Chiếc xe lăn của Tổng thống Roosevelt trên con đường của nước Mỹ ở Trung Đông
Đầu năm 1945 khi Thế chiến thứ 2 dần tới hồi kết, Tổng thống Mỹ Franklin Delanor Roosevelt lặn lội vạn dặm xa xôi đến thành phố Yalta trên bán đảo Crimea để gặp gỡ lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Sau khi bàn định xong trật tự thế giới, Tổng thống Roosevelt không về nước ngay mà bí mật đi tới kênh đào Suez để gặp nhà vua Abdul Aziz của Arab Saudi vào ngày 14/2. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ gặp một nhà vua Arab Saudi và chính lần hội ngộ này đã tạo nền móng cho mối quan hệ khăng khít giữa hai nước trong nhiều thế hệ sau.
Một trong những lí do khiến Roosevelt không màng khó khăn, nguy hiểm giữa thời chiến để gặp lãnh đạo Arab Saudi là vì vài năm trước đó, quốc gia Trung Đông này đã phát hiện ra những mỏ dầu khổng lồ.
Các nghiên cứu địa chất đều kết luận rằng: Trung tâm của hoạt động khai thác và sản xuất dầu thế giới sẽ sớm chuyển dịch đến Trung Đông, đặc biệt là Arab Saudi.
Hai tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ là Chevron và Texaco đang hoạt động thăm dò dầu khí tại Arab Saudi và Tổng thống Roosevelt mong rằng qua chuyến thăm của mình, nguồn cung dầu của Arab Saudi sẽ nằm gọn trong tay nước Mỹ.
Mặc dù chỉ diễn ra trong vài giờ, chuyến thăm đã mang lại những thành công ngoài mong đợi khi hai nhà lãnh đạo tỏ ra rất hợp ý nhau.
Roosevelt thời trẻ bị mắc bệnh bại liệt và phải ngồi xe lăn trong suốt nhiệm kì Tổng thống. Trong chuyến đi đến Yalta, ông mang theo hai chiếc xe lăn, một chiếc dùng chính và một chiếc dự phòng.
Khi trông thấy Quốc vương Arab Saudi đi lại khó khăn và đau đớn do những vết thương ở chân từ thời trai trẻ, Tổng thống Roosevelt đã lập tức tặng nhà vua một trong hai chiếc xe lăn của mình cùng với một máy bay DC-3.
Đáp lại thịnh tình của Tổng thống Mỹ, nhà vua Arab Saudi tặng cho Roosevelt một con dao khảm kim cương, nước hoa, trang sức ngọc trai và nhiều món đồ xa xỉ khác.
Về sau, khi nhà vua Abdul Aziz dẫn bạn bè đi tham quan cung điện nguy nga lộng lẫy của mình, ông thường chỉ vào chiếc xe lăn mà Tổng thống Roosevelt tặng và nói rằng: "Đây là vật quí giá nhất mà tôi sở hữu. Nó là món quà của một người bạn tuyệt vời - Tổng thống Roosevelt, người luôn được thánh Allah phù hộ".
Nhà vua còn coi Tổng thống Roosevelt như là "anh em sinh đôi" vì hai người có rất nhiều điểm tương đồng, cả về tuổi tác, thể chất lẫn tầm nhìn, trách nhiệm.
Trong vấn đề dầu mỏ, Mỹ đã giành thắng lợi to lớn khi nhà vua Arab Saudi quyết định sẽ kết giao và trở thành đồng minh thân cận với Mỹ thay vì với Anh.
Đến năm 1949, nhà vua Abdul Aziz đã đồng ý lắp đặt một đường ống đến biển Địa Trung Hải, cho phép dầu của Arab Saudi chảy đến các nước đồng minh của Mỹ và cho phép Không quân Mỹ vận hành một căn cứ quân sự cạnh các mỏ dầu.
Chuyến thăm của Tổng thống Roosevelt do đó đã giúp đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho nước Mỹ. Cho đến tận thế kỉ 21 ngày nay, Arab Saudi vẫn là một đồng minh thân thiết của Mỹ.
Tại sao nước Mỹ luôn lo lắng về nguồn cung dầu?
Năm 1859 tại bang Pennsylvania, một doanh nhân tên Edwin Drake trở thành người Mỹ đầu tiên khoan thành công một giếng dầu. Trong suốt vài chục năm sau đó, các mỏ dầu khác ở Texas, Oklahoma và California được tìm thấy, qua đó giúp nước Mỹ nổi lên thành một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Năm 1901, giếng dầu lớn tại Spindletop, Texas được phát hiện, giúp sản lượng dầu của Mỹ tăng gấp gần ba lần.
Chính những thùng dầu này đã đưa nước Mỹ trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Dòng xe hơi Model T năm 1908 của ông trùm tư bản Henry Ford được tiêu thụ rộng rãi là nhờ vào sự sẵn có của nhiên liệu chế biến từ dầu mỏ.
