|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cái giá mà phương Tây phải trả khi từ bỏ năng lượng của Nga

14:29 | 22/06/2022
Chia sẻ
Các nước phương Tây đang phải tìm đến những thứ mà mình từng ruồng bỏ để thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng của Nga. Châu Âu quay lại với năng lượng "bẩn", còn Mỹ cố gắng nối lại quan hệ ngoại giao với những quốc gia đối địch.

Châu Âu quay trở lại với than đá

Dòng khí đốt của Nga chảy tới châu Âu đã giảm vào hôm 17/6, trùng với đợt nắng nóng ở phía nam. Than từ lâu được coi như một nguồn nhiên liệu của quá khứ tại châu Âu, nay lại đang giúp châu lục này đảm an ninh năng lượng và đối phó với giá khí đốt tăng nhanh chóng.

Điện sản xuất bằng than ở Liên minh châu Âu trong quý IV/2021 đã tăng 19% so với một năm trước đó. Tốc độ này nhanh hơn bất kỳ nguồn cung nào khác, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng.

Châu Âu sẽ tăng sử dụng điện than, điện tái tạo trong khi giảm điện từ khí đốt. 

Khí đốt của Nga chiếm hơn 40% tổng lượng tiêu thụ ở EU vào năm 2021, khiến khối này phải nhanh chóng tìm ra nguồn thay thế. Moscow cũng cung cấp 27% dầu thô và 46% than nhập khẩu cho EU.

Theo RT, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết Đức sẽ phải tăng cường sử dụng than để thay thế cho nguồn cung khí đốt đang thiếu hụt từ Nga. 

“Việc sản xuất điện sẽ hạn chế sử dụng khí đốt. Các nhà máy điện than sẽ được sử dụng thay thế”, Bộ trưởng cho biết. Ông lấy làm tiếc khi phải tăng cường sử dụng điện than, bởi Đức cùng nhiều quốc gia EU khác đang từng bước hạn chế sử dụng loại “nhiên liệu bẩn” này và hướng tới năng lượng xanh.

Berlin đã quyết tâm cắt giảm hoàn toàn điện than vào năm 2030, nhưng với tình hình hiện tại, kế hoạch trên có thể sẽ thay đổi.

Châu Âu đang quay lại với loại nhiên liệu bẩn hơn nhiều so với khí đốt.

Tuyên bố của Bộ trưởng Habeck theo sau quyết định cắt giảm 60% lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 của Gazprom. Theo nhà cung ứng khí đốt Nga này, quyết định được đưa ra sau khi công ty Siemens của Đức không thể trả lại các máy bơm đã sửa chữa do lệnh trừng phạt.

Theo Reuters, chính phủ Áo - quốc gia hàng xóm của Đức - cũng đã phải chuyển đổi một nhà máy điện sử dụng khí đốt thành nhà máy điện than. Văn phòng Thủ tướng Áo cho biết công ty Verbund đồng ý chuyển đổi nhà máy điện Mellach ở miền nam Styria, đã ngừng hoạt động nhưng vẫn ở chế độ chờ, sang sử dụng nhiên liệu than.

Trước đây, Áo nhận 80% khí đốt từ Nga và kể từ sau xung đột Ukraine, nước này đã phải cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.

Trong khi đó, theo AP, Hy Lạp đã phải tăng cường hoạt động sản xuất than. Trong nhiều thập kỷ, quốc gia này dựa vào khai thác than non trong nước, một loại than chất lượng thấp và phát thải cao.

Trước khi xung đột Ukraine diễn ra, Hy Lạp đã đẩy nhanh kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện cũ kỹ, hứa hẹn biến năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chính vào năm 2030. Hiện tại, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1/3 tổng năng lượng của cả nước.

Giám đốc mỏ than lớn nhất của Hy Lạp, ông Antonis Nikou, cùng nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng kỷ nguyên than châu Âu sẽ sớm kết thúc. Sự trở lại tạm thời của than sẽ chỉ đóng vai trò như một bước đệm khi các nước tăng cường mạng năng lượng tái tạo và nâng cấp mạng lưới điện.

Trả giá bằng môi trường

Sự hội nhập sau Thế chiến II của Tây Âu được thúc đẩy phần lớn bởi than. Cộng đồng Than và Thép châu Âu được thành lập năm 1951 dần dần đã trở thành Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, lượng tiêu thụ than của EU từ lâu đã bị các quốc gia khác bỏ xa. Trung Quốc hiện sử dụng nhiều than hơn phần còn lại của thế giới.

Sản lượng tiêu thụ than của thế giới đang giảm đi trong những năm gần đây. 

Theo RT, Việc các quốc gia châu Âu quay trở lại với điện than, một nguồn năng lượng được cho là “bẩn” đang khiến các nhà hoạt động môi trường và các tổ chức quốc tế lo lắng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu là tình trạng khẩn cấp lớn nhất của nhân loại hiện nay và các chính phủ trên toàn cầu phải ưu tiên “chấm dứt thời đại của nhiên liệu hóa thạch”.

Tiếp tục gắn bó với dầu, khí đốt và than đá “không có ý nghĩa chính trị hoặc kinh tế”, ông Guterres phát biểu tại Diễn đàn Các nền kinh tế lớn về Năng lượng và Biến đổi Khí hậu.

Mỹ thay đổi lập trường tại Trung Đông và Nam Mỹ

Với cuộc xung đột Ukraine và lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm kiếm nguồn cung thay thế để làm dịu giá xăng trong nước. Có thể Mỹ sẽ phải nới lỏng một số lệnh trừng phạt áp đặt lên Venezuela hay cố gắng làm thân với Thái tử Arab Saudi để đảm bảo nguồn cung dầu quý giá.

Theo NPR, người đứng đầu Nhà Trắng đang lên kế hoạch tới Trung Đông từ ngày 13 đến 16/7. Tổng thống Biden dự kiến sẽ đích thân tới thăm Arab Saudi, nơi ông đã từng gọi là “quốc gia bị ruồng bỏ” khi tranh cử Tổng thống.

Trước đây, ông Biden từng đối đầu với Arab Saudi sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, hứa sẽ đứng lên đấu tranh cho nhân quyền. Tình báo Mỹ cáo buộc vụ sát hại được Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman chấp thuận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại G20 năm 2018. (Ảnh: Getty Images). 

Bản thân ông Biden hôm 18/6 khẳng định rằng chuyến thăm sẽ không chỉ vì vấn đề nguồn cung dầu mỏ. Tuy nhiên, Arab Saudi có công suất dự phòng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia sản xuất dầu nào. Nước này có thể tăng sản lượng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt của châu Âu và Mỹ khi từ bỏ dầu Nga.

Mỹ cũng buộc phải thay đổi lập trường với quốc gia nhiều dầu mỏ khác là Venezuela. Theo NPR, vào năm 2017, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Venezuela sau những cáo buộc về bầu cử thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, tham nhũng.

Các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn các ngân hàng giao dịch với chính phủ Venezuela và công ty dầu khí PDVSA của nhà nước, cũng như nhắm đến một số cá nhân thân cận với Tổng thống Maduro.

The Guardian cho biết, vào tháng trước, Nhà Trắng tuyên bố sẽ cho phép tập đoàn Chevron bắt đầu thảo luận với chính phủ Tổng thống Maduro để mở rộng hoạt động. Trong khi đó, Al Jazeera đưa tin, vào ngày 17/6, Washington tiếp tục dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với người thân của Tổng thống Venezuela nhằm khuyến khích đối thoại giữa hai chính phủ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.