|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiền bạc trải đầy trên đường đua vào ghế Tổng thống Mỹ 2020

13:44 | 16/02/2020
Chia sẻ
Với ba tỉ phú tham gia tranh cử, nhiều khả năng số tiền chi trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ vượt qua tất cả những lần chạy đua trước đây.
Chi tiêu trong tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể sẽ phá vỡ các kỉ lục trước đó - Ảnh 1.

Tính cả tổng thống Donald Trump, có đến ba tỉ phú đang tranh cử để trở thành ông chủ Nhà Trắng. Ảnh: abcNews.

Theo tờ Bloomberg, với việc có đến ba nhà tỉ phú trong số các ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2020, các chiến dịch tranh cử, đảng phái chính trị và các nhóm ngoài cuộc có lẽ sẽ tiêu tốn những món tiền khổng lồ, phá vỡ các kỉ lục trước đó. 

Và điều này chắc chắn sẽ được thực hiện cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn khôn ngoan, biết cách tận dụng các qui định của tòa án và công nghệ mới.

1. Mỹ có giới hạn số tiền được sử dụng trong tranh cử tổng thống không?

Câu trả lời là có. Nhưng chúng không áp dụng cho các ứng viên giàu có tự tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của mình.

Hai tỉ phú là cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg và cựu quản lí quĩ đầu cơ Tom Steyer đang chi tiêu mạnh tay để trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ. Cả hai đều muốn thách thức Tổng thống Donald Trump, người cũng là một tỉ phú

(Ông Michael Bloomberg là người sáng lập và cổ đông lớn nhất của Bloomberg LP, công ty mẹ của tờ Bloomberg News.) 

Tuy nhiên, Mỹ có những giới hạn rõ ràng về số tiền mà một người được quyền quyên góp cho các chiến dịch, đảng phái và ủy ban hoạt động chính trị để ủng hộ hoặc phản đối các ứng cử viên thay mặt cho doanh nghiệp, người lao động hoặc hệ tư tưởng. Các ứng cử viên không được nhận quá 2.800 USD từ một nhà tài trợ trong một cuộc bầu cử.

2. Có phải các ứng viên giàu có luôn luôn được phép chi bao nhiêu tùy thích?

Không. Các cải cách sau vụ bê bối Watergate ban đầu qui định ứng cử viên tổng thống không được phép bỏ ra quá 50.000 USD (tương đương 259.000 USD ngày nay) cho chiến dịch tranh cử của bản thân. 

Nhưng vào năm 1976, trong vụ án giữa Buckley và Valeo, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng người tranh cử có thể tự bỏ ra số tiền tùy thích. Tòa án dẫn lí do là các ứng cử viên có thể bị tha hóa bởi tiền của người khác, nhưng không phải với tiền túi của mình.

Quyết định này đã dẫn đến việc một loạt các ứng cử viên giàu có, bao gồm Ross Perot (năm 1992 và 1996) và Steve Forbes (năm 1996 và 2000) bỏ ra khá nhiều tiền riêng để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử tổng thống của bản thân. Đặc biệt, khoản tiền Forbes bỏ ra đã góp phần phá hủy hệ thống tài chính công cộng vốn được đặt ra để đảm bảo sự công bằng trong cuộc bầu cử sơ bộ. 

Tỉ phú Donald Trump bỏ ra 66 triệu USD vào cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2016, và ông đã thành công.

3. Hai tỉ phú Đảng Dân chủ đang chi bao nhiêu tiền?

Tính đến ngày 31/12/2019, hai tỉ phú Bloomberg và Steyer tổng cộng đã bỏ ra hơn 388 triệu USD. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - người huy động được nhiều tiền nhất - chỉ thu về 96 triệu USD. 

Tỉ phú Bloomberg cho biết giả sử ông không được đề cử chính thức của Đảng Dân chủ thì ông vẫn sẽ tiếp tục chi tiền để các ứng viên khác đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11. Ông không loại trừ khả năng sẽ bỏ ra đến 1 tỉ USD. 

Tỉ phú Steyer thì nói rằng ông không đặt ra giới hạn về số tiền có thể bỏ ra. 

4. Liệu những người không phải tỉ phú có thể cạnh tranh được không?

Dĩ nhiên là có, một phần vì hệ thống của Mỹ cho phép những người Mỹ giàu có tài trợ cho họ một cách gián tiếp. Quyết định của Tòa án tối cao trong vụ kiện giữa Citizens United và Ủy ban bầu cử liên bang năm 2010 cho phép các nhóm bên ngoài chi tiêu không giới hạn để tác động đến cuộc bầu cử; miễn là họ không hợp tác với các ứng viên. 

Quyết định này đã dẫn đến việc thành lập các Ủy ban Hành động Chính trị đặc biệt - các "siêu PAC" - để huy động tiền từ các tập đoàn, công đoàn, cá nhân và một số loại tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ để hỗ trợ các ứng viên tổng thống.

Trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ hiện nay, cựu Phó Tổng thống Joe Biden có sự hỗ trợ của một siêu PAC. 

