Nhà cung cấp lớn nhất của Apple rót thêm tiền đầu tư vào Việt Nam
Ngày 2/4, Foxconn ra thông báo cho biết họ rót thêm 23,4 triệu USD vào công ty Fulian Precision Technology Component tại Việt Nam, thông qua một công ty con khác là Ingrasys (Singapore) Pte. Ltd., như một khoản đầu tư dài hạn.
Tháng 3, Foxconn từng thông báo rằng Ingrasys đã đầu tư khoảng 17,96 triệu USD vào Fulian Precision. Công ty này được thành lập vào năm 2023 tại Bắc Giang, và chuyên sản xuất máy chủ, giá đỡ máy chủ và thiết bị viễn thông.
Foxconn là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Họ cũng là nhà cung cấp lớn nhất của Apple. Hiện Foxconn đang mở rộng năng lực sản xuất tại Mỹ, Mexico và Việt Nam.

Foxconn là nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Đức Huy).
Ngày 3/4, Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% lên hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Điều này gây khó khăn cho những nhà sản xuất như Apple, vốn tăng cường dây chuyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Từ 2017, Apple bắt đầu đa dạng hóa sản xuất, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ chuyển một phần sản xuất AirPods, iPad và MacBook sang Việt Nam. Đến năm 2023, hơn 10% trong số 200 nhà cung cấp lớn nhất của Apple đặt nhà máy tại Việt Nam.
Tới năm 2024, Apple đã mở rộng mạnh hoạt động tại Việt Nam, bổ sung thêm 8 đối tác mới. Hiện tại, tổng số nhà cung cấp của Apple ở Việt Nam đã lên đến 35. Nhờ đó, Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng lớn nhất của Apple tại Đông Nam Á và lớn thứ 4 trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc (158), Đài Loan (49) và Nhật Bản (44).
Trong 8 năm qua, Apple liên tục tăng số lượng đối tác tại Việt Nam. Công ty đã hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Foxconn, Luxshare, Samsung, Intel và LG. Việt Nam hiện có nhiều nhà máy quy mô lớn tham gia sản xuất các sản phẩm quan trọng của Apple như AirPods, iPad và Apple Watch.
Các chuyên gia dự báo rằng đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 20% tổng số iPad và Apple Watch, 5% MacBook và tới 65% AirPods. Sự phát triển này cho thấy Việt Nam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu của Apple.
Theo Apple Insider, nếu Apple phải chịu mức thuế nhập khẩu 46%, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lắp ráp 20% số iPad và 90% số Apple Watch của họ tại Việt Nam.
Với mức thuế quan đối ứng mới áp dụng cho các thị trường sản xuất trọng điểm gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, nhà phân tích Ming-Chi Kuo chỉ ra Apple có thể mất tới 9% tỷ suất lợi nhuận gộp.
Trước thực tế này, Apple có thể cân nhắc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ, nhưng điều đó không dễ và hiện tại cũng không hợp lý về mặt tài chính.
Việc xây dựng một dây chuyền sản xuất mới tại Mỹ tốn rất nhiều chi phí. Đó là chưa kể đến việc các linh kiện được sản xuất rải rác ở nhiều nơi trên thế giới.
Chẳng hạn, Apple vẫn sẽ phải nhập chip dòng A và M từ nhà máy của TSMC tại Đài Loan (Trung Quốc). Các cơ sở tại Mỹ hiện chưa đạt được trình độ sản xuất tương đương và có thể sẽ mất nhiều năm nữa mới theo kịp.
Sản xuất tại Mỹ cũng đồng nghĩa với chi phí nhân công cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Lao động tại Mỹ có chi phí lương cao hơn nhiều so với lao động tại Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam.