Điểm chung giữa chiếc cửa kính vỡ, chiến tranh và UFO: Tất cả đều giúp kích thích kinh tế?
Ngụy biện về chiếc cửa kính vỡ
Một đứa trẻ chơi bóng trong sân, vô tình làm vỡ cửa kính nhà mình. Ông bố phải bỏ tiền ra thay chiếc cửa mới.
Người hàng xóm trông thấy toàn bộ sự việc đã rút ra nhận xét: Nhờ có đứa con làm hỏng cửa nên ông bố mới phải chi tiền mua cái mới, người bán cửa có thêm thu nhập, hoạt động kinh tế tăng lên.
Đây là một trong những kiểu suy luận phổ biến trong kinh tế và đã được nhà kinh tế học người Pháp thế kỷ 19 là Frederic Bastiat đặt cho tên gọi “Ngụy biện về chiếc cửa kính vỡ”.
Đúng là người bán cửa có thêm thu nhập, nhưng gia đình với chiếc cửa bị hỏng lại mất đi một khoản chi phí. Số tiền lẽ ra có thể dùng vào những việc khác như đi xem phim, mua sách vở, sắm nội thất, … lại phải được dùng để thay chiếc cửa mới.
Việc đứa trẻ làm hỏng cửa không giúp ích gì cho xã hội hay nền kinh tế. Gia đình phải bỏ tiền ra chỉ để làm một cái cửa như cũ, không hề tạo ra thêm của cải hay giá trị gia tăng nào mới.
Thử nhìn vào một ví dụ cực đoan hơn: Một trận cuồng phong san bằng tất cả nhà cửa trong thành phố, sau đó chính quyền và người dân phải phải đầu tư hàng triệu tấn sắt thép, bê tông … để tái thiết. Liệu cơn bão đó có thể được coi là “tốt” về mặt kinh tế không (bỏ qua thiệt hại về nhân mạng)?
Lối ngụy biện theo kiểu chiếc cửa kính vỡ này rõ ràng là sai nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có người từng đoạt giải Nobel cao quý.
Chiến tranh kéo kinh tế Mỹ khỏi khủng hoảng?
Trong cuộc Đại Khủng hoảng 1929 – 1933, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có lúc vọt lên đến 25%. Tổng thống Franklin Delanor Roosevelt đã áp dụng các chính sách đầu tư công khổng lồ và tạo nhiều công ăn việc làm trong nền kinh tế nhưng đến năm 1940, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao tới 14,6%, tương đương với tháng 4/2020 khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ.
Cuối năm 1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và Mỹ bị cuốn vào Thế chiến thứ II. Hàng triệu thanh niên Mỹ nhập ngũ và tham chiến ở sa mạc Bắc Phi khô cằn, những hòn đảo ở nam Thái Bình Dương nóng ẩm, hay trong các khu rừng ở châu Âu lạnh lẽo.
Những người không nhập ngũ thì vào trong các nhà máy để sản xuất quân phục, súng đạn, máy bay, xe tăng, … cho những người nhập ngũ sử dụng. Năm 1944, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm chỉ còn 1,2% như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.
Nhiều nhà kinh tế nhìn vào sự chuyển biến trong tỷ lệ thất nghiệp này để kết luận rằng Thế chiến thứ II đã kéo nền kinh tế Mỹ thoát ra khỏi bóng ma của cuộc Đại Khủng hoảng. Nhưng làm gì có chuyện cuộc chiến tranh thảm khốc nhất lịch sử nhân loại lại “tốt” về kinh tế.
