|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Hạ viện Mỹ muốn thăm đảo Đài Loan: Vì sao gây quá nhiều tranh cãi và ảnh hưởng gì tới quan hệ Mỹ - Trung?

17:41 | 02/08/2022
Chia sẻ
Chuyến thăm được dự kiến tới đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, thậm chí đi dọa nguy cơ xung đột vũ trang mới.

Vì sao chuyến thăm lại gây tranh cãi?

Theo SCMP, với vai trò là Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi là người quan trọng thứ ba trong chính quyền Mỹ, chỉ sau Tổng thống và Phó Tổng thống.

Mặc dù không đảm nhận trọng trách về đối ngoại, chuyến công du này đồng nghĩa với việc bà sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ kể từ năm 1997 tới đảo Đài Loan, sau người tiền nhiệm là ông Newt Gingrich.

Bà Nancy Pelosi tại Malaysia hôm 2/8. (Ảnh: Bộ Thông tin Malaysia).

Dưới nguyên tắc “một Trung Quốc”, Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai, và hứa sẽ chiếm lại bằng vũ lực nếu không thể thống nhất hòa bình. Bắc Kinh coi bất cứ liên hệ nào giữa đảo Đài Loan vào một chính phủ nước ngoài như một sự vi phạm chủ quyền.

Trong chính sách “một Trung Quốc” của mình, Mỹ công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, và hiểu tuyên bố của Bắc Kinh rằng đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nhưng theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, chính phủ Mỹ lại cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.

Theo RT, trong 4 thập kỷ qua, nền hòa bình giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại dựa trên sự mơ hồ chiến lược về trạng thái của đảo Đài Loan. 

Suốt quãng thời gian này, Bắc Kinh và Washington đã rơi vào tình thế “răn đe tiến thoái lưỡng nan”. Mỹ cố gắng ngăn Trung Quốc thống nhất với đảo Đài Loan bằng vũ lực, thông qua việc viện trợ vũ khí.

Ngược lại, Trung Quốc khiến đảo Đài Loan phải cẩn trọng suy nghĩ về ý định chính thức ly khai, thông qua việc đe dọa can thiệp quân sự. Khi Bắc Kinh ngày càng lớn mạnh, những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc sử dụng vũ lực dường như đang gây kích động thêm. 

Thời gian đang ủng hộ Bắc Kinh, khi mà sức mạnh trong khu vực của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng, và tầm ảnh hưởng của Mỹ đồng thời sẽ sụt giảm.

Tàu sân bay Phúc Kiến vừa được Trung Quốc hạ thủy. Con tàu có công nghệ phóng máy bay tương tự như tàu sân bay lớp Ford hiện đại nhất của Mỹ. (Ảnh: Kyodo).

Một thập kỷ trước, chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố xoay trục sang châu Á, bao gồm việc chuyển cơ sở hạ tầng quân sự sang khu vực Đông Á nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Người kế nhiệm, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành chiến tranh kinh tế với Bắc Kinh và sử dụng chính sách “một Trung Quốc” như con bài thương lượng.

Giờ đây, sự căng thẳng đã ngày một lên cao. Chuyến đi của bà Pelosi được Bắc Kinh xem như một hành vi khiêu khích từ Mỹ và thể hiện sự ngầm ủng hộ độc lập của đảo Đài Loan.

Quan điểm mơ hồ của chính phủ Mỹ

Tổng thống Joe Biden cho biết các tướng lĩnh quân đội đưa ra lời khuyên rằng “[Chuyến công du của bà Pelosi] không phải là ý tưởng tốt trong thời điểm hiện nay”. Sau đó Nhà Trắng cho biết kế hoạch của bà Pelosi là quyết định cá nhân và ông Biden không thể can dự.

Các nhà quan sát cho biết mặc dù tuyên bố trên có thể là sự thật, nhưng việc khẳng định Tổng thống không có sức ảnh hưởng tới bà Pelosi chỉ là một cái cớ.

