Ngồi nhà chơi hay đi làm cũng được tiền: Ý tưởng lạ đột ngột lên ngôi, được loạt tỉ phú giơ hai tay ủng hộ
"Thu nhập cơ bản phổ quát" là gì?
Trong mọi xã hội luôn tồn tại một nhóm công dân không tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập quá thấp và do vậy phải sống trong nghèo khổ cùng cực. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để hỗ trợ những người này, trong đó phổ biến và hiển nhiên nhất là cung cấp các khoản phúc lợi xã hội, dưới dạng tiền mặt hoặc sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Chẳng hạn, người thất nghiệp có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người nghèo được hưởng trợ cấp hộ nghèo, được mua hàng giảm giá trong dịp lễ tết, được miễn giảm học phí, được miễn giảm thuế hay các khoản đóng góp cho nhà nước …
Vấn đề với kiểu hỗ trợ này là rất rõ ràng: Xã hội bị chia ra làm hai nhóm đối tượng: Một nhóm đi làm kiếm tiền đủ nuôi sống bản thân và đóng thuế, và một nhóm kia gồm những người sống nhờ vào tiền của người khác, phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước, …
Xã hội vì thế mà tồn tại sự ghen tức, căng thẳng và xung đột. Những người đi làm và kiếm ra tiền sẽ tự hỏi tại sao mình lại phải nuôi những kẻ "ăn bám" kia, tại sao một phần thu nhập và của cải của mình lại bị chuyển cho những người "ăn không ngồi rồi" không lao động, hoặc không lao động đủ để tự lo cho bản thân?
Người nghèo cần được giúp đỡ, nhưng ai sẽ là người trả cho khoản giúp đỡ đó?
Một phương án là đánh thuế các doanh nghiệp và tập đoàn lớn vì họ là những người hiện không thuê mướn đủ lao động khiến cho nhiều người thất nghiệp, hoặc họ thuê nhiều lao động nhưng chỉ trả "đồng lương chết đói" khiến những lao động này phải sống trong nghèo khó.
Các doanh nghiệp đương nhiên không muốn đóng khoản thuế này và với nguồn lực khổng lồ trong tay, họ có thể dễ dàng "vận động hành lang" (lobby) các chính trị gia để thay đổi chính sách thuế theo hướng có lợi cho mình.
Chính những bất cập nói trên của hệ thống phúc lợi xã hội đã dẫn tới sự ra đời của ý tưởng "thu nhập cơ bản phổ quát" (universal basic income – UBI)
Trong hệ thống UBI, xã hội không bị chia ra thành hai nhóm người chi tiền và nhận tiền như đối với hệ thống phúc lợi. Thay vào đó, mọi thành viên trong xã hội, mọi công dân đều được nhận một số tiền ngang nhau, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, có việc làm hay thất nghiệp, …
Cách làm này không gây ra tình trạng chia rẽ và ghen tức trong xã hội vì tất cả cùng nhận được một số tiền ngang nhau.
Thu nhập cơ bản phổ quát: Từ ý tưởng đến thử nghiệm và thực tế
Năm 1962, nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman đã viết: "Chúng ta nên thay thế mấy chương trình phúc lợi xã hội lẻ tẻ bằng một chương trình hỗ trợ thu nhập bằng tiền mặt mang tính toàn diện". Milton Friedman gọi chương trình hỗ trợ thu nhập này với cái tên "thuế thu nhập cá nhân âm", tức là thay vì các cá nhân phải đóng tiền cho chính phủ thì chính phủ phải đưa tiền cho người dân.
Năm 1967, Martin Luther King, Jr. nói "Tôi nhận thấy phong trào dân quyền hiện nay cần được tổ chức theo hướng đảm bảo một mức thu nhập tối thiểu hàng năm".
Tổng thống Richard Nixon cũng từng có ý định thử nghiệm một chương trình thu nhập cơ bản với 8.500 người dân Mỹ; tuy nhiên sau đó một cố vấn mang tư tưởng bảo thủ là Martin Anderson đã thuyết phục ông từ bỏ kế hoạch.
Năm 2017, tỉ phú, nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates nói: "Theo thời gian, các quốc gia sẽ đủ giàu có để cung cấp thu nhập cơ bản phổ quát"
Cũng năm 2017, tỉ phú Elon Musk thì cảnh báo các quốc gia cần đặc biệt chú ý tới sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và các tiến bộ công nghệ khác vì chúng sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Và sẽ đến một lúc nào đó "chúng ta phải có một hệ thống thu nhập cơ bản phổ quát. Tôi không nghĩ là chúng ta có lựa chọn nào khác", Elon Musk nói.
