|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Địa lý đã giúp châu Âu định hình lịch sử nhân loại như thế nào?

20:39 | 31/07/2022
Chia sẻ
Các điều kiện tự nhiên đặc biệt đã tạo nên một châu Âu nhỏ bé nhưng đầy sức cạnh tranh, đóng góp lớn vào định hình lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường địa chính trị của thế kỷ 21 đang khiến lục địa già phải vật lộn để giữ được chỗ đứng.

Châu Âu là một trong những lục địa có nhiều đóng góp to lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiều phát minh, môn nghệ thuật, ngành khoa học được khởi nguồn từ châu lục già. 

Mặc dù chìm trong đêm trường Trung Cổ, châu Âu đã có bước đột phá ngoạn mục, mở ra thời kỳ Phục Hưng rực rỡ và tiếp theo đó là cuộc Cách mạng Công nghiệp. Châu Âu đã đứng trên đỉnh của thế giới trong gần 200 năm.

Điều gì đã khiến châu Âu, với diện tích nhỏ bé lại trở thành đầu tàu cho sự phát triển của thế giới trong vài trăm năm? 

Địa lý tạo sự cạnh tranh

Ấm áp bất ngờ

Nhờ vào ảnh hưởng của dòng hải lưu Gulf Stream, khí hậu châu Âu tương đối ấm áp và ôn hòa. Cùng một vĩ độ nhưng Berlin hay Paris của châu Âu ấm áp hơn hẳn so với Novosibirsk của Nga hay Ontario của Canada. 

Châu Âu rất ấm áp so với các khu vực cùng vĩ độ. (Ảnh: Robert A. Rohde/Berkeley Earth, Việt hóa: Minh Quang). 

Khí hậu dễ chịu giúp hoạt động trồng trọt và chăn nuôi dễ dàng và thuận lợi. Không những thế, phần lớn phía bắc của lục địa châu Âu là những đồng bằng rộng lớn và nhiều sông ngòi chảy dọc theo lãnh thổ như những tuyến cao tốc. 

May mắn hơn nữa, châu Âu nằm gần một trong những cái nôi của nông nghiệp thời cổ đại là Trung Đông (nền văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập), từ đó thừa hưởng được các giống cây trồng cũng như vật nuôi quan trọng. 

Kết quả là nông nghiệp tại châu Âu phát triển tương đối sớm, và nhiều nền văn minh đã được hình thành. 

Địa hình chia cắt

Nhìn vào bản đồ châu Âu, các con sông, núi đóng vai trò như những bức tường chia cắt. Từ đây, các quốc gia được hình thành sau hàng nghìn năm phát triển và kéo dài đến các ranh giới tự nhiên.

Các ngọn núi chia cắt châu Âu thành khu vực như bán đảo Iberian (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), Nam Âu (Italy, nằm dưới dãy Alps), Balkan (Romania). Đồng thời, sông tại châu lục già thường chảy ra biển và không cắt nhau, tạo thành những ranh giới tự nhiên.

Bởi vậy, mặc dù có diện tích tương đối nhỏ, châu Âu lại có hàng chục quốc gia cùng tồn tại. Theo Giáo sư Jared Diamond trong cuốn Súng, vi trùng và thép, địa lý châu Âu đã tạo nên hệ thống quyền lực phân tán. 

Châu Âu bị chia cắt do các đặc điểm địa lý. (Nguồn: naturalearthdata.com, Việt hóa: Minh Quang).

Trong khi Trung Quốc có nền văn minh phát triển từ đồng bằng rộng lớn nằm quanh khu vực sông Dương Tử và Hoàng Hà, địa hình châu Âu không liền mạch mà bị chia cắt bởi sông, núi và các bán đảo. 

Loại cây trồng giữa Trung Quốc và châu Âu cũng tạo nên hai nền văn minh khác biệt nhau. Trung Quốc canh tác lúa nước, yêu cầu các công trình thủy lợi, tưới tiêu cũng như sự hợp tác phức tạp, từ đó hình thành nên nhà nước trung ương. 

Ngược lại, lúa mỳ và đại mạch của châu Âu phụ thuộc vào thời tiết (mưa do dòng hải lưu Gulf Stream), nên có thể được trồng ở bất cứ đâu có loại đất đai phù hợp. Kết quả là trong diện tích nhỏ hẹp của châu Âu xuất hiện hàng chục quốc gia, và ngay bản thân từng quốc gia cũng thiếu sự tập trung quyền lực.

Giữa các quốc gia châu Âu cũng có sự cạnh tranh lớn hơn. Tại châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc không xảy ra xung đột do rào cản địa lý là dãy Himalaya quá lớn, không thể vượt qua. Trong khi đó, ngoại trừ Thụy Sĩ, thì các quốc gia láng giềng châu Âu có thể dễ dàng tấn công nhau.

