Mỹ chính thức áp thuế quan đối ứng, Việt Nam thuộc nhóm cao nhất ở mức 46%

Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng để thông báo về thuế quan đối ứng, ngày 2/4. (Ảnh: Reuters).
Hôm 2/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ áp dụng mức thuế quan tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn đối với khoảng 60 nền kinh tế có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ.
Theo các tài liệu của Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế 34%, trong khi Liên minh châu Âu chịu mức thuế 20% và Việt Nam bị áp thuế 46%. Nhật Bản bị đánh thuế ở mức 24%, Hàn Quốc ở mức 25%, Ấn Độ ở mức 26%, Campuchia ở mức 49% và Đài Loan ở mức 32%.
Thuế nhập khẩu tối thiểu sẽ có hiệu lực sau nửa đêm ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng ngày 9/4, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump tiết lộ với Bloomberg.
Canada và Mexico hiện đang đối mặt với mức thuế 25% do liên quan đến nạn buôn bán ma tuý và di cư bất hợp pháp. Các mức thuế này sẽ giữ nguyên và hai nước láng giềng của Mỹ sẽ không phải chịu thuế quan đối ứng nếu các mức thuế trước đó vẫn còn hiệu lực.
Đồng thời, các miễn trừ đối với hàng hoá thuộc phạm vi của hiệp định thương mại Bắc Mỹ USMCA mà ông Trump làm trung gian đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên sẽ vẫn được duy trì.
Phát biểu trong sự kiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: “Trong suốt nhiều năm, những công dân Mỹ chăm chỉ đã phải đứng nhìn khi các quốc gia khác trở nên giàu có và quyền lực, phần lớn là nhờ chúng ta. Nhưng giờ đã đến lúc chúng ta trở nên thịnh vượng”.
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cân nhắc hạ thuế suất nếu các quốc gia dỡ bỏ rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông nói: “Các bạn hãy chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ rào cản và đừng thao túng tiền tệ”.
Mức thuế quan cao hơn sẽ nhắm vào các nền kinh tế mà chính quyền ông Trump dán nhãn là những quốc gia vi phạm tồi tệ nhất.
Danh sách được xác định dựa trên số liệu thống kê của chính phủ về thuế suất và rào cản phi thuế quan mà các quốc gia đó áp dụng đối với hàng hoá Mỹ. Theo kế hoạch của ông Trump, các quốc gia đó phải đối mặt với thuế quan đối ứng bằng một nửa mức thuế mà Mỹ tính toán ra.
Hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 tụt 1,9% và hợp đồng tương lai của Nasdaq 100 giảm 2,7% khi phạm vi thuế quan trở nên rõ ràng. Cổ phiếu của hầu như tất cả nhà sản xuất ô tô Mỹ đều xuống thấp hơn, bao gồm cả Ford Motor, General Motors, Stellantis và Tesla.

Danh sách một số nền kinh tế chịu mức thuế quan đối ứng của Mỹ. Theo Nhà Trắng, cột thứ hai là mức thuế mà các đối tác áp lên hàng hoá Mỹ (đã bao gồm các rào cản thương mai và thao túng tiền tệ) và cột thứ ba là mức thuế đối ứng mà Mỹ áp đặt.
Bà Mary Lovely, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đánh giá các mức thuế mà ông Trump công bố “tệ hơn nhiều” so với những gì các chuyên gia lo sợ. Bà lưu ý quy cách đánh thuế vẫn chưa rõ ràng và thuế quan sẽ có “những tác động lớn đến việc định tuyến lại thương mại” toàn cầu.
Trước đó, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến thâm hụt thương mại của Mỹ, qua đó cho phép ông sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế để áp đặt thuế mạnh tay. Năm 2024, thâm hụt thương mại hàng hoá và dịch vụ của Mỹ là hơn 918 tỷ USD.
Chính quyền ông Trump đang nhắm mục tiêu khôi phục ngành sản xuất của Mỹ bằng cách chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ và thu hàng trăm tỷ USD từ thuế quan để lấp đầy ngân khố.
Động thái mới nhất của nhà lãnh đạo 78 tuổi là một quyết định lịch sử, dự kiến sẽ làm tăng chi phí của hàng nghìn tỷ USD hàng hoá được vận chuyển từ các quốc gia khác đến Mỹ mỗi năm.
Nó cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên toàn thế giới khi các nước trả đũa. Thương chiến có thể làm mất ổn định chuỗi cung ứng, kích thích lạm phát, khuyến khích các đối thủ kinh tế của Mỹ hình thành các liên minh mới loại trừ Mỹ.
Động thái đó còn đặt ra một bài toán chính trị cho ông Trump: thiệt hại kinh tế từ thuế quan có thể đến nhanh chóng, trong khi lợi ích kinh tế nhờ quá trình tái cấu trúc có thể mất nhiều năm hoặc lâu hơn để hoàn thành.