“Ông Biden chắc chắn sẽ khẳng định rằng mình không có quyền quyết định hành động của Chủ tịch Hạ viện. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho quan hệ Mỹ-Trung?”, ông Zhu Feng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nam Kinh, nói.

Hơn nữa, theo Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nếu Chủ tịch Pelosi thật sự tới đảo Đài Loan, bà sẽ được hộ tống bởi quân đội.

Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm 28/7, phía Washington đã khẳng định vẫn giữ nguyên lập trường coi đảo Đài Loan như một phần của Trung Quốc.

Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào?

Các chuyên gia quân sự đã cảnh báo rằng chuyến công du của bà Pelosi sẽ có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự. Lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng căng thẳng và ít khoan nhượng hơn trước những khiêu khích từ Mỹ. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách công nghệ quân sự với Washington.

“Bắc Kinh có đủ cách để ép bà Pelosi từ bỏ kế hoạch của mình”, ông Ni Lexiong, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết.

Ông gợi ý rằng Quân đội Trung Quốc (PLA) có thể “thiết lập một vùng cấm bay và hạn chế lưu thông đường biển cho các cuộc tập trận gần eo biển Đài Loan”.

Người dân đảo Đài Loan tập luyện cho tình huống bị không kích. (Ảnh: Reuters).

Theo Bloomberg, Trung Quốc và Mỹ đều không muốn nguy cơ đối đầu trực diện. Tuy nhiên, Bắc Kinh có đầy đủ các giải pháp trả đũa cho chuyến thăm, từ quân sự, kinh tế tới ngoại giao. 

Trung Quốc có thể tiến hành tập trận, thử tên lửa hay cho máy bay tiến vào không phận đảo Đài Loan. Mặc dù một cuộc tấn công trực diện vào đảo Đài Loan khó có thể xảy ra, nhưng những khu vực mà Đài Bắc đang kiểm soát, bao gồm đảo Kim Môn và Đông Sa có thể trở thành mục tiêu.

Trên mặt trận kinh tế, Bắc Kinh có thể ngừng nhập khẩu một số mặt hàng từ đảo Đài Loan hoặc hạn chế giao thương quanh khu vực eo biển Đài Loan.

Trung Quốc cũng có thể triệu hồi Đại sứ Tần Cương tại Mỹ, tương tự như sự kiện năm 1995, khi nhà lãnh đạo đảo Đài Loan được mời tới Mỹ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết PLA xem chuyến thăm dự kiến của bà Pelosi như động thái “ủng hộ sự độc lập của đảo Đài Loan” và sẽ không “làm ngơ”. 

Người phát ngôn Tan Kefei nói: “[Chuyến công du] chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại lớn trong quan hệ giữa hai chính phủ, hai quân đội, và dẫn tới những sự leo thang quân sự tại eo biển Đài Loan”.

Tổng thống Biden đã tuyên bố công khai tới ba lần về việc Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này nếu Bắc Kinh tấn công, tuân theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.

Lưỡng Đảng Mỹ nghĩ như thế nào về chuyến thăm?

Chính sách của Mỹ về vấn đề đảo Đài Loan, bao gồm cả hỗ trợ quân sự, phần lớn đều được hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa tán thành.

Vào tháng 4, Nghị sĩ Bob Menendez của Đảng Dân chủ và Nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa dẫn đầu một đoàn nghị sĩ tới đảo Đài Loan và gặp mặt các quan chức cấp cao, bao gồm cả nhà lãnh đạo Thái Anh Văn và Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính.

Ông Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Mỹ, cho biết sẽ tham gia cùng bà Pelosi trong chuyến công du. Vào tháng 3, ông cũng đã tới đảo Đài Loan với tư cách cá nhân.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich (phải) và cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy tại Đài Bắc, ngày 2/4/1997. (Ảnh: AP). 

Cựu Chủ tịch Hạ viện Gingrich, người đã đến đảo Đài Loan vào năm 1997, cũng ủng hộ chuyến của bà Pelosi: "Lầu Năm Góc nghĩ gì khi công khai cảnh báo về chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện tới đến Đài Loan?".

“Sự rụt rè là nguy hiểm”, ông nói.

Minh Quang