Châu Âu cũng nằm trong vị trí tương đối thuận lợi khi có thể tiếp cận khu vực Trung Đông, châu Phi giàu tài nguyên từ đường biển cũng như khai phá phía bên kia Đại Tây Dương (khu vực bờ Đông nước Mỹ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc khai thác thuộc địa).

Vị trí gần các nền văn minh lớn giúp châu Âu trở thành trung tâm giao thoa văn hóa, thương mại từ sớm. Ngược lại, Trung Quốc, được bao bọc an toàn từ ba phía cũng như thiên nhiên ưu ái về tài nguyên, nên không cần phải tiến xa hơn giới hạn lãnh thổ của mình.

Dài hơn cao

Một điều đáng chú ý khác của châu Âu, cũng như lục địa Á-Âu nói chung, đó là chiều dài lãnh thổ lớn hơn chiều cao. Hay nói cách khác, diện tích cùng nằm trong một đới khí hậu mà người châu Âu có thể di chuyển, tiếp cận bao gồm toàn bộ vùng ôn đới và hàn đới.

Cùng một đới khí hậu có thể trồng cùng loại cây trồng, vật nuôi dẫn đến cuộc sống, văn hóa tương đương nhau. Kết quả là, toàn bộ Bắc Mỹ và khu vực ôn đới, hàn đới trong lục địa Á-Âu đều có dấu chân người châu Âu.

Vùng khí hậu ôn đới của châu Âu kéo dài khắp lục địa Á-Âu và cả châu Mỹ. (Ảnh: Esri, FAO, NOAA, USGS, Việt hóa: Minh Quang). 

Ít mầm bệnh

Mặc dù gây nhiều khó khăn cho hoạt động nông nghiệp và đời sống con người, mùa đông lạnh lẽo tại châu Âu cũng mặt tốt. Mức nhiệt dưới 0 độ C đã giết chết các mầm bệnh, đảm bảo rằng dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.

Dần dần, những người sống sót qua các dịch bệnh sản sinh ra kháng thể và miễn dịch và truyền cho các thế hệ tiếp theo.

Theo Giáo sư Jared Diamond, trong cuộc xâm lược châu Mỹ, chính mầm bệnh đậu mùa đã giết chết khoảng 95% dân bản địa, giúp các nước châu Âu không tốn quá nhiều công sức để chinh phục được lục địa giàu có này.

Cách mạng Công nghiệp

Thời điểm mà phương Tây thực sự bứt phá, vượt lên so với châu Á và phần còn lại của thế giới là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu tại Anh vào giữa thế kỷ 18. Một nhóm những điều kiện, trong đó có địa lý thuận lợi, đã khiến Anh, và phần còn lại của châu Âu công nghiệp hóa, tiến bộ một cách vô cùng nhanh chóng.

Như đã đề cập ở trên, địa lý chia cắt đã khiến châu Âu không có nhà nước tập trung. Từng quốc gia chỉ có một diện tích tương đối nhỏ, và tài nguyên hạn chế. Ngược lại, một đất nước rộng lớn như Trung Quốc có đủ tất cả những gì cần thiết ngay trong chính biên giới của mình.

Kết quả là, các quốc gia châu Âu phải cố gắng tìm kiếm tài nguyên, thị trường ở bên ngoài biên giới, dẫn đến các cuộc phát kiến địa lý và chủ nghĩa thực dân. 

Cuộc Cách mạng Nông nghiệp lần thứ hai (lần đầu là khi con người chuyển từ săn bắn hái lượm sang nông nghiệp khoảng 10.000 năm trước Công Nguyên) là tiền đề cho Cách mạng Công nghiệp. Các phát kiến kỹ thuật, chính sách và điều kiện thuận lợi đã giúp dân số nước Anh tăng nhanh chóng, giải phóng lượng lớn lao động để tham gia vào lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Mở rộng thị trường

Kết quả của Cách mạng Nông nghiệp là châu Âu tăng nhanh dân số, và mở rộng thị trường. Các cuộc phát kiến địa lý và hình thành các thuộc địa cũng tạo ra thêm những thị trường mới cho hàng hóa châu Âu.

Vị trí địa lý thuận lợi, gắn liền với một châu lục, có thể dễ dàng tiếp cận với hai châu lục khác giúp hàng hóa châu Âu vươn ra khắp thế giới. Hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn giúp doanh nghiệp lãi cao hơn và liên tục mở rộng sản xuất, kết quả là sản lượng của châu Âu tăng với tốc độ chóng mặt.

Tài nguyên hữu ích

Anh, quốc gia đầu tiên tiến hành công nghiệp hóa có nguồn tài nguyên than lớn và dễ dàng khai thác do nằm trên bề mặt. Than được sử dụng làm nhiên liệu cho máy hơi nước trong tàu hỏa, thuyền và máy phát điện. 

Hệ thống thuộc địa rộng lớn giúp Anh (và phần còn lại của châu Âu) có thể thu thập được những tài nguyên không sẵn có trong nước.

