|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Siết chặt quản lý nhà đất: Chấm dứt lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công

21:00 | 23/01/2025
Chia sẻ
Với mục tiêu cao nhất là chấm dứt tình trạng "đất vàng bỏ hoang," khai thác tối đa nguồn lực từ tài sản này để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Nghị định 03 quy định rõ 5 hình thức xử lý nhà, đất.
 

Ngày 23/1, Bộ Tài chính thông tin về các điểm mới trong Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ với quy định về hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này đã đánh dấu bước ngoặt trong việc quản lý và sử dụng tài sản công là nhà, đất.

Quy định rõ 5 hình thức xử lý

Theo đại diện Bộ Tài chính, Nghị định số 03 không chỉ là sự sửa đổi, bổ sung dựa trên Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mà còn là phản hồi trực tiếp đối với thực trạng sử dụng nhà, đất công còn nhiều bất cập, lãng phí.

Với mục tiêu cao nhất là chấm dứt tình trạng "đất vàng bỏ hoang," khai thác tối đa nguồn lực từ tài sản này để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Nghị định quy định rõ 5 hình thức xử lý nhà, đất đồng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng phân cấp rõ ràng thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm.

 

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nhằm hướng đến mục tiêu chấn chỉnh và duy trì việc quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Quy định mới nhằm khắc phục triệt để tình trạng sử dụng đất lãng phí làm thất thoát tài sản công. Điều này góp phần khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, từ đó thúc đẩy chỉnh trang phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững. Với các quy định chặt chẽ, Nghị định số 03 được kỳ vọng sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu này trong thời gian sớm nhất.

Theo Nghị định 03, việc xử lý nhà, đất công sẽ được thực hiện theo 5 hình thức chính, mỗi hình thức được quy định chi tiết, cụ thể. Đầu tiên là giữ lại tiếp tục sử dụng, áp dụng cho các trường hợp nhà, đất đang được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch. Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý phải đảm bảo sử dụng đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng "có mà như không."

Tiếp theo là biện pháp mạnh tay thu hồi, áp dụng cho các trường hợp vi phạm, lãng phí, như nhà, đất bỏ hoang quá 12 tháng mà không có lý do chính đáng; Sử dụng nhà, đất sai mục đích, tự ý cho thuê, liên doanh, góp vốn không đúng quy định; hoặc nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng do thay đổi về tổ chức bộ máy hoặc chức năng nhiệm vụ.

Hình thức thứ ba là điều chuyển, nhà, đất sẽ được chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu sử dụng, đặc biệt ưu tiên các đơn vị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Quy trình điều chuyển được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không có lợi ích nhóm.

Thứ tư là chuyển giao về địa phương. Các trường hợp nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng hoặc không đúng mục đích sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý, xử lý. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc giải quyết tình trạng "nhà công" bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí. Và, cuối cùng là tạm giữ lại tiếp tục sử dụng, áp dụng cho các trường hợp nhà, đất đang trong quá trình xử lý, di dời theo quy định. Sau khi hoàn thành, các cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành sắp xếp lại, xử lý theo đúng quy định của Nghị định.

Ông Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ điểm đáng chú ý của Nghị định là quy định rõ ràng về việc xử lý các tài sản khác (không phải nhà, đất) có trên các cơ sở nhà, đất này. Nếu, đơn vị tiếp nhận nhà, đất có nhu cầu sử dụng, tài sản sẽ được điều chuyển hoặc chuyển giao cùng. Ngược lại, các tài sản này sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Điều này sẽ giúp đảm bảo không có sự thất thoát, lãng phí tài sản công.

Tăng cường trách nhiệm và minh bạch

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết thêm Nghị định 03 không chỉ đưa ra các quy định về hình thức xử lý, mà còn phân cấp rõ ràng thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt các phương án điều chuyển nhà, đất giữa các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sang Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đặc biệt là các trường hợp chưa có trong quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ phê duyệt các phương án điều chuyển nhà, đất giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Và, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương sẽ phê duyệt phương án đối với nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của mình. Cuối cùng, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ phê duyệt phương án đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý. Việc phân cấp thẩm quyền rõ ràng này giúp tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cấp quản lý. Điều này góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất công.

Nghị định 03/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công là nhà, đất. Với các quy định cụ thể, rõ ràng cùng cơ chế giám sát chặt chẽ, Nghị định này hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng lãng phí, thất thoát, khai thác tối đa giá trị của nhà, đất công để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

 

Hạnh Nguyễn