Mỹ có lợi thế so với các nước tham chiến khác do không bị bom đạn tàn phá, nhưng thiệt hại về nhân lực cũng như vật lực vẫn rất to lớn. Trong suốt Thế chiến II, Mỹ có hơn 400.000 quân nhân thiệt mạng, gần 700.000 người bị thương, mất 95.000 máy bay, 10.000 xe thiết giáp, 15 tàu sân bay, 10 tàu tuần dương, 87 tàu khu trục, …
Thử tưởng tượng bấy nhiêu con người và của cải có thể làm được bao nhiêu việc trong thời bình, giúp nâng cao sức mạnh của nền kinh tế ra sao. Nói rằng “Thế chiến II tốt cho kinh tế” tức là đã phạm phải lối ngụy biện về chiếc cửa kính vỡ, coi sự phá hoại là động lực phát triển kinh tế.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phản tác dụng
Trong vài thập kỷ gần đây, chính phủ nhiều nước công nghiệp phát triển phương Tây đã công khai tuyên chiến với tình trạng Trái Đất nóng lên và đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải CO2.
Các nhà hoạch định chính sách từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều muốn đầu tư mạnh vào các công nghệ liên quan tới năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thủy triều, … Các khoản đầu tư khổng lồ này được kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm và kích thích nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất kế hoạch chi tới 2.000 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và giảm một nửa lượng khí nhà kính trong thế kỷ 21 này.
Nhà Trắng hy vọng các doanh nghiệp sản xuất xe hơi như Ford hay General Motors sẽ chuyển từ chế tạo động cơ chạy xăng sang động cơ chạy điện. Những việc làm mất đi trong ngành khai thác than, khoan mỏ dầu, … sẽ được bù đắp bằng những việc làm mới tạo ra trong ngành sản xuất tuabin gió, lắp tấm pin mặt trời, nghiên cứu pin tích điện, …
Tuy nhiên, các nhà quản lý đã không tính tới tác động tiềm tàng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một đồng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo là một đồng vốn không thể được dùng cho nhiên liệu hóa thạch, tương tự như khi chi tiền để thay chiếc cửa kính vỡ thì không còn tiền cho việc sửa hàng rào hay mua quần áo.
Chống biến đổi khí hậu cũng chính là chống nhiên liệu hóa thạch, và hệ quả tất yếu là năng lực khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch sa sút. Nếu công suất của ngành năng lượng tái tạo không tăng đủ nhanh để bù đắp sự suy giảm của than đá, dầu thô và khí đốt, khủng hoảng năng lượng sẽ nổ ra.
Một khi đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt năng lượng, mọi người sẽ làm mọi việc chỉ với hy vọng sẽ có đủ năng lượng cho nhu cầu của mình mà không cần biết năng lượng đó đến từ đâu, bẩn hay sạch.
Nước Đức từng đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than vì thải ra nhiều tro xỉ gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, Đức chuyển sang dùng nhiệt điện khí, cũng là nhiên liệu hóa thạch nhưng sạch hơn than.
Chỉ một tuần sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, nguồn cung khí gas bị đe dọa và Đức đã phải tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than từng bị coi là quá bẩn. Các nhà máy điện gió và điện mặt trời vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đi đầu trong các nỗ lực hạn chế ngành dầu mỏ khi ông khai tử dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, dừng cấp phép thăm dò và khai thác dầu khí trên mặt đất và mặt nước của Mỹ …
Năm 2021, khi giá xăng tại Mỹ lên cao kỷ lục, ông Biden đã phải kêu gọi khối OPEC+ gia tăng sản lượng để giúp hạ nhiệt tình hình. Vừa thứ Tư tuần này, ông Biden còn viết thư cho các tập đoàn dầu khí lớn: “Các doanh nghiệp phải ngay lập tức có hành động để tăng nguồn cung xăng, dầu diesel và các sản phẩm lọc dầu khác”.
Các doanh nghiệp dầu khí bị ông Biden chặn đường mở rộng trong suốt hai năm qua, giờ đây sao có thể tăng sản lượng theo ý của ông?
- TIN LIÊN QUAN
-
Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden 17/03/2022 - 16:15
Từ cuối tháng 2/2022 đến nay, ông Biden liên tục đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vì châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine và gây ra khủng hoảng năng lượng.
Mỹ thậm chí còn chấp nhận làm thân với những nước từng bị coi là kẻ thù như Iran và Venezuela để thay thế nguồn cung bị cấm vận của Nga.
