|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ứng viên Tổng thống hàng đầu nước Mỹ đăng khẩu hiệu tranh cử bằng tiếng Việt và những đối lập chan chát với ông Trump

07:16 | 16/02/2020
Chia sẻ
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hiện nay đang là ứng viên dẫn đầu Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ 2020. Những quan điểm chính sách nổi bật của ông như chào đón người nhập cư, mở rộng An Sinh Xã Hội hay nâng thuế với doanh nghiệp và giới siêu giàu ... khiến Bernie Sanders là hình ảnh trái ngược hoàn toàn với Tổng thống Trump.

Dẫn đầu cuộc đua của Đảng Dân chủ và chiến thắng tại New Hampshire

Ngày 13/2 vừa qua, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ tại bang New Hampshire với 26% phiếu bầu.

Các cuộc khảo sát mới nhất của Monmouth, Quinnipiac và NBC/WSJ đều cho thấy Bernie Sanders hiện nay là ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, theo sau là các ứng viên nặng kí khác như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và tỉ phú truyền thông Michael Bloomberg.

Đương kim Tổng thống Donald Trump cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa tại New Hampshire với tỉ lệ phiếu bầu áp đảo 83%.

Ứng viên Tổng thống hàng đầu nước Mỹ đăng khẩu hiệu tranh cử bằng tiếng Việt và những đối lập chan chát với ông Trump - Ảnh 1.

Bernie Sanders là Thượng nghị sĩ độc lập (không theo đảng nào) nhưng khi tranh cử Tổng thống, ông luôn cố gắng giành lấy đề cử của Đảng Dân chủ vì quan điểm chính trị của ông gần với Đảng Dân chủ hơn nhiều so với Đảng Cộng hòa.

Bernie Sanders và Donald Trump: Đối lập như nước với lửa

Nói về quan điểm chính trị, Bernie Sanders và Donald Trump là hai địch thủ không đội trời chung và có tư tưởng trái ngược nhau trong hầu như tất cả chính sách lớn.

Tổng thống Trump từ lâu đã thể hiện tâm lí bài ngoại, chống lại người nhập cư. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lại ủng hộ và sẵn sàng đón nhận dân nhập cư. Ông cũng đặc biệt chú trọng tới việc tranh thủ sự ủng hộ của đối tượng cử tri thiểu số là người nhập cư tại Mỹ.

Bằng chứng là trang Facebook tranh cử của Bernie Sanders thời gian gần đây thường xuyên đăng tải các khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật, … chứ không chỉ bằng tiếng Anh như những ứng viên khác thường làm.

Các khẩu hiệu bằng tiếng Việt trên Facebook của Thượng nghị sĩ - Ứng viên tranh cử Tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ Bernie Sanders.

Chẳng hạn ngày 15/1 năm nay, ông lần đầu đăng khẩu hiệu tiếng Việt "Quyền được chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của con người". Dòng chữ này được đưa vào định dạng ảnh nên tiện ích biên dịch của Facebook không nhận diện và dịch ra tiếng Anh được, làm nhiều người Mỹ ủng hộ ông cảm thấy bối rối.

Tuy nhiên cộng đồng người nói tiếng Việt, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, tỏ ra khá bất ngờ và thích thú khi với hành động này Thượng Nghị sĩ bang Vermont. Có người đã dịch câu khẩu hiệu ra tiếng Anh cho nhiều người khác cùng hiểu.

Đến ngày 6/2, Bernie Sanders tiếp tục đăng khẩu hiệu bằng tiếng Việt: "Với Medicare cho Mọi người – Tất cả đều được bao trả!" bao gồm chi phí khám răng, máy trợ thính, khám mắt và kính.

Medicare là một chính sách của Mỹ tương tự bảo hiểm y tế của Việt Nam, có nhiều chi phí khám chữa bệnh không được chính sách này chi trả. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì cam kết nếu ông trở thành Tổng thống, toàn bộ chi phí y tế của người dân sẽ được bao trả, chính sách Medicare khi đó sẽ có tên Medicare-for-All (Medicare cho Mọi người).

Ngày 30/1, Bernie Sanders đăng khẩu hiệu "Bảo vệ và mở rộng quyền lợi An Sinh Xã Hội", cho thấy ông muốn nâng cao các khoản hỗ trợ cho người già, về hưu, khuyết tật, …

Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa nói chung thường muốn cắt giảm ngân sách cho bảo hiểm y tế và An Sinh Xã Hội, đồng thời giảm thuế suất đối với doanh nghiệp và những người thu nhập cao.

Cụ thể, tháng 12/2017, Tổng thống Trump và quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế, đưa mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cao nhất từ 35% xuống còn 21%.

Theo một thống kê của Bloomberg mới đây, nhờ được ông Trump giảm thuế mà chỉ riêng 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs và Morgan Stanley) đã tiết kiệm được thêm 32 tỉ USD trong hai năm 2018-2019. 

