|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là khởi đầu cho những rắc rối mới của Mỹ

08:10 | 03/08/2022
Chia sẻ
Trung Quốc có thể sẽ sử dụng chiến thuật vùng xám để gây áp lực lên Đài Loan. Mỹ sẽ phải đối phó mà không mạo hiểm gây ra một cuộc xung đột mở với Trung Quốc.

Chiến thuật "vùng xám"

Máy bay của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống Đài Loan an toàn vào đêm qua (2/8). Lo ngại rằng quân đội Trung Quốc có thể can thiệp vào chuyến bay, từ đó gây ra một cuộc đối đầu nguy hiểm với Mỹ, đã không thành hiện thực.

Tuy nhiên, thách thức mà chính quyền Washington phải đối mặt chỉ mới bắt đầu. Trung Quốc đã dành nhiều tuần qua để cảnh báo bà Pelosi không nên đến đảo Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh coi là một phần của Trung Quốc.

Các cảnh báo này đã leo thang thành hành động trong vài giờ trước khi bà Pelosi đến hòn đảo, đánh dấu lần đầu tiên sau 25 năm một Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan. Chuyến thăm sẽ kéo dài gần 24 giờ.

Trong một loạt tweet đăng cùng ngày, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, gọi chuyến công du của bà Pelosi là một “hành động khiêu khích nghiêm trọng về mặt chính trị”.

Phản ứng với chuyến thăm của nữ chính trị gia người Mỹ, quân đội Trung Quốc đã công bố tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày ở 6 khu vực gần Đài Loan. Mặc dù đợt tập trận phải đến trưa ngày 4/8 mới bắt đầu, nó đánh dấu sự leo thang chưa từng có về các chiến thuật quân sự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.

Các cuộc tập trận là một lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh có nhiều cách khác nhau để gây sức ép với Đài Loan và làm suy yếu sự ủng hộ của Washington với hòn đảo này, Bloomberg nhận định.

Trong những năm tới, việc chống lại các chiến thuật “vùng xám” như vậy có thể sẽ là thách thức khó khăn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong nỗ lực duy trì an ninh của Đài Loan.

Sau khi Nga động binh với Ukraine, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đề cập rất nhiều tới mối đe doạ của một cuộc tấn công đổ bộ kiểu Normandy của Trung Quốc vào Đài Loan.

Trên thực tế, một cuộc tấn công như vậy khó có thể xảy ra trong vòng 5 đến 7 năm tới, bởi chi phí và rủi ro thất bại là quá lớn đối với chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, Bloomberg nhận xét.

Thay vào đó, cho đến khi Trung Quốc trang bị đủ năng lực để đảm bảo một chiến dịch quân sự thành công tại Đài Loan, nước này nhiều khả năng sẽ sử dụng các chiến thuật vùng xám quyết liệt để theo đuổi mục tiêu chiến lược của mình.

Mục tiêu đó là gì? Lâu nay, Trung Quốc luôn muốn ngăn chặn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hòn đảo và thống nhất đất nước thông qua một phương thức hoà bình nhất có thể.

Bên cạnh việc thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh, các chiến thuật vùng xám có thể gây thiệt hại kinh tế lớn đối với Đài Loan bằng cách gia tăng rủi ro khi làm ăn kinh doanh với hòn đảo này.

Nếu Đài Loan được coi là một nơi ngày càng không an toàn để giao thương, các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm kiếm những giải pháp thay thế. Thật vậy, lo ngại về khả năng tiếp cận nguồn chip tiến tiến của Đài Loan đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật mới để kích thích ngành bán dẫn trong nước.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: Getty Images). 

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khía cạnh hấp dẫn nhất của chiến thuật vùng xám là tính linh hoạt. Không giống như các động thái chiến tranh công khai, chiến thuật vùng xám giúp Trung Quốc leo thang căng thẳng mà vẫn tránh đụng độ trực tiếp với quân đội Mỹ.

Các cuộc tập trận mà Bắc Kinh sắp tiến hành là một minh hoạ rõ nét. Về bản chất, chúng nguy hiểm, khiêu khích và gây rối, theo Bloomberg. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, chúng lại không được coi là một động thái chiến tranh đòi hỏi sự đáp trả của Mỹ.

Nhìn chung, các cuộc tập trận này là một lời cảnh báo từ Trung Quốc. Ở một kịch bản căng thẳng hơn trong tương lai, Trung Quốc có thể quyết định tổ chức một cuộc tập trận hải quân kéo dài nhiều tuần xung quanh Đài Loan nhằm ngăn chặn các tuyến đường liên lạc trên biển của hòn đảo.

Các chiến thuật nguy hiểm hơn có thể bao gồm việc gửi máy bay và tàu quân sự đến gần lãnh hải và không phận của Đài Loan, đến mức Đài Loan phải điều máy bay phản lực để đáp trả và qua đó làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột. Những căng thẳng sau đó có thể dẫn đến hoảng loạn và buộc Đài Loan tạm thời đóng cửa không phận.

Dù vậy, chiến thuật vùng xám không phải là không có rủi ro đối với Trung Quốc. Được triển khai chủ yếu như một công cụ chiến tranh tâm lý, các chiến thuật như vậy có xu hượng tạo ra lợi thế giảm dần khi các mục tiêu dần thích ứng.

Nếu áp dụng một cách thiếu thận trọng, chiến thuật vùng xám có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến mà quân đội Trung Quốc chưa sẵn sàng thực hiện, Bloomberg nhận định thêm.

Cơn đau đầu mới của Mỹ

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sử dụng các chiến thuật vùng xám có thể buộc Mỹ phải suy nghĩ lại về sự ủng hộ của họ đối với hệ thống quốc phòng của Đài Loan. Xây dựng hòn đảo thành một “con nhím” phòng thủ khiến Trung Quốc khó có thể tiêu hoá, dù chắc chắn là đáng làm, vẫn không đủ để đảm bảo an ninh cho Đài Loan.

Theo Bloomberg, Mỹ có thể chọn cách đẩy lùi quân đội Trung Quốc một cách quyết liệt. Washington có thể triển khai các tàu sân bay đến gần Đài Loan để răn đe mỗi khi Bắc Kinh leo thang căng thẳng.

Chiến lược này có thể xoa dịu tâm lý hoảng loạn trên hòn đảo. Song, nó cũng có thể vô tình gây ra xung đột, đặc biệt là nếu Mỹ quyết định vào các khu vực mà Trung Quốc đánh dấu để diễn tập bắn đạn thật.

Lựa chọn tốt hơn là tham gia vào các biện pháp ngoại giao phủ đầu để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai gần. Điều này sẽ đòi hỏi tất cả các bên, từ Mỹ, Trung Quốc tới Đài Loan, phải thật kiềm chế.

Đài Loan là một vấn đề nguy hiểm và tế nhị. Do vậy, các bên liên quan nên hiểu rằng đàm phán hoà bình là hướng đi duy nhất, dù giải pháp này không dễ dàng về mặt chính trị.

Những căng thẳng xung quanh chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể sẽ giúp thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc khôi phục đối thoại và tìm cách tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Khả Nhân

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.