Our Revolution - một nhóm phi lợi nhuận được thành lập bởi những người ủng hộ ông Bernie Sanders, đã chi trả cho quảng cáo qua mạng để ủng hộ chiến dịch của ông. Trên giấy tờ, Our Revolution là một tổ chức phúc lợi xã hội chứ không phải là một siêu PAC, nhưng có chức năng tương tự. 

5. Các nhà tài trợ nhỏ có vai trò gì không?

Thật ra là có. Ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren - Thượng nghị sĩ bang Massachusetts đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các nhà tài trợ nhỏ, những người đóng góp không quá 200 USD. 

Công nghệ đã giúp thúc đẩy một cuộc cách mạng của nhà tài trợ nhỏ. ActBlue - một tổ chức công nghệ phi lợi nhuận, đã tạo ra nền tảng trên điện thoại di động cho phép các nhà tài trợ đóng góp từng số tiền nhỏ. Năm 2019, tổ chức này giúp tập hợp và xử lí 1 tỉ USD tiền quyên góp cho các ứng viên Đảng Dân chủ và các mục đích khác.

6. Tiền đã tác động đến cuộc đua giữa các ứng viên Đảng Dân chủ như thế nào?

Theo dữ liệu từ các cuộc thăm dò ý kiến của RealClearPolitics, tính đến 13/2, tỉ phú Bloomberg đạt được 14,2% số phiếu bầu, thượng nghị sĩ Sanders là 23,6% và cựu phó tổng thống Biden là 19,2%. Tỉ phú Steyer đạt được 1,8%.

7. Chiến dịch năm 2020 có thể sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền?

Vẫn chưa có ước tính nào được đưa ra nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ dễ dàng vượt qua mức kỉ lục 2,4 tỉ USD trong cuộc đua năm 2012. Theo Center for Responsive Politics, tính đến 31/1, các chiến dịch tranh cử đã báo cáo số tiền huy động được là gần 1,2 tỉ USD. 

8. Liệu ông Trump có thể theo kịp?

Mọi dấu hiệu đều cho thấy là có. Ông Trump được hỗ trợ bởi Đảng Cộng hòa và một cặp ủy ban gây quĩ chung, và đã huy động được 463,5 triệu USD vào năm 2019. Kết thúc năm ngoái, Tổng thống Mỹ đương nhiệm vẫn còn 196 triệu USD trong tay, vượt xa mọi ứng viên Đảng Dân chủ và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC). 

9. Liệu sẽ có giới hạn trong cuộc tổng tuyển cử không?

Có vẻ như không. Tiền công quĩ, một di sản của những cải cách sau vụ bê bối Watergate, vẫn có thể được sử dụng cho các chiến dịch tranh cử tổng thống, nhưng các ứng cử viên phải chấp thuận giới hạn chi tiêu để được nhận tiền.

Lần gần đây nhất một ứng viên lớn sử dụng tiền công quĩ cho tranh cử là Thượng Nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hòa năm 2008 với số tiền 84 triệu USD. Năm đó, Barack Obama đã từ chối nguồn tiền công quĩ này. Thay vào đó, ông đã huy động được 436 triệu USD, tạo ra lợi thế tài chính lớn so với McCain. Rốt cuộc, McCain đã bị đánh bại.

(Số tiền 84 triệu USD này được đóng góp bởi những người nộp thuế. Khi làm thủ tục thuế, những ai muốn đóng góp sẽ tick vào ô tương ứng và 3 USD sẽ được chuyển vào quĩ hỗ trợ tranh cử. Ứng viên nào sử dụng tiền công quĩ thì sẽ không được nhận thêm các khoản hỗ trợ khác).

10. Phải chăng mọi chuyện đã đi quá xa?

Theo tờ Bloomberg, vài chính trị gia, bao gồm một số ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đã đưa ra những lời hứa sẽ cải cách việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử, bao gồm cả việc tìm cách xóa bỏ quyết định của Tòa án Tối cao năm 2010 và xây dựng lại hệ thống tài chính công cho tranh cử

Nhiều ứng cử viên đã ngừng lấy tiền từ các nhà vận động hành lang và các PAC của doanh nghiệp. 

Nhưng những thành viên chủ chốt trong nỗ lực thúc đẩy quốc hội Mỹ cải cách việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống giờ đây đã không còn nữa: Ông McCain qua đời vào năm 2018, và đồng minh của ông là Russ Feingold, đã rời Thượng viện năm 2011. 

Ngay cả những đề xuất cải cách khiêm tốn, như yêu cầu Facebook và Google báo cáo các khoản chi tiêu vì mục đích chính trị trên trang web của họ cũng đã dần biến mất.

Năm 2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua các cải cách bao gồm việc siết chặt qui định đối với các siêu PAC và "tiền đen tối" - các khoản quyên góp theo hình thức tiền phi lợi nhuận và  không tiết lộ các nhà tài trợ. 

Nhưng những cải cách này đã bị đình trệ tại Thượng viện. Nếu có bất kì giới hạn nào mà Thượng viện có thể thông qua, chúng cũng khó được Tòa án Tối cao chấp nhận.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.