|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch VDSC: Đa phần thị trường gặp bất ngờ về chính sách thuế của Mỹ

20:05 | 03/04/2025
Chia sẻ
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - Mã: VDS) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên vào chiều ngày 3/4 tại TP HCM. Cuộc họp lần này tập trung vào một số nội dung như kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2025, chủ trương tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng, nhận định thị trường chứng khoán trong bối cảnh mới, lợi thế cạnh tranh của công ty.

 Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Miên Tuấn trả lời toàn bộ câu hỏi phiên thảo luận. (Ảnh: X.N).

Thảo luận

Tại sao Rồng Việt không đặt kế hoạch doanh thu cao hơn?

2025 là năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025, do đó Chính phủ có điều chỉnh về tăng trưởng GDP. Năm nay, dự kiến xuất khẩu có thể khó khăn do chính sách của Mỹ. Do đó, tăng trưởng GDP có thể đến từ trong nước.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) năm nay có một số câu chuyện. Tăng trưởng kinh tế tốt sẽ dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Thứ hai là cung tiền tăng lên.

Song song đó là những rủi ro mà chúng ta đã chứng kiến, như chính sách thuế quan của Mỹ. Phiên ngày 3/4 cũng là phiên giảm điểm cao nhất lịch sử của TTCK, cho thấy tính rủi ro, bất ổn của TTCK rất lớn.

Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu. Khối công ty chứng khoán thì có thêm điểm tựa từ nâng hạng và hệ thống công nghệ mới. Năm nay, thanh khoản quý I vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2024.

Một số công ty chứng khoán đặt kế hoạch tăng trưởng tốt so với 2024. Theo góc nhìn của VDSC, một số đơn vị đã tăng vốn lớn, qua đó tăng năng lực tài chính.

Về phần VDSC, công ty chưa tăng vốn. Công ty đặt kế hoạch ở mức bền vững, thận trọng, không quá lạc quan trong bối cảnh hiện tại.

Chia sẻ kết quả kinh doanh sơ bộ quý I? Mảng nào đang đóng góp nhiều nhất?

Quý I không được tốt như mọi năm, doanh thu mới đạt 16% kế hoạch, lợi nhuận đạt 6% kế hoạch.

Mỹ vừa có quyết định áp thuế nhập khẩu vào nước này, trong đó Việt Nam bị áp thuế 46%. VDSC có tính đến trường hợp này chưa?

Gần như toàn thị trường gặp bất ngờ. Trong quý I, thị trường tăng khoảng 3%, nhưng "họ Vingroup" đã đóng góp đáng kể. Do đó, thực sự TTCK chưa có yếu tố khởi sắc. Phản ứng của thị trường trong phiên 3/4 cũng là phù hợp.

Chúng ta cần theo dõi xem Nhà nước có đàm phán được với Mỹ để hạ mức thuế quan này hay không. 46% là mức trần, tùy mặt hàng riêng lẻ sẽ khác nhau. Một số nhóm ngành không liên quan cũng giảm.

Về góc độ VDSC, kinh doanh là dài hạn. Công ty vẫn kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế đi lên. Có thể phiên tiếp theo thị trường vẫn tiêu cực, nhưng hy vọng sau đó sẽ có những biến động tích cực hơn.

Có nên chia cổ tức tiền mặt trước khi phát hành không?

Năm nay cần chia cổ tức để nâng cao năng lực tài chính. Lâu dài, HĐQT vẫn kỳ vọng hài hòa giữa hai phương thức chia bằng tiền mặt và cổ phiếu. Tuy nhiên, theo bối cảnh hiện tại, công ty thấy cần thiết bổ sung nguồn lực, nâng sức cạnh tranh.

Rồng Việt xác định mảng đầu tư là một trong những mũi nhọn trong kinh doanh năm nay. Đến cuối quý I, đâu là những nhóm ngành được tự doanh nắm giữ lớn nhất? Công ty có chiến lược gì với mảng này trong thời gian tới?

Để duy trì hoạt động kinh doanh trên trung bình, công ty chấp nhận rủi ro hơn và tập trung vào mảng tự doanh. Công ty tin tưởng vào đội ngũ có kinh nghiệm 20 năm trên thị trường, đem về hiệu suất tốt hơn so với chỉ số.

Danh mục tự doanh chủ yếu chọn các doanh nghiệp có nền tảng tốt, hàng đầu như ngân hàng, bất động sản, khu công nghiệp, công nghệ… Tỷ trọng lớn nhất tại cuối quý I đang là KBC với 280 tỷ đồng. Kỳ vọng năm nay Kinh Bắc sẽ tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận, đầu năm đã có những thông tin về tháo gỡ thủ tục dự án.

Bên cạnh đó là các mã như OCB, VCB, ACB… đều có nền tảng tài chính tốt.

Ở mảng môi giới, tỷ lệ tài khoản active của ngành chứng khoán là khoảng bao nhiêu?

Mỗi đơn vị trong ngành sẽ có tỷ lệ khác nhau, có công ty 10%, cũng có trường hợp 20%. 

Ngành chứng khoán đang tích cực tăng vốn có tạo áp lực cho Rồng Việt? Kế hoạch phát hành riêng lẻ có khả thi?