Tỉ phú, nhà sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg thì nói: Chúng ta nên tìm hiểu những ý tưởng như thu nhập cơ bản phổ quát để đảm bảo rằng tất cả đều có một "tấm đệm" phòng ngừa rủi ro để sẵn sàng thử những ý tưởng mới".Đây không phải là tư tưởng quá đột phá hay mới mẻ, vì đã được nhiều nhân vật nổi tiếng đề xuất và thử nghiệm ở một số quốc gia.
Từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018, Phần Lan chọn ngẫu nhiên 2.000 người không có việc làm trong độ tuổi 25-58 trên cả nước rồi hàng tháng cấp cho mỗi người 560 euro (khoảng 635 USD) tiền mặt.
Mục đích của thí nghiệm này là tìm ra các cách mới để phân phối nguồn tiền an sinh xã hội do hệ thống phúc lợi của Phần Lan hiện thời bị cho là quá nhiêu khê và khiến nhiều người không có động lực làm việc. Thí nghiệm đã kết thúc nhưng phải đến đầu năm 2020 báo cáo đánh giá đầy đủ tác động của thí nghiệm này mới được công bố.
Một số nơi khác trên thế giới không dừng lại ở mức thí nghiệm mà "làm thật" luôn. Tại Mỹ, năm 1982 bang Alaska thành lập Quĩ Đầu tư Thường trực Alaska (Alaska Permanent Fund). Nguồn tiền cho quĩ này đầu tư được lấy từ việc đánh thuế dầu mỏ tìm thấy trong bang.
Tính đến này 30/4/2019, giá trị của quĩ này là 65,3 tỉ USD, trong đó tiền gốc là 46,3 tỉ USD, phần lợi nhuận là 19 tỉ USD.
Trụ sở Quĩ đầu tư thường trực Alaska. Ảnh: KTUU.com
Trong gần 4 thập kỉ từ năm 1982 đến nay, số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư của Quĩ hàng năm được chia đều cho mọi người dân Alaska.
Số tiền cụ thể mỗi người dân nhận được thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào biến động giá dầu. Năm thấp nhất, một người Alaska được 331 USD. Năm 2015 khi giá dầu mỏ lên cao, mỗi người Alaska nhận 2.072 USD, tức là một gia đình gồm 4 thành viên (cha mẹ và hai con) sẽ được nhận gần 8.300 USD.
Theo hãng tin BBC, trung bình từ 1982 đến nay, mỗi người dân Alaska được nhận mức thu nhập cơ bản phổ quát (UBI) khoảng 1.000 USD một năm.
Những lập luận trái chiều
Lập luận phản đối mạnh mẽ nhất đối với chính sách UBI là: Nếu mọi công dân đều nhận được một số tiền bằng nhau, nhiều người sẽ không muốn làm việc. Tại sao lại phải đi làm trong khi ở nhà xem TV cũng được tiền? Do vậy, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, năng lực sản xuất của nền kinh tế giảm xuống và xã hội nói chung sẽ trì trệ.
Hai nhà kinh tế học là Giáo sư Damon Jones (Đại học Chicago) và Giáo sư Ioana Marinescu (Đại học Pennsylvania) năm 2018 đã kiểm chứng giả thuyết này bằng cách nghiên cứu trường hợp bang Alaska và đưa ra kết luận: Chính sách thu nhập cơ bản phổ quát không làm thay đổi nguồn cung lao động trong bang, đồng thời phát hiện ra rằng tỉ lệ người dân làm việc bán thời gian (part-time) tăng 1,8 điểm phần trăm.
Vậy những lập luận ủng hộ UBI trong trường hợp Alaska là gì?
- Theo lập luận của Alaska, dầu mỏ là tài nguyên của chung người dân trong bang và do vậy nên được dùng để phục vụ lợi ích chung của người dân, chứ không phải chỉ làm lợi cho một số ít cá nhân, tập đoàn khai thác dầu mỏ. Việc đánh thuế khai thác dầu mỏ rồi dùng tiền đó đầu tư và trả thu nhập cơ bản phổ quát UBI cho tất cả người dân là hoàn toàn hợp lí.
