|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguồn cơn nguy cơ xung đột tại bán đảo Balkan - 'thùng thuốc súng của châu Âu'

14:34 | 02/08/2022
Chia sẻ
Khu vực Balkan một lần nữa đang gần với chiến tranh do những căng thẳng không được giải quyết trong nhiều thập kỷ giữa Kosovo và Serbia.

Theo The Washington Post, Kosovo và Serbia, hai người hàng xóm tại vùng Balkan đã từng xảy ra chiến tranh đẫm máu vào những năm 1990. Kể từ đó đến nay, cả hai cùng chung sống một cách không mấy êm đềm.

Vùng Balkan luôn là khu vực bất ổn do sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Thế chiến I, và cuộc chiến tranh nhiều người chết nhất tại châu Âu sau Thế chiến II đều xảy ra tại đây.

Bởi vậy, khu vực này thường được mệnh danh là là "thùng thuốc súng của châu Âu". Và giờ đây, "thùng thuốc súng" này lại đang trong trạng thái nguy hiểm, chỉ cần một mồi lửa nhỏ có thể phát nổ.

Trì hoãn xung đột

Theo Reuters, vào hôm lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đã giám sát việc dỡ bỏ những rào chắn mà người biểu tình thiết lập tại biên giới Kosovo. 

Việc tháo dỡ những rào chắn này được thực hiện sau khi chính quyền Pristina (thủ đô Kosovo) tạm hoãn quyết định ép buộc những người Serb (dân tộc chủ yếu tại Serbia) phải chuyển sang biển số và giấy tờ của Kosovo.

Hàng dài đoàn xe tải chở đầy đá được người Serb dùng để chặn đường gần biên giới giữa Serbia và Kosovo. (Ảnh: Reuters).

Hiện tại, còn khoảng 50.000 người Serb sống tại miền bắc Kosovo, vẫn sử dụng biển số cũng như giấy tờ tùy thân của Serbia và không chấp nhận chính quyền Pristina.

Những người Serb đã đỗ xe tải chở đầy đá vào gần biên giới với Serbia nhằm phản đối chính sách mới. Sau đó, chính phủ Kosovo đã quyết định tạm hoãn kế hoạch đổi giấy tờ tới ngày 1/9. Sau thời hạn trên, người Serb tại Kosovo sẽ có 60 ngày để đổi sang giấy tờ và biển số mới.

Vào năm 2008, Kosovo với sự hậu thuẫn của Mỹ đã tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Tuy nhiên Belgrade (thủ đô của Serbia) vẫn coi Kosovo là một tỉnh của mình.

Hôm 31/7, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO cho biết: “Tình hình an ninh chung tại khu tự trị phía bắc Kosovo đang rất căng thẳng”. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cũng nói: “Chúng tôi chưa từng gặp phải tình huống khó khăn như bây giờ”.

Trong suốt nhiều năm, chính quyền Kosovo đã cố gắng kiểm soát hoàn toàn với những khu vực đa số người Serb sinh sống tại phía bắc. Tuy nhiên, Pristina vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ cư dân nơi đây.

Nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã tố cáo những người Serb cố gắng gây “bất ổn” cho Kosovo và cáo buộc Serbia đứng sau những “hành vi gây hấn” trong cuộc biểu tình.

Căng thẳng hàng chục năm

Nguồn gốc của những căng thẳng giữa Serbia và Kosovo liên quan tới sự tan rã của Liên bang Nam Tư vào đầu những năm 2000. Nam Tư đã chìm trong xung đột giữa các nước cộng hòa của mình kể từ những năm 1991.

Kosovo và Serbia đều thuộc Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư. Trong đó, Serbia là một nước Cộng hòa, còn Kosovo là một khu tự trị, thuộc Serbia.

Serbia và Kosovo theo hai tôn giáo và dân tộc khác nhau. (Ảnh: DW, Việt hóa: Minh Quang).

