|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành nào sống khỏe và ngành nào lâm nguy giữa vòng vây của lạm phát và nỗi lo suy thoái?

11:07 | 21/06/2022
Chia sẻ
Người Mỹ có vẻ vẫn đang sẵn lòng rút ví để đi du lịch, xem phim và mua phấn son. Nhưng giá cả tăng cao và nguy cơ suy thoái khiến họ cẩn trọng hơn với những khoản chi lớn, như nhà ở và xe cộ.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Cách người Mỹ tiêu tiền đang thay đổi trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc và lạm phát khiến giá cả leo thang ở khắp mọi nơi, từ trạm xăng, cửa hàng tạp hóa cho đến các cửa hàng bán đồ xa xỉ.

Chẳng hạn, thị trường nhà đất đã bắt đầu nhận thấy áp lực. Song, nhiều ngành khác từ lâu đã được coi là miễn nhiễm trước suy thoái và thậm chí còn đang phát đạt nhờ nhu cầu ăn chơi của người dân Mỹ sau khi phải nhẫn nhịn vì đại dịch.

Dưới đây là tình hình của các ngành khác nhau trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc và lạm phát tăng nóng, theo CNBC:

Rạp chiếu phim và các hãng bay trụ vững

Các buổi biểu diễn ca nhạc, phim ảnh, du lịch và những trải nghiệm mà mọi người từng bỏ lỡ trong thời đại dịch là các ngành đang ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ.

Live Nation Entertainment, công ty sở hữu nhiều địa điểm biểu diễn ca nhac, cho biết niềm yêu thích của mọi người đối với việc tham dự các buổi biểu diễn vẫn chưa hề suy giảm.

Các bộ phim bom tấn như “Jurassic World: Dominion” và “Top Gun: Maverick” cũng đạt được doanh thu phòng vé ấn tượng. Theo tờ CNBC, ngành phim ảnh từ lâu đã được nhìn nhận là “miễn nhiễm với suy thoái”, vì những ai từ bỏ các chuyến du lịch tốn kém thường vẫn có đủ tiền để ngồi rạp chiếu phim vài tiếng.

Rượu là mặt hàng khác thường được bảo vệ tốt trong thời kỳ kinh tế yếu kém. Mọi người đang hào hứng đến các quán bar sau một thời gian phải uống rượu tại nhà vì phong toả. Bất chấp giá tăng, doanh nghiệp đang cược rằng mọi người sẵn sàng trả tiền hơn cho những loại rượu tốt.

Nguyên nhân khác là do giá rượu không đi lên nhanh bằng những hàng hóa khác. Trong tháng 5, giá rượu tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, còn chỉ số giá tiêu dùng nói chung lại bật lên 8,6%.

Các hãng hàng không lớn như Delta, American và United cũng đang dự báo khả năng sinh lời trở lại nhờ nhu cầu di chuyển tăng vọt. Phần lớn người tiêu dùng vẫn chấp nhận giá vé cao hơn trước, giúp các hãng bay bù đắp giá nhiên liệu và những chi phí khác.

Nhu cầu giao lưu và xã giao của mọi người cũng đang tạo ra cú hích cho những sản phẩm như son dưỡng môi và giày cao gót. Điều này giúp ích cho doanh số tại những nhà bán lẻ như Macy’s và Ulta Beauty. Tháng trước, hai công ty đã nâng dự báo lợi nhuận cả năm.

Các thương hiệu xa xỉ như Chanel và Gucci cũng đang kinh doanh ổn định, vì giới nhà giàu không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi giá cả leo thang. 

Khách mua sắm bên trong một cửa hàng Walmart. (Ảnh: Getty Images).

Nhà đất, các mặt hàng giá trị lớn chịu áp lực 

Thị trường nhà đất sốt nóng một thời rõ ràng là đang bị tổn thương bởi sự giảm tốc kinh tế. Lãi suất gia tăng làm giảm nhu cầu vay thế chấp, hiện chỉ bằng một nửa so với năm trước. Tâm lý của các công ty xây dựng rớt xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm sau khi giảm 6 tháng liên tiếp.