Giao thông thủy nội địa thuận lợi

Các dòng sông châu Âu đều chạy song song với nhau và hướng ra biển, với độ cao không khác biệt quá lớn, ít ghềnh thác. Những dòng sông này hoạt động như những tuyến cao tốc, giúp dễ dàng vận chuyển hàng hóa cũng như con người. Cho đến tận ngày nay, sông Rhine vẫn là tuyến vận chuyển than chính cho ngành công nghiệp của Đức.

Châu Phi cũng có nhiều sông nhưng lại nhiều thác nước dựng đứng nên không có ý nghĩa lớn trong vận tải.

Châu Âu cũng thành thạo khả năng đi biển từ sớm, và sự xuất hiện của những con tàu hơi nước tạo ra lợi thế tuyệt đối cho hải quân của châu lục già. Tàu hơi nước di chuyển nhanh hơn, vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn đi khắp nơi trên thế giới.

Vòng lặp tích cực 

Tỷ trọng trong GDP toàn cầu của châu Âu từng chiếm 30%, nhưng kể từ đầu thế kỷ 20 đã liên tục giảm nhanh, thua Mỹ và Trung Quốc.  


Một chuỗi các sự kiện, từ Phục Hưng cho đến các cuộc phát kiến địa lý, Cách mạng Nông nghiệp và Cách mạng Công nghiệp giúp châu Âu nhanh chóng bứt tốc, trở thành thế lực thống trị thế giới kể từ cuối thế kỷ 18 cho tới đầu thế kỷ 20.

Mỗi điều kiện thuận lợi lại bổ sung cho nhau, tạo ra một vòng lặp tích cực. Dân số tăng nhanh khiến sản lượng lương thực tăng, thị trường mở rộng và càng khiến dân số đông hơn. Thị trường mở rộng làm quốc gia giàu có hơn, và có thể đầu tư thêm đội tàu buôn đi xa hơn. Các phát kiến khoa học mới liên tục xuất hiện, và từ đó giúp năng suất, chất lượng cuộc sống ngày một cao hơn.

Tuy nhiên, vòng lặp này có giới hạn. Đến thế kỷ 20, dường như châu Âu đã có dấu hiệu chững lại. Mỹ vươn lên mạnh mẽ và nắm giữ vị trí siêu cường số một thế giới từ cuối thế kỷ 19.

Bị tàn phá bởi hai cuộc Thế chiến, sau đó dần mất đi các thuộc địa của mình, châu Âu đang hụt hơi trong cuộc đua với các quốc gia như Mỹ hay Trung Quốc. Bản thân hai cường quốc này đều có thị trường nội địa lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Ngược lại, sau hàng trăm năm khai thác, tài nguyên của châu Âu đã dần cạn kiệt, tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa, trong khi mất hết các thuộc địa khiến châu Âu ngày càng khó cạnh tranh.

Tương lai đầy thách thức của lục địa già

Mặc dù có vài trăm năm đứng trên đỉnh thế giới, châu Âu đang hụt hơi so với Mỹ, và sau này là châu Á. Nước Mỹ, với địa lý thuận lợi, đất đai rộng lớn, màu mỡ đã nhanh chóng trở thành siêu cường số 1 thế giới chỉ sau hơn 200 năm lập quốc.

Trung Quốc đang dần lấy lại vị thế của mình sau khoảng 200 năm đáng quên, và sẽ dự kiến sẽ vượt Mỹ vào năm 2035 để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Những yếu tố từng khiến châu Âu để lại dấu ấn lớn trong lịch sử nhân loại giờ đây đang trở thành rào cản cho sự phát triển của lục địa già. Diện tích hạn chế và bị chia cắt khiến châu Âu không thể trở thành một quốc gia, không có khả năng cùng thực hiện một mục tiêu chung.

Ngay cả khi Liên minh châu Âu tồn tại, thì cơ chế quan liêu và lợi ích của từng quốc gia cũng cản trở những quyết sách quan trọng của khối.

 

Thiếu thị trường, tài nguyên thiên nhiên từng là nhân tố thúc đẩy châu Âu bắt đầu các cuộc phát kiến địa lý, giờ đây lại là rào cản cho sự phát triển. Đức, nền kinh tế số một châu Âu cũng như nhiều quốc gia khác, dựa phần lớn vào nguồn nguyên liệu, nhiên liệu giá rẻ từ Nga, đang phải vật lộn khi nguồn cung sụt giảm.

Sức cạnh tranh dựa vào nhiên liệu giá rẻ, giờ đây đã nằm ngoài tầm với của châu Âu. Xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như quyết định xa lánh Moscow, có thể là sai lầm lớn nhất về mặt kinh tế của châu Âu.

Theo RT, nhà ngoại giao Henry Kissinger cho rằng phương Tây nên nhìn rộng ra và nhớ rằng "Nga đã là một phần không thể tách rời của châu Âu trong suốt 400 năm". Lục địa già nên cẩn thận "nếu không, Nga sẽ trở thành đồng minh vĩnh viễn của Trung Quốc".

Minh Quang