Nước Mỹ giành thắng lợi bước ngoạt trong Chiến tranh thế giới thứ 1 cũng là nhờ có nguồn dầu mỏ dồi dào. Khi giao tranh nổ ra năm 1914, các bên vẫn còn dùng những kị binh trên lưng ngựa và xe ngựa kéo. Đến năm 1918, chiến tranh dần kết thúc với từng đoàn xe tăng, xe tải, máy bay - những phương tiện chiến tranh uống dầu không biết chán.
Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của dầu mỏ đối với không chỉ nền kinh tế mà còn cả an ninh quốc phòng, các đời Tổng thống Mỹ đều đề cao nhiệm vụ tìm kiếm và đảm bảo nguồn cung dầu. Nhiệm vụ này lại càng cấp thiết khi các chuyên gia thời đó cho rằng trữ lượng dầu của Mỹ là vô cùng hạn chế.
Chẳng hạn vào năm 1919, Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính nước Mỹ sẽ cạn kiệt nguồn dầu trong vòng 10 năm sau đó. Những tiến bộ về công nghệ và nhiều mỏ dầu mới được phát hiện đã giúp đẩy lùi phần nào lo ngại về nguồn cung.
Tuy nhiên trong Chiến tranh thế giới thứ 2, ý nghĩa sống còn của dầu mỏ một lần nữa nổi lên khi nước Mỹ cung cấp tới 6 tỉ trong tổng số 7 tỉ thùng dầu mà phe Đồng minh sử dụng, đóng vai trò quan trọng trong đánh bại quân Phát xít. Sau chiến tranh, hoạt động xây dựng và phát triển đất nước lại đòi hỏi một lượng dầu mỏ khổng lồ, nước Mỹ chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu dầu.
Năm 1956, nhà địa chất nổi tiếng của Tập đoàn Shell là M. King Hubbert lại dự báo nước Mỹ sẽ khai thác hết dầu vào khoảng năm 1965-1970.
Chính những lo ngại về trữ lượng dầu kiểu này đã khiến cho nhiều đời tổng thống Mỹ, trong đó có F.D. Roosevelt tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung dầu mỏ từ nước ngoài.
Tại sao lại là dầu của Arab Saudi?
Khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới là Trung Đông, và quả thực các quốc gia ở đây đều giàu lên nhờ dầu mỏ, phụ thuộc vào nguồn thu từ bán dầu. Hai quốc gia có diện tích và trữ lượng dầu lớn nhất khu vực là Arab Saudi và Iran.
Mỹ từng kết thân với cả hai cường quốc này, cũng như các nước khác trong khu vực như Jordan, Kuwait và Israel.
Để có được nguồn cung dầu ổn định lâu dài từ Trung Đông, Mỹ xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với các nước trong khu vực bằng cách đồng ý bán nhiều loại vũ khí hiện đại.
Phải nhấn mạnh rằng quan hệ ở đây là "mua bán" - tiền bạc sòng phẳng, không phải "xin cho" hay "viện trợ". Nhưng như vậy cũng đủ thể hiện tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ Mỹ - Trung Đông. Không phải cứ có tiền là mua được vũ khí của Mỹ, chỉ những nước đồng minh thân thiết mà Mỹ tin tưởng mới được phép mua.
Iran từng đặt hàng mua 80 chiếc máy bay chiến đấu F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ và đã được bàn giao 79 chiếc.
Ngoài vai trò nhà cung cấp dầu, Iran còn có chung đường biên giới dài với Liên bang Xô viết. Mỹ cho rằng bán vũ khí cho Iran là cách để chặn sự bành trướng của Liên xô cũng như chủ nghĩa cộng sản, bảo vệ giếng dầu của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng tuyên bố Mỹ sẽ "bán cho Iran gần như bất kì vũ khí truyền thống nào (không phải vũ khí hạt nhân) mà Iran muốn".
Tuy nhiên năm 1979 cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran, Nhà vua thân Mỹ Mohammed Reza Pahlavi bị lật đổ, chính quyền mới của giáo sĩ Ayatollah Khomeini lại mang tư tưởng chống Mỹ kịch liệt.
Vì vậy mà Mỹ không bàn giao chiếc F-14 cuối cùng, dừng cung cấp dịch vụ bảo trì cho 79 chiếc đã bán, áp đặt lệnh cấm vận kinh tế và cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Iran. Quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng liên tục trong 40 năm qua và bùng phát dữ dội sau khi Tổng thống Trump ra lệnh hạ sát một tướng lĩnh cấp cao của Iran ngày 2/1/2020 vừa qua.
Quay lại năm 1979, biến cố ở Iran đã thúc đẩy Mỹ và Saudi Arabia xích lại gần nhau hơn. Mỹ càng thêm phụ thuộc vào nguồn dầu của Arab Saudi còn Arab Saudi lại càng cần vũ khí và huấn luyện quân sự của Mỹ để đối phó với một láng giềng Iran thù địch.