Tuần vừa rồi, hai công ty bất động sản Redfin và Compass đều thông báo cắt giảm nhân sự. Ông Glenn Kelman, CEO Redfin viết trong email gửi tới nhân viên: “Với nhu cầu tháng 5 giảm mạnh hơn dự kiến 15%, chúng tôi không có đủ việc cho các môi giới và nhân viên hỗ trợ”.

Đối với ngành bán lẻ, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận mức giảm doanh số đáng ngạc nhiên 0,3% cho tháng 5 so với tháng trước. Con số này bao gồm doanh số tại các nhà bán lẻ trực tuyến và những cửa hàng khác như hàng hoa và văn phòng phẩm. 

Và tuy nhu cầu cho ô tô cũ lẫn mới vẫn mạnh mẽ, các lãnh đạo trong ngành đã bắt đầu nhận thấy dấu hiệu rắc rối. Trong bối cảnh chi phí xe mới và cũ tăng hai chữ số trong năm qua, doanh số của các đại lý xe hơi và những loại xe khác trong tháng 5 đã giảm 4% so với tháng liền trước.

Ông John Lawler, CFO Ford Motor cho biết các khoản nợ vay mua ô tô quá hạn đang bắt đầu gia tăng. Nhưng ông nói rằng đây chưa phải mối lo, vì trước đó các vụ trễ hạn khá thấp. Ông nhận xét: “Tôi nghĩ chúng tôi chỉ đang quay lại mức trung bình”.

Ngành công nghiệp nhà hàng cũng đang nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn. Một số công ty cược rằng mọi người vẫn sẽ ăn tiệm khi giá thực phẩm tươi sống ở cửa hàng tạp hoá tăng nhanh hơn so với thực phẩm đã chế biến ở nhà hàng. 

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi phí ăn ngoài hàng đi lên 7,4% trong vòng 12 tháng tính tới tháng 5. Nhưng giá đồ ăn nấu tại nhà còn tăng nhanh hơn, khoảng 11,9%. CEO của hai chuỗi đồ ăn nhanh Restaurant Brands International và Wendy’s đều nhấn mạnh khoảng cách này là lợi thế của ngành.

Nhưng hồi đầu tháng 5, CEO Chris Kempczinski của McDonald’s cho biết các khách hàng thu nhập thấp đã bắt đầu gọi món rẻ hơn hoặc giảm cỡ bánh. Với tư cách là chuỗi nhà hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo doanh thu, McDonald’s thường được coi là phong vũ biểu của toàn ngành.  

Không những thế, vào tuần đầu của tháng 6, lượng khách đến các nhà hàng trên toàn nước Mỹ đã chững lại xuống mức thấp nhất từ đầu năm 2022 đến nay, công ty nghiên cứu Black Box Intelligence cho biết. Lượng khách đi ăn nhà hàng cũng chậm lại trong tháng 5, dù doanh thu tăng 0,7% nhờ khách chi tiêu nhiều hơn.

Nhà phân tích Jeffrey Bernstein của Barclays viết trong lưu ý ngày 17/6 rằng các nhà hàng đang đẩy nhanh việc giảm giá. Đây là dấu hiệu cho thấy họ dự kiến tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ giảm tốc.

Trong số những công ty vội vã điều chỉnh theo sự thay đổi của hành vi người mua sắm có cả các đại gia bán lẻ như Target và Walmart. Target cảnh báo nhà đầu tư rằng lợi nhuận quý II sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc giảm giá các mặt hàng mà mọi người tìm mua trong đại dịch nhưng giờ không còn thích, ví dụ như các thiết bị gia dụng và đồ điện tử nhỏ.

Walmart cũng đang giảm giá các mặt hàng không còn được ưa chuộng như quần áo. Nhưng công ty cho biết họ đang giành được thị phần trong thị trường hàng tạp hóa trong bối cảnh người mua sắm tìm cách tiết kiệm.

Giang

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.