Giữa Belgrade và Pristina đã xảy ra cuộc chiến ác liệt vào năm 1998 và 1999. Người Serbia đa số theo Chính thống Giáo. Kosovo lại có đa số là người Albania và theo đạo Hồi. Một phần nhỏ dân số Kosovo là người Serb.

Căng thẳng bắt đầu giữa hai sắc tộc kể từ năm 1989, khi Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, một người Serb theo chủ nghĩa dân tộc, đã bãi bỏ quyền tự trị của Kosovo.

Đáp lại, những người lính Kosovo đã thành lập Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), tiến hành các cuộc tấn công chống lại Serbia nhằm thành lập một nhà nước với đa số người Albania. Các thành viên của KLA bị cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh với người Serb tại Kosovo.

Chính quyền Belgrade lúc đó đã thẳng tay đàn áp người dân Albania tại Kosovo, coi họ là những người ủng hộ KLA. Hơn 1 triệu người Albania tại Kosovo đã phải rời bỏ nhà cửa.

Phương Tây và NATO đã đưa các bên vào bàn đàm phán đình chiến tại Pháp vào tháng 2/1999. Phía Kosovo đồng ý với các điều khoản, nhưng Nam Tư (lúc đó chỉ còn hai nước là Serbia và Montenegro) lại từ chối.

Bộ Nội vụ Serbia tại Belgrade bị tên lửa hành trình của Mỹ tấn công. (Ảnh: EPA).

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc “lực lượng quân đội Serbia” tiến hành “chiến dịch thanh trừng sắc tộc tại Kosovo”. Kết quả là NATO đã bắt đầu chiến dịch ném bom trong 11 tuần, ép Nam Tư phải cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO vào Kosovo.

Vì sao NATO đến Kosovo?

Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo được gọi là Lực lượng Kosovo (KFOR), kể từ tháng 6/1999. Việc thành lập lực lượng này đã được thông qua bởi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mục tiêu ban đầu của KFOR là ngăn chặn xung đột giữa người Serb và người Albania sau khi NATO và Nam Tư ký một thỏa thuận hòa bình cho phép những người Albania đã di tản trở lại quê nhà. Sau đó, lực lượng KFOR đã được cắt giảm dần, từ khoảng 50.000 quân xuống còn dưới 4.000. 

Lực lượng KFOR đang giám sát tình hình từ phía bắc Kosovo từ trực thăng. (Ảnh: KFOR).

KFOR tuyên bố hoạt động nhằm duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, hỗ trợ các nhóm nhân đạo và dân sự, đào tạo và hỗ trợ Lực lượng An ninh Kosovo và “hỗ trợ sự phát triển của một Kosovo ổn định, dân chủ, đa sắc tộc và hòa bình”.

Về những cuộc biểu tình hôm 31/7, KFOR cho biết đang "theo dõi" tình hình và "sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa."

Xung đột Ukraine ảnh hưởng gì đến tình hình Kosovo?

Khu vực Balkan không thoát khỏi dư âm của cuộc xung đột tại Ukraine. Pristina có những động thái ủng hộ Ukraine, tuy nhiên Kiev vẫn chưa công nhận nền độc lập của Kosovo.

Tổng thống Vladimir Putin đã viện dẫn sự hình thành của Kosovo để biện minh cho việc công nhận hai nhà nước ly khai tại vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Khi gặp mặt Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Nga Putin đã nói: “Rất nhiều nước phương Tây đã công nhận ‘Kosovo là một quốc gia độc lập’. Chúng tôi chỉ làm điều tương tự với hai nước cộng hòa Donbass”.

Nga, một đồng minh lâu năm của Serbia, cũng không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập và đã lên tiếng phản đối chính phủ Pristina về những căng thẳng mới ở miền bắc Kosovo.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc Kosovo sử dụng luật giấy tờ tùy thân và biển số như một cách phân biệt đối xử với người Serb.

“Chúng tôi kêu gọi Pristina, Mỹ và Liên minh châu Âu ngừng khiêu khích và tuân thủ các quyền của người Serb ở Kosovo,” bà tuyên bố.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.