Dầu mỏ và súng đạn: Mỹ và Trung Đông sẽ còn gắn bó lâu dài với nhau
Tháng 6/1967, chiến tranh nổ ra tại Trung Đông giữa Israel và các nước Ả Rập láng giềng. Cuộc chiến đặt Mỹ vào tình cảnh khó xử vì cả hai bên đều là đồng minh của Mỹ. Sau khi cân nhắc, Tổng thống Lyndon Johnson quyết định bán máy bay phản lực chiến đấu cho Israel.
Chỉ diễn ra trong 6 ngày nhưng cuộc đụng độ này vô cùng đẫm máu với hàng chục nghìn binh sĩ thiệt mạng.
Chỉ 6 năm sau, ngọn lửa chiến tranh lại bùng phát giữa Israel và các nước Ả Rập trong khu vực. Lần này, Mỹ gửi hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài quân sự tới giúp Israel. Để đáp trả hành động này của Mỹ, các nước Ả Rập - dẫn đầu là Arab Saudi quyết định cắt đứt nguồn cung dầu mỏ đến Mỹ.
Nước Mỹ lập tức rơi vào khủng hoảng năng lượng, các cây xăng khô cạn - không còn gì để bán cho lái xe, các hãng hàng không phải cắt giảm số chuyến bay, nhiều nhà máy xí nghiệp buộc phải đóng cửa. Chỉ trong ba tháng của năm 1973, giá một thùng dầu tăng từ 3 USD lên gần 12 USD (tương đương khoảng 75 USD ngày nay).
Nguồn cung dầu mỏ được nối lại sau khi Mỹ đứng ra làm trung gian dàn xếp thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập. Tuy nhiên để hâm nóng lại quan hệ với các nước đồng minh Ả Rập, Mỹ phải đồng ý bán khối lượng vũ khí khổng lồ.
Động thái này thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ giữa các nước đồng minh với nhau. Vũ khí hiện đại của Mỹ như máy bay phản lực, tên lửa, xe tăng … thường đi kèm với nhiều năm đào tạo nhân lực và dịch vụ bảo trì. Vì vậy việc Mỹ bán vũ khí cho một nước nào đó, chẳng hạn như Arab Saudi, cho thấy Mỹ có cam kết hợp tác lâu dài.
Quan hệ đồng minh Mỹ - Arab Saudi càng thêm thân thiết sau khi Iran từ bạn thành thù sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.
Cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 còn thúc đẩy nước Mỹ nỗ lực tạo dựng sự độc lập về năng lượng để chấm dứt phụ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài. Hàng loạt chính sách được áp dụng liên quan tới các biện pháp tiết kiệm tiêu thụ nhiên liệu và phát triển năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên trong thực tế, các biện pháp này không thay đổi căn bản tương quan cung - cầu năng lượng của nước Mỹ. Khi nhu cầu liên tục đi lên, Mỹ chỉ đơn giản tăng cường nhập khẩu từ Trung Đông và các khu vực khác.
Đến khoảng một thập kỉ trở lại đây, Mỹ vươn lên trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhờ công nghệ khai thác từ đá phiến, lượng dầu nhập khẩu giảm đi rõ rệt. Theo thống kê của Bloomberg, năm 2019, chỉ khoảng 5% dầu mỏ từ Trung Đông đi qua Eo biển Hormuz là đến nước Mỹ, trong khi khu vực châu Á tiêu thụ tới 80%.
Phát biểu trưa 8/1 sau khi Iran phóng loạt tên lửa vào căn cứ quân sự có lính Mỹ ở Iraq, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định chắc nịch: "Nước Mỹ không cần dầu của Trung Đông".
Điều này không hoàn toàn đúng. Mỹ vẫn là nước mua dầu thô từ khu vực Trung Đông nhiều thứ 5 thế giới.
Hơn nữa, dầu thô là mặt hàng được giao dịch rộng rãi trên khắp thế giới nên một khi biến cố xảy ra ở Trung Đông, giá dầu và các chế phẩm dầu ở các khu vực khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, cho dù khu vực đó có mua dầu của Trung Đông hay không.
Hồi tháng 9/2019, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng 15% trong một phiên sau khi hai cơ sở sản xuất và chế biến dầu của Arab Saudi bị máy bay không người lái tấn công. Giá xăng ở Mỹ cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn hai năm gần đây.
Tổng thống Trump khi đó đã phải ra lệnh sử dụng đến dầu trong kho dự trữ chiến lược quốc gia để bình ổn giá. Arab Saudi nhanh chóng tuyên bố trấn an rằng nguồn cung vẫn sẽ được duy trì ổn định và thực tế vương quốc này đã giữ đúng lời hứa, tuy nhiên cũng phải mất đến ba tháng sau, giá xăng ở Mỹ mới quay trở lại thời điểm trước cuộc tấn công.
Tổng thống Trump thích tuyên bố cứng rắn rằng Mỹ không cần dầu của các nước Trung Đông, nhưng đó vẫn chỉ là giấc mơ chưa trở thành hiện thực và Mỹ vẫn phải duy trì quan hệ hữu hảo với Arab Saudi mà Tổng thống Roosevelt đặt nền móng xây dựng.