|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tác động của thuế đối ứng đến các nhóm ngành qua lăng kính chuyên gia phân tích

09:59 | 04/04/2025
Chia sẻ
Theo một số nhà phân tích, các ngành nguyên liệu công nghiệp như cao su, nhựa, giấy và bao bì tuy có chịu thuế nhưng mức độ ảnh hưởng ở phạm vi hẹp hơn do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ không lớn. Ngoài ra, một số mặt hàng chiến lược như đất hiếm, khoáng sản công nghiệp vẫn được duy trì xuất khẩu do nằm trong diện miễn trừ thuế.

Sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46%.

Nhận định về vấn đề này, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, cho rằng, việc áp dụng mức thuế này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, vì thị trường trước đó đều kỳ vọng mức thuế đối ứng chỉ 10% cho Việt Nam.

Ngoài ra, phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng cho rằng mức thuế đối ứng 46% sáng nay chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump và dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Michael Kokalari nhận thấy ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25%, và điều này sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.

Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital. (Ảnh: VinaCapital).

Theo báo cáo mới đây của MBS Research, nguyên nhân Việt Nam bị áp thuế đến 46% được cho là do thâm hụt thương mại Mỹ - Việt lên tới 124 tỷ USD, chiếm tới 90% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước.

Khác với kỳ vọng ban đầu về việc tính thuế dựa trên rào cản thương mại, chính quyền Trump lại lựa chọn tiêu chí thâm hụt thương mại làm cơ sở áp thuế, đồng thời nhấn mạnh yếu tố thao túng tiền tệ.

Việc áp thuế cao như vậy sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trên ba khía cạnh chính.

Thứ nhất, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy móc, điện tử, dệt may, da giày vào thị trường Mỹ sẽ giảm mạnh, đặc biệt khi các đối thủ trực tiếp như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%) hay Thái Lan (37%) chỉ chịu mức thuế thấp hơn.

Thứ hai, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tìm kiếm giải pháp "Trung Quốc +1" để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mức thuế cao kỷ lục này có thể khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam bị ảnh hưởng, nhất là khi so với các nước Đông Nam Á khác.

Thứ ba, tỷ giá VND sẽ đối mặt với áp lực tăng giá do Chính phủ có thể phải thúc đẩy nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại, từ đó gây thêm khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Mức độ ảnh hưởng đến các nhóm ngành

Về tác động cụ thể đến từng ngành hàng, theo MBS Research, hiện mức thuế chi tiết chưa được công bố, nhưng có thể dự đoán rằng các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản công nghiệp và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Một số ngành như cao su, giấy, dây cáp điện có mức độ ảnh hưởng trung bình nhờ tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp hơn. Trong khi đó, sắt thép hầu như không bị tác động do không nằm trong danh sách chịu thuế. Đáng chú ý, một số mặt hàng có thể được bảo vệ nhờ các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ từ năm 2001, nhưng tác động tổng thể vẫn sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong thời gian tới.

Nhìn chung, MBS đánh giá quyết định áp thuế 46% của Mỹ không chỉ làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam mà còn đặt ra nhiều rủi ro về dòng vốn và tỷ giá. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách phải có chiến lược điều chỉnh phù hợp để thích ứng với những thay đổi mới trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.

Phân tích của SHS cho rằng, mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến cơ cấu xuất khẩu, trong đó các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhóm ngành dệt may - vốn chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ với kim ngạch hơn 16 tỷ USD năm 2024 - sẽ đối mặt với thách thức lớn khi mức thuế mới làm giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh về giá.

Các doanh nghiệp may mặc buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trong khi khả năng chuyển dịch đơn hàng sang thị trường khác bị hạn chế do quy mô thị trường Mỹ quá lớn. Tương tự, ngành da giày với 80% sản lượng xuất khẩu sang Mỹ cũng chịu sức ép nặng nề, buộc phải tăng hiệu quả sản xuất hoặc chấp nhận giảm biên lợi nhuận.

Nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử - chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ - đứng trước nguy cơ mất vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm như điện thoại, linh kiện máy tính đang hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do nay có thể bị áp mức 46%, làm giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ Malaysia (34%) hay Thái Lan (37%).

Đặc biệt, các nhà máy lắp ráp điện tử đặt tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia có thể phải xem xét lại chiến lược sản xuất, dẫn đến nguy cơ dịch chuyển đầu tư sang các thị trường khác.