- UBI cũng giúp giảm bất bình đẳng thu nhập. Chẳng hạn ban đầu, một người nghèo có thu nhập 1.000 USD/tháng và một người giàu có thu nhập 100.000 USD/tháng, chênh lệch thu nhập là 100 lần. Sau khi nhận UBI tương đương 1.000 USD, thu nhập của hai người lần lượt là 2.000 USD và 101.000 USD, mức chênh chỉ là 50,5 lần.
- UBI còn góp phần loại bỏ tình trạng nghèo cùng cực vì giờ đây người nào cũng chắc chắn có một mức thu nhập tối thiểu để duy trì cuộc sống. Đặc biệt trong trường hợp Alaska năm 2015, thu nhập hơn 8.000 USD cho một gia đình không phải là con số nhỏ.
- Tiết kiệm chi phí triển khai. Nhà nước không cần nhiều nhân lực tiếp nhận, soát xét, lưu trữ, … nhiều loại giấy từ thủ tục để xác định người dân có đáp ứng tiêu chuẩn nhận trợ cấp hay không; thay vào đó, bất cứ công dân nào cũng được nhận UBI, không có điều kiện nào khác.
- Những người nhận UBI có thể mạnh dạn hơn khi có ý định khởi nghiệp do luôn có một khoản thu nhập tối thiểu giúp duy trì cuộc sống dù thành công hay thất bại.
Những gì mà Alaska đã làm,các bang khác của nước Mỹ hay các quốc gia khác đều có thể làm được. Dù không có dầu mỏ, các chính quyền có thể thu thuế đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sở hữu tài sản tài chính (thuế Tobin đối với cổ phiếu, trái phiếu, …).
Tại sao ý tưởng về UBI lại lên ngôi trong thời gian gần đây?
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những tiến bộ trong khoa học kĩ thuật, tự động hóa và toàn cầu hóa đang nhanh chóng thay đổi một cách căn bản thị trường lao động, đòi hỏi các chính phủ phải hành động nhanh chóng và quyết đoán để hạn chế những tác động tiêu cực. Bằng không, tình trạng căng thẳng trong xã hội và xung đột giai cấp sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.
OECD dự báo trong hai thập kỉ tới, gần một nửa số việc làm trong nền kinh tế thế giới có thể sẽ biến mất hoặc bị thay đổi hoàn toàn.
Tác động của tự động hóa, tiến bộ công nghệ đối với thị trường lao động trong tương lai: Tỉ lệ % việc làm bị ảnh hưởng. Nguồn: OECD/Bloomberg.
Mark Zuckerberg - CEO của Facebook cũng đưa ra dự báo tương tự: "Thế hệ chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề hàng chục triệu việc làm bị thay thế bởi tiến bộ trong tự động hóa chẳng hạn như xe tự lái".
Tiến bộ khoa học kĩ thuật làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất nhưng đồng thời cũng tạo ra tình trạng dư thừa lao động. Nhiều phát minh mới được quảng cáo là "công nghệ tiết kiệm lao động" (labor-saving technology) nhưng người lao động hiện nay không làm việc ít đi so với trước đây mà ngày làm việc lại có xu hướng kéo dài ra, thêm mệt mỏi.
Chúng ta đều chứng kiến tác động của tự động hóa trong vài thập kỉ qua. Trước đây những dây chuyển sản xuất cũ cần hàng trăm, hàng ngàn công nhân thì giờ đây một hệ thống hiện đại được điều khiển bằng máy tính chỉ cần vài kĩ sư giám sát.
Khi một cỗ máy hiện đại ra đời, nhu cầu đối với hàng ngàn việc làm sẽ biến mất. Một số lao động không nhỏ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, số khác cần được đào tạo, trang bị thêm kiến thức để có thể nỗ lực tìm kiếm những việc làm mới.
Tuy nhiên theo OECD, những lao động dễ bị tác động bởi tự động hóa và tiến bộ khoa học nhất lại nhận được ít đào tạo nhất.
Những lao động gặp rủi ro mất việc lớn nhất vì tự động hóa, cần được đào tạo nhất lại chính là những người có ít đào tạo nhất. Nguồn: Bloomberg, OECD.
Một lãnh đạo OECD nhận định: "Những thay đổi sâu sắc và căn bản đang dần hiện ra, mang lại những cơ hội lớn lao mới nhưng đồng thời cũng đem đến sự bất định cho những người không có đủ hành trang để nắm bắt các cơ hội đó".