Người được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách giảm thuế của ông Trump là các cổ đông lớn do họ được chia một phần lợi nhuận. Dư nợ cho vay của 6 nhà băng trên không thay đổi so với năm 2017, tức là đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế đã không thúc đẩy các nhà băng cho vay để giúp doanh nghiệp đầu tư hay tạo ra thêm việc làm.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders muốn nâng thuế suất để có nguồn thu chi trả cho các chương trình Medicare và An Sinh Xã Hội (Social Security).

Bernie Sanders là khắc tinh của giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ?

Bernie Sanders muốn đưa thuế suất TNDN quay về mức 35% trước đây. Ông cũng đề xuất nâng thuế suất thu nhập cá nhân (TNCN) cao nhất từ 37% hiện nay lên 52%. 

Ngoài đánh thuế thu nhập, ứng viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ này còn đề xuất đánh thuế tài sản (wealth tax) đối với top 0,1% gia đình giàu có nhất nước Mỹ.

Cụ thể, theo bản kế hoạch của Bernie Sanders, phần tài sản ròng từ 32 đến 50 triệu USD của một cặp vợ chồng sẽ bị đánh thuế 1% mỗi năm, với tài sản ròng từ 50 đến 250 triệu USD, thuế suất là 2%, … Thuế suất sẽ lũy tiến lên theo qui mô tài sản ròng và mức cao nhất là 8% đối với phần tài sản trên 10 tỉ USD.

Bernie Sanders gọi đây là một phần của kế hoạch tái phân phối thu nhập và của cải, giải quyết tình trạng bất bình đẳng về kinh tế tại Mỹ.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren – một ứng viên Tổng thống khác của Đảng Dân chủ - cũng có kế hoạch tăng thuế thu nhập và đánh thuế tài sản ròng của giới siêu giàu tương tự như Bernie Sanders. Hiện nay nước Mỹ không có chính sách đánh thuế tài sản như hai chính trị gia này đề xuất.

Vì những quan điểm chính sách "cực tả" (extreme left) này mà cả hai Thượng nghị sĩ Sanders và Warren đều không được lòng lãnh đạo các doanh nghiệp và người giàu tại Mỹ.

Theo thống kê của MarketWatch ngày 13/2, không có bất kì CEO nào của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 của Mỹ quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Sanders và Warren.

Và nếu các CEO này có quyên góp thì nhiều khả năng Bernie Sanders cũng sẽ không nhận. Tháng 7/2019, chiến dịch tranh cử của ông đã tuyên bố sẽ trả lại mọi khoản tiền quyên góp tranh cử của các công ty bảo hiểm và dược phẩm.

Bernie Sanders cho rằng chính các doanh nghiệp bảo hiểm và dược phẩm đang cấu kết với nhau và tác động lên chính sách, làm tăng chi phí khám chữa bệnh của người dân Mỹ. Để có thể bao trả toàn bộ tiền khám chữa bệnh của người dân, Bernie Sanders đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối đầu với các tập đoàn dược phẩm và bảo hiểm Mỹ.

Năm 2015 khi Bernie Sanders chạy đua vào ghế Tổng thống lần đầu tiên, CEO của công ty dược phẩm Turing Pharmaceuticals là Martin Shkreli muốn đóng góp 2.700 USD cho chiến dịch tranh cử của ông. Turing Pharmaceuticals chính là công ty đã nâng giá một loại thuốc trị tiểu đường phổ biến từ 13,5 USD lên 750 USD một viên, tức tăng hơn 55 lần.

Bernie Sanders đã từ chối khoản quyên góp của Martin Shkreli – người sau đó phải vào tù và bị đặt cho biệt danh là "CEO bị căm ghét nhất nước Mỹ".

Ông Lloyd Blankfein - Cựu Chủ tịch ngân hàng đầu tư Goldman Sachs không ngần ngại thể hiện thái độ thù địch đối với Bernie Sanders: "Sanders sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ và chẳng thèm quan tâm tới quân đội".

Đương nhiệm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - người từng làm việc tại Goldman Sachs hồi năm 2002 - cũng đồng ý với quan điểm trên: "Tôi nghĩ Lloyd Blankfein nói quá đúng, không thể đúng hơn được nữa".

Theo cập nhật của OpenSecrets.org, đến nay Bernie Sanders đã huy động được gần 108 triệu USD tiền ủng hộ tranh cử, gần 56% trong số này đến từ các khoản đóng góp nhỏ (giá trị dưới 200 USD).

Ngược lại, Tổng thống Donald Trump huy động được 232 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình và chỉ gần 21% trong số này đến từ các khoản quyên góp nhỏ.

Đức Quyền, Kiên Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.