|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người dân vẫn thận trọng trong chi tiêu, giải pháp nào để cầu tiêu dùng tăng trưởng hai con số?

07:00 | 26/01/2025
Chia sẻ
Báo cáo Chiến lược đầu tư từ VNDirect dự báo, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay sẽ tăng khoảng 10-10,5% nhờ thị trường việc làm phục hồi và thu nhập thực tế được cải thiện do tăng trưởng kinh tế mở rộng, xu hướng lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng đầu tư công thực hiện tăng tốc.

Tết Nguyên đán là một trong những kỳ nghỉ lễ dài và đặc biệt của người dân trong năm. Để chuẩn bị, nhiều người dân thường dự trù một khoản ngân sách không nhỏ để đảm bảo gia đình có một cái Tết “rực rỡ”. Nhưng xu hướng này đang ngày càng thay đổi. 

Tâm lý tiêu dùng vẫn còn thận trọng

Thường xuyên đi chợ, chị Nguyễn Bích Hồng (sống tại Hà Nội) cho biết vài năm trở lại đây, chị không còn mua sắm quá nhiều đồ dùng, thực phẩm trong dịp Tết bởi nhiều các cửa hàng, siêu thị đều mở cửa từ rất sớm nên rất tiện lợi để mua sắm.

“Tôi không mua sắm gì đột biến trong những ngày Tết mà chủ yếu để giành thời gian nghỉ ngơi, tập luyện, thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng. Xu hướng mọi người ăn uống ngày càng ít hơn mà chú trọng đến chất lượng nên cũng không có gì đáng lo cả”, chị Hồng chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực quần áo thời trang) cho biết, thông thường, những tháng đầu năm sẽ rơi vào tháng Tết, xu hướng mua sắm về thời trang cũng gia tăng.

Vì vậy, doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách kích cầu thu hút khách bằng các chương trình khuyến mãi lên tới 20% hay chiến lược kinh doanh tập trung với đối tượng cụ thể cùng các bộ sưu tập phù hợp cho cưới hỏi, doanh nhân, doanh nghiệp...

Tuy vậy, sau gần nhiều tháng thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn về giá, sức mua chung có nhích lên dù chưa như kỳ vọng.

“Do kinh tế thế giới và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng, trong khi thu nhập không tăng, buộc người dân phải tiết kiệm chi tiêu…”, ông Dũng nhìn nhận.

Kết quả khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc do Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo mới công bố cũng cho thấy, tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu của năm 2024 cao hơn 2023 nhưng vẫn chưa đạt được con số tích cực như năm 2022.

Cụ thể, 66% nhà bán hàng không có sự tăng trưởng, trong đó phần lớn ghi nhận giảm doanh thu từ 10% trở lên. Họ chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp đang dùng kênh bán hàng truyền thống (bán tại cửa hàng), tỷ lệ sử dụng kênh online hoặc đa kênh thấp hơn nhóm có sự tăng trưởng doanh thu.

Nhóm nhà bán hàng không tăng trưởng doanh thu có xu hướng thận trọng trong kế hoạch 2025; 30% trong nhóm này ưu tiên duy trì hoạt động tương đương 2024 và chưa mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh.

Nguồn: Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo   

Còn theo báo cáo Chiến lược đầu tư do Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect phát hành tháng 1/2025, các xu hướng kinh tế vĩ mô tạo nền tảng cho sự gia tăng trong chi tiêu tiêu dùng, tuy nhiên tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thận trọng.

Nguyên nhân là do sự phục hồi hạn chế trong thu nhập của người tiêu dùng sau đại dịch dẫn đến nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm trong năm 2024. Trong khi đó, chỉ số việc làm trong ngành công nghiệp giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12/2024 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Các doanh nghiệp tiêu dùng và bán lẻ ghi nhận kết quả tích cực chủ yếu nhờ mức nền thấp của năm 2023”, báo cáo nêu rõ.

Tạo nền tảng cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi

Tuy nhiên, các nhà phân tích từ VNDirect cũng chỉ ra một số chỉ số tích cực đã thấy rõ như niềm tin tiêu dùng cải thiện và khả năng tiết kiệm tăng, tạo nền tảng cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi rõ ràng hơn vào năm 2025.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành sẽ tăng khoảng 10 - 10,5% vào năm 2025 (cao hơn con số 9% của năm 2024) nhờ thị trường việc làm phục hồi và thu nhập thực tế được cải thiện do tăng trưởng kinh tế mở rộng, xu hướng lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng đầu tư công thực hiện tăng tốc trong năm 2025 giúp cải thiện nhu cầu trong nước.

 “Chúng tôi cho rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ phục hồi dần trong 6 tháng đầu năm 2025, do lo ngại việc tinh gọn bộ máy có thể tạm thời ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 khi thị trường lao động khởi sắc hơn”, báo cáo nêu rõ.

Nguồn: Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT 

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Khối Tài chính Số, Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo cho rằng dù 2025 vẫn một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Theo đó, có 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025 với đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí; có 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.

Đặc biệt, mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn TMĐT (23%) và TikTok Shop (21%).

Tuy vậy, bà Hiền cho rằng, để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.

Ngoài ra, thay vì chạy theo các chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, nhà bán hàng có thể triển khai các hình thức khuyến mại nhỏ như giảm giá theo combo sản phẩm hoặc tặng quà đi kèm chi phí thấp.

“Những chương trình đơn giản nhưng nhắm đúng nhu cầu khách hàng có thể làm tăng tần suất mua sắm đáng kể. Với nhà bán hàng nhỏ lẻ, các chương trình giảm phí vận chuyển nội thành hoặc khuyến mại giờ vàng cũng có thể mang lại hiệu quả mà không cần chi tiêu quá lớn”, bà Hiền nhìn nhận.

Nguồn: Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo  

Trong Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành và lĩnh vực. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10%, phấn đấu khoảng 12%.

Để đạt được mục tiêu này, bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở.

Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân dịp tết Nguyên đán. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số.

Thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.

“Đây chính là giải pháp và dư địa tốt, góp phần thúc đẩy doanh thu ngành dịch vụ: Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Theo đó sẽ tác động lan tỏa tới các ngành dịch vụ, như: bán lẻ hàng hóa; dịch vụ vận tải và các ngành dịch khác”, đại diện Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Ngọc Bảo

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.