Trong ngành chứng khoán, cạnh tranh rất lớn. Công ty đặt kế hoạch thận trọng. Một số ngân hàng/tập đoàn tài chính tăng vốn cho công ty đáng kể. Quan điểm của VDSC là phát triển bền vững, tuân thủ quy định, mang giá trị cho khách hàng, cổ đông, chứ không bị quá áp lực với các mục tiêu ngắn hạn.

Các mảng môi giới, tư vấn, cho vay hiện cạnh tranh khốc liệt. Chiến lược của VDSC là tìm kiếm thị trường ngách, không cạnh tranh phí mà tạo hiệu quả đầu tư cho khách hàng.

Năm 2024, nhiều đơn vị chưa tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2024, tỷ giá lên cao, nhà đầu tư ngoại đắn đo khi đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá chào bán riêng lẻ thấp hơn đáng kể trên thị trường, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu. Năm nay, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ gia tăng thanh khoản, thu hút nhà đầu tư. Công ty vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp 

AI đang phát triển và hệ thống công nghệ mới sắp triển khai. VDSC có những chuẩn bị gì?

Công ty đã thực hiện chuyển đổi số từ năm 2021. Về cơ bản, các dự án chuyển đổi số đã đưa vào vận hành đúng tiến độ đề ra. Với hệ thống công nghệ mới, công ty cũng đã chuẩn bị theo yêu cầu của cơ quan chức năng liên quan. Khi hệ thống vận hành, VDSC sẽ tham gia.

AI có tác động lớn đến đội ngũ kinh doanh, tư vấn đầu tư. Công ty cũng đã đề nghị đội ngũ áp dụng nhiều hơn công nghệ, AI trong công việc. Những tiến bộ về công nghệ, công ty vẫn cập nhật, nghiên cứu để đưa vào hoạt động. Đồng thời, yếu tố quan trọng vẫn là chất lượng nhân sự, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính chứng khoán.

Ứng xử ra sao với xu hướng zero-fee trong ngành chứng khoán?

Chỉ có một số đơn vị áp dụng zero-fee trọn đời, đa số có thời hạn hoặc chỉ áp dụng với khách hàng tự giao dịch. VDSC không theo đuổi chiến lược này. Công ty vẫn tập trung vào tạo giá trị hiệu quả cho khách hàng.

Ban chủ toạ đại hội. (Ảnh: X.N).

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 294 tỷ đồng

Điểm lại kết quả kinh doanh, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, năm 2024, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 291 tỷ đồng, tăng 1% so với 2023.

Với lợi nhuận chưa phân phối tại cuối năm 326 tỷ đồng, hội đồng quản trị đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1, tương ứng với 243 tỷ đồng, và trích quỹ khen thường và phúc lợi 5,7 tỷ đồng. quỹ thiện nguyện 2,9 tỷ đồng.

Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.106 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến nhích 1% lên 294 tỷ đồng.

CEO Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: X.N).

Ông Nguyễn Miên Tuấn nhấn mạnh đối với hoạt động huy động vốn, môi giới, cho vay, công ty sẽ khai thác nguồn lực, cơ hội, áp dụng chính sách linh hoạt để gia tăng vị thế trên thị trường.

Hoạt động đầu tư tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Rồng Việt cần đảm bảo mục tiêu đạt mức hiệu suất sinh lời đáng kể và kiểm soát, quản trị rủi ro một cách chủ động.

Ở hoạt động IB, công ty tập trung vào thương vụ M&A có giá trị cao và. Iếp tục triển khai các hoạt động tư vấn phát hành, tư vấn tài chính doanh nghiệp truyền thống, tăng tường phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau để phảt triển khách hàng giữa các mảng hoạt động.

(Nguồn: X.N tổng hợp).

Phát hành 77 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ

Về tăng vốn, công ty trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ với tổng khối lượng 77 triệu đơn vị.

Theo HĐQT, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp công ty có nguồn vốn để đa dạng, mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, năng lực bảo lãnh phát hành, tự doanh, cho vay ký quỹ/ứng trước, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cụ thể hơn, công ty dự định phát hành 24,3 triệu cp để trả cổ tức (tỷ lệ thực hiện quyền 10:1), phát hành 4,7 triệu cp ESOP (1,93% vốn) và chào bán riêng lẻ 48 triệu cp.

Giá phát hành ESOP là 10.000 đồng/cp. 50% ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và phần còn lại là 2 năm.

Phương án chào bán riêng lẻ sẽ được triển khai sau cùng (dự kiến trong 2025). Giá chào bán không thấp hơn thị giá tại thời điểm chào bán hoặc giá trị sổ sách tại thời điểm gần nhất. Đối tượng là nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Sau khi hoàn tất, dự kiến vốn điều lệ công ty tăng 770 tỷ đồng, từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng.

Bên cạnh cổ phiếu, VDSC cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng. Điều này nhằm để hội đồng quản trị thuận lợi và chủ động trong việc triển khai các thủ tục về phát hành trái phiếu.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền phát hành ra công chúng giai đoạn 2025 - 2026 của công ty sau khi kết thúc các đợt chào bán tại HNX.

Cuộc họp kết thúc với việc thông qua tất cả tờ trình.

Xuân Nghĩa