Thực tế là giá xăng tại Mỹ tăng mạnh từ trước khi Nga tấn công Ukraine và lỗi chính thuộc về các chính sách chống biến đổi khí hậu của ông Biden.
Mời người ngoài hành tinh tới giúp kích thích kinh tế
Trong 22 năm từ 1948 đến 1970, Không quân Mỹ tiến hành Dự án Sách Xanh - một cuộc điều tra tỉ mỉ về các “vận thể bay không xác định” (UFO – unidentified flying object) mà nhiều người đồn đoán là đĩa bay của người ngoài hành tinh.
Hơn 50 năm sau khi Dự án Sách Xanh kết thúc, vào tháng 5/2022, Quốc hội Mỹ bất ngờ tổ chức một cuộc điều trần để xem xét những vật thể bay bí ẩn trong không trung, chỉ có điều tên gọi lần này không phải là UFO mà là UAP (unidentified aerial phenomena), tạm dịch là hiện tượng không gian không xác định.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Andre Carson phát biểu khai mạc phiên điều trần. “Đúng là UAP vẫn chưa được giải thích tường tận, nhưng chúng có thật”. Cả Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đều đã bắt tay vào điều tra UFO, hay UAP.
Phải chăng sau chủ nghĩa phát xít và biến đổi khí hậu, chính phủ Mỹ và phương Tây lại sắp tuyên chiến với đĩa bay của người ngoài hành tinh?
Thế chiến thứ II và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã kéo theo những khoản chi tiêu khổng lồ. Nếu như đột nhiên xuất hiện một mối đe dọa không chỉ đối với sự sống còn một quốc gia hay chủng tộc mà đối với toàn thể nhân loại, mức độ đầu tư sẽ còn khủng tới mức nào?
Từ 10 năm trước, Giáo sư Paul Krugman, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế 2008, đã so sánh Thế chiến thứ II và người ngoài hành tinh về phương diện kinh tế:
“Thế chiến thứ II là giai đoạn tác động tiêu cực tới xã hội nhưng lại đưa chúng ta thoát ra khỏi Đại Khủng khoảng. Nếu bây giờ đột nhiên chúng ta phát hiện ra rằng người ngoài hành tinh chuẩn bị xâm lược và chúng ta cần phải đầu tư lượng của cải khổng lồ để đối phó với mối đe dọa này, những lo ngại về lạm phát và thâm hụt ngân sách sẽ chỉ là thứ yếu, khi đó nền kinh tế sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái hiện nay chỉ trong 18 tháng”.
“Nếu như sau khi đã đầu tư khủng, chúng ta lại phát hiện ra rằng chẳng có người ngoài hành tinh nào cả, thì chúng ta vẫn sẽ ở trong vị thế kinh tế tốt đẹp hơn hiện nay”, Giáo sư Krugman nói.
Vị chuyên gia từng đoạt giải Nobel này thậm chí còn kêu gọi các chuyên gia về vật lý thiên văn hãy bịa ra chuyện người ngoài hành tinh sắp xâm lược Trái Đất để các cơ quan chính phủ có lý do để huy động mọi nguồn lực giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
Paul Krugman là người theo trường phái kinh tế Keynes nên các quan điểm của ông cũng có nhiều điểm tương đồng với nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes.
Năm 1936, Keynes đã viết: “Chính phủ nên bỏ tiền ra thuê người dân đào hố rồi lại thuê họ lấp những cái hố đó đi” để tạo ra việc làm và thu nhập, giảm thất nghiệp trong nền kinh tế.
Chuyển hướng nguồn lực hạn hẹp vào các cuộc chiến tranh chống phát xít, chống biến đổi khí hậu, chống người ngoài hành tinh, hay để đào hố rồi lấp đi, cũng giống như một gia đình lấy những đồng tiền lẽ ra được dùng cho việc khác để sửa cửa kính vỡ. Tất cả đều không tạo ra giá trị mới, không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, và nhiều khi còn kéo theo những thiệt hại khủng khiếp.