm đến phổ biến trong vài năm gần đây. Theo USTR, Mỹ nhập khẩu khoảng 136,5 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam trong năm 2024, tăng khoảng 19% so với năm 2023.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc chỉ tăng 2,8% trong cùng giai đoạn. Khi so sánh với năm 2022, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khoảng 18%.
Hôm 2/4, tại Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ áp thuế quan tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn đối với 60 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ.
Việt Nam bị áp thuế 46%, thuộc nhóm cao nhất. Trong khi đó, Trung Quốc chịu mức thuế 34%, còn Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu lần lượt bị đánh thuế 26%, 25%, 24% và 20%.
Các quan chức Nhà Trắng lưu ý rằng thuế quan đối ứng của Trung Quốc sẽ cộng gộp cùng với các mức thuế hiện hành. Vì vậy, hàng hoá xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang Mỹ sẽ phải chịu tổng mức thuế quan là 54%.
Thuế quan tối thiểu sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4. Các mức thuế cao hơn đối với Việt Nam hay Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4 và có thể sớm làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực may mặc, đồ nội thất và đồ chơi.
Mặc dù hiện tại chưa rõ công ty nào sẽ tăng giá bán do thuế quan, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ không muốn gánh chi phí cao hơn vì họ dự kiến chi tiêu tiêu dùng sẽ trở nên ảm đạm trong những tháng tới.
Các doanh nghiệp chịu rủi ro cao nhất từ thuế quan áp lên Việt Nam
Giày dép, may mặc
Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ đồ thể thao Mỹ, vào năm 2023 - năm gần nhất có đầy đủ dữ liệu, gần một phần ba lượng giày dép nhập khẩu vào Mỹ đến từ Việt Nam.
Một số tên tuổi quen mặt với người tiêu dùng sẽ cảm thấy khó khăn do thuế quan mà ông Trump áp lên Việt Nam. Nike sản xuất khoảng một nửa số giày dép của hãng này tại Việt Nam và Trung Quốc, trong đó khoảng 25% đến từ nước ta.
Thuế quan đối ứng sẽ là một trở ngại khác đối với gã khổng lồ này. Trước đó, công ty đã đưa ra dự báo đáng thất vọng cho quý hiện tại, khi dự kiến doanh thu sẽ giảm hai chữ số do tác động từ thuế quan đối với Trung Quốc và Mexico.
Mức thuế quan mới có thể làm đình trệ hoặc làm chậm nỗ lực khôi phục thương hiệu và cải thiện doanh số của Nike dưới thời tân CEO Elliott Hill. Cổ phiếu của Nike tụt hơn 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 2/4.
Bên cạnh Nike, Adidas và các công ty giày dép lớn khác cũng phụ thuộc nặng nề vào Việt Nam. CNBC cho biết cả Nike lẫn Adidas đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ hãng tin này.
Vào tháng 11 năm ngoái, Steve Madden thông báo họ sẽ cắt giảm đến 45% lượng giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm tới. Công ty đưa ra tuyên bố chỉ vài ngày sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, người trong quá trình tranh cử từng hứa hẹn sẽ đánh thuế cao hơn lên các quốc gia như Trung Quốc.
Tuy nhiên, một trong những thị trường mà Steve Madden đã đẩy nhanh hoạt động sản xuất là Việt Nam, CEO Edward Rosenfeld chia sẻ. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường dây chuyền sản xuất tại Campuchia, Mexico và Brazil.
Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ hai cho Deckers Brands tính đến tháng 3. Công ty hiện có 68 đối tác chuỗi cung ứng tại Việt Nam, chỉ đứng sau 125 nhà cung cấp tại Trung Quốc. Cổ phiếu Deckers tụt gần 9% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
VF Corporation, doanh nghiệp đứng sau các thương hiệu giày dép, quần áo và phụ kiện như The North Face, Timberland, Vans và Jansport, cũng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Việt Nam.
Theo một tài liệu vào tháng 12 năm ngoái, khoảng 38% nhà cung cấp của VF Corporation ở Trung Quốc và 17% ở Việt Nam. Cổ phiếu của công ty này giảm hơn 8% trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Chiếc áo thun Puma có nhãn "Made in Vietnam". (Ảnh: Getty Images).
Đồ nội thất
Ngành công nghiệp đồ nội thất Mỹ cũng đã và đang gia tăng mức độ phụ thuộc vào Việt Nam. Theo dữ liệu từ Hiệp hội đồ nội thất gia đình Mỹ, vào năm 2023, khoảng 26,5% đồ nội thất nhập khẩu của Mỹ đến từ Việt Nam, gần bằng mức 29% đến từ Trung Quốc.
Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng 2, CEO Niraj Shah của Wayfair cho biết chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đã trở thành xu hướng lớn kể từ khi ông Trump ban hành thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Ông cho hay, những nơi như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đã “trở thành điểm đến mà các doanh nghiệp đặt nhà máy và là nơi hàng hoá của Wayfair xuất sang Mỹ”.
Cổ phiếu của Wayfair giảm khoảng 12% trong phiên giao dịch mở rộng. Trong một tuyên bố, công ty cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại” và họ có vị thế tốt để tiếp tục nâng cấp giá trị, mặt hàng và trải nghiệm cho khách hàng.
Đồ chơi
Các nhà sản xuất đồ chơi cũng dựa vào Việt Nam để sản xuất hàng hoá cho thị trường Mỹ. Hasbro, SpinMaster, Mattel và Crayola là một vài trong những công ty hợp tác với GFT Group, một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài các cơ sở sản xuất lâu đời tại Trung Quốc, GFT hiện có 5 nhà máy sản xuất ở phía bắc Việt Nam, sử dụng hơn 15.000 công nhân.
Trong một cuộc gọi vào đầu tháng 3 với CNBC, CFO Yves LePendeven của Funko cho biết công ty này đang nỗ lực kiểm soát tình hình năm tới. Họ có thể bù đắp thuế quan bằng cách “đàm phán lại chi phí nhà máy, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất sang các nước khác và thực hiện điều chỉnh giá”.
Vị CFO lưu ý khoảng một phần ba sản phẩm nhập khẩu của Funko trên toàn cầu đến từ Trung Quốc. Ông không nêu tên các quốc gia khác mà Funko đang chuyển dây chuyền đến đó, nhưng công ty này là một khách hàng của GFT.