Ngành gỗ và đồ nội thất - vốn đã chịu áp lực từ các vụ kiện chống bán phá giá - nay phải đối mặt với thách thức kép khi mức thuế mới có thể lên tới 46%. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi Mỹ chiếm tới 60% thị phần xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Trong khi đó, ngành thủy sản tuy có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp hơn (khoảng 20%) nhưng sẽ chịu tác động mạnh do tính cạnh tranh cao trên thị trường này. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra có thể mất thị phần vào tay các đối thủ Indonesia hay Ấn Độ - những nước chịu mức thuế thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, một số nhóm ngành lại ít bị ảnh hưởng hơn. Ngành sắt thép hầu như không chịu tác động do không nằm trong danh mục áp thuế. Các ngành nguyên liệu công nghiệp như cao su, nhựa, giấy và bao bì tuy có chịu thuế nhưng mức độ ảnh hưởng ở phạm vi hẹp hơn do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ không lớn.

Đặc biệt, một số mặt hàng chiến lược như đất hiếm, khoáng sản công nghiệp vẫn được duy trì xuất khẩu do nằm trong diện miễn trừ thuế của Mỹ.

Trong dài hạn, chính sách thuế mới này sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường. Các ngành có hàm lượng công nghệ cao, ít phụ thuộc vào nhân công giá rẻ sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn.

Đồng thời, SHS nhận định đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chế biến sâu và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ - những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi thuế suất cao.

 (Nguồn: SHS).

(Nguồn: SHS).

Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng ra sao?

Ngay từ đầu năm 2025, SHS đã dự báo chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ thứ hai sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thị trường tài chính Việt Nam.

Theo phân tích của SHS, trong kịch bản xấu nhất, VN-Index có thể điều chỉnh giảm 15-20% so với đỉnh (tương đương mức 1.074-1.141 điểm) trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Tuy nhiên, nếu tình hình được kiểm soát tốt, mức điều chỉnh có thể chỉ ở khoảng 10%.

Đứng trước bối cảnh này, SHS khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn, bởi chính sách thương mại có thể thay đổi nhanh chóng, và việc lựa chọn doanh nghiệp chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Các công ty hàng đầu với nền tảng tài chính vững mạnh, khả năng chống chịu cao sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn trong giai đoạn thị trường biến động.

Chiến lược được đề xuất là cân nhắc cơ hội mua vào nếu thị trường điều chỉnh 15-20%, song cần hết sức thận trọng với việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Bài học từ năm 2012 – khi thị trường đang phục hồi bất ngờ lao dốc – cho thấy rủi ro lớn từ việc sử dụng margin không kiểm soát trong giai đoạn thị trường nhiều biến động.

Do đó, bên cạnh việc theo dõi sát diễn biến chính sách thương mại, nhà đầu tư cần duy trì tỷ lệ đòn bẩy hợp lý và ưu tiên các doanh nghiệp có chất lượng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Về chiến được đầu tư, VinaCapital đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau, và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu.

Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn.

Những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP.

Theo VinaCapital, trong tháng 2, Chính phủ đã công bố tăng kế hoạch tăng chi cho đầu tư công, vốn đã rất tham vọng trong năm nay và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này. 

Tại sự kiện “Investor Day: Chiến lược đầu tư với chính sách mới”, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital, nhận định chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ cao hơn rất nhiều so với dự đoán trước đó.

Trước chính sách thuế quan mới, quan điểm của Dragon Capital vẫn không thay đổi so với đầu năm về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chính phủ vẫn sẽ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2025. Đồng thời, tập trung vào những yếu tố hiệu quả trong chi tiêu.

Đối với triển vọng thị trường chứng khoán, bà Minh nhận định với một nền kinh tế có nội tại bền vững, tác động từ bên ngoài sẽ chỉ mang tính nhất thời, sau một thời gian sẽ trở lại xu hướng chung là tăng trưởng. Mức tăng GDP của Việt Nam đứng top đầu so với các nước trong khu vực, cũng như các thị trường chứng khoán mới nổi.

Thêm vào đó, giới đầu tư còn được hưởng lợi từ những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong ngành IT, ngân hàng và bán lẻ… Đặc biệt, mặt bằng định giá P/E của chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn, thấp hơn khá nhiều khi so với Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital. (Ảnh chụp màn hình).

Xuân Nghĩa