Báo cáo của OECD khuyến nghị các chính phủ tăng cường đào tạo và mở rộng các chính sách hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động đồng thời cảnh báo những "hệ quả tiêu cực" đối với sự gắn kết trong xã hội.
Tựu chung, sẽ có hàng triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của các tiến bộ khoa học kĩ thuật và nếu không có biện pháp giải quyết, hỗ trợ thỏa đáng, tình trạng này có thể trở thành mối đe dọa đối với chính quyền nhiều nước, gây bất ổn đối với hệ thống kinh tế tư bản nói chung.
Vượt lên trên thu nhập cơ bản phổ quát
Giả sử một nhà máy mang về một dây chuyển sản xuất mới làm cho năng suất lao động tăng gấp đôi, lúc này để sản xuất số sản phẩm như cũ, nhà máy chỉ cần một nửa số công nhân, nửa còn lại bị sa thải. Lợi nhuận của chủ doanh nghiệp đột ngột tăng vọt do chi phí nhân công vừa giảm một nửa, họ là người hưởng lợi lớn nhất từ tiến bộ khoa học kĩ thuật.
Nhưng những công nhân mới mất việc phải đi tìm việc mới, nếu vướng bận cha mẹ già, con cái nhỏ hay không có khoản tiết kiệm đáng kể, họ có thể phải vội vàng nhận một công việc với thu nhập thấp hơn trước, hay làm tạm một công việc bán thời gian, … Nhiều người trong số này từ chỗ có việc làm nuôi sống gia đình trở thành nghèo khó và cần được hỗ trợ bằng phúc lợi xã hội hay thu nhập cơ bản phổ quát từ chính phủ.
Liệu có một phương án nào giúp xã hội vừa gia tăng năng suất vừa không đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp? Làm sao để toàn thể người lao động trong nền kinh tế cùng được hưởng lợi từ các tiến bộ khoa học kĩ thuật?
Lại giả sử một nhà máy mang về một dây chuyển sản xuất mới làm cho năng suất lao động tăng gấp đôi, nhưng thay vì sa thải một nửa số công nhân, nhà máy này quyết định tất cả công nhân chỉ làm việc một nửa thời gian so với trước, thu nhập vẫn giữ nguyên. Chẳng hạn làm 3 ngày một tuần thay vì 6 ngày một tuần, hay 4 giờ một ngày thay vì 8 giờ một ngày.
Lúc này, tất cả người lao động củng được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học kĩ thuật thông qua việc có thêm thời gian rảnh rỗi để tùy ý sử dụng, có thể là vui vầy bên gia đình, theo đuổi các sở thích cá nhân hoặc nhận làm thêm một công việc khác nếu muốn …
Và khi lợi ích thuộc về đông đảo người lao động – chứ không phải một số ít lãnh đạo, người lao động sẽ càng tích cực đưa ra sáng kiến, cải tiến để nâng cao năng suất và có thêm thời gian rảnh rỗi cho bản thân và gia đình, bạn bè.
Để có thể đưa ra quyết định này thì doanh nghiệp phải do người lao động làm chủ, và thực tế thì các cổ đông, người góp vốn mới là chủ doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế tư bản.
Tuy nhiên loại hình doanh nghiệp do người lao động làm chủ (workers self-directed enterprise hay WSDE) cũng đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.
Tại Vương Quốc Anh năm 2018 có 7.226 doanh nghiệp WSDE, mang về doanh thu 36,1 tỉ bảng Anh, tăng 700 triệu bảng so với năm 2017. Số lượng người lao động lên tới 13,1 triệu người, tương đương 1/5 dân số toàn Vương quốc Anh.
Trên khắp thế giới, số lượng doanh nghiệp WSDE lên tới con số 3 triệu. Các doanh nghiệp này có qui mô lớn nhỏ rất khác nhau nhưng có chung đặc điểm là người lao động đồng thời là cổ đông sở hữu 100% doanh nghiệp. Một trong những doanh nghiệp do người lao động làm chủ lớn nhất thế giới là Tập đoàn Mondragon ở phía bắc Tây Ban Nha với hơn 80.000 nhân viên kiêm cổ đông làm việc tại 266 công ty con và chi nhánh, tạo ra 12 tỉ euro doanh thu mỗi năm.