|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các đại gia Mỹ lại đút tiền vào túi Đảng Cộng hòa

13:25 | 26/03/2021
Chia sẻ
Sau vụ tấn công bạo lực tại Điện Capitol hồi đầu tháng 1 năm nay, hàng chục tập đoàn lớn đã cam kết sẽ ngừng hoặc tạm dừng tài trợ cho các nghị sĩ Cộng hòa từng bỏ phiếu để lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Nhưng chỉ sau vài tháng, các tập đoàn đã nuốt lời.

Hôm 22/3, trang Popular Information đưa tin AT&T, Intel và Cigna dường như đã phá vỡ lời cam kết trước đó không lâu.

Hồi tháng 1, AT&T và Intel tuyên bố sẽ tạm dừng tài trợ cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ngăn cản việc chứng nhận phiếu bầu đại cử tri, trong khi Cigna khẳng định họ sẽ ngừng quyên góp cho những chính trị gia "cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".

Cây bút Judd Legum của Popular Information cho biết, theo báo cáo mới của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FCC), các doanh nghiệp lớn tại Mỹ chỉ tạm dừng quyên góp chính trị cho Đảng Cộng hòa khoảng một tháng trước khi lại đút tiền vào túi đảng viên của đảng này.

Hôm 26/2, Intel đã gửi 15.000 USD đến Ủy ban Chiến dịch Quốc gia của Đảng Cộng hòa (NRCC). Theo ông Legum, NRCC là "phương tiện gây quỹ chính" cho các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Đầu tháng 1 năm nay, 139 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu lật ngược kết quả bầu cử.

Trước đó, ngày 22/2, AT&T đã quyên góp 5.000 USD cho một ủy ban hành động chính trị (PAC) có tên Quỹ Bảo thủ Hạ viện, quỹ này được cho là có liên quan đến Hạ nghị sĩ Mike Johnson của Đảng Cộng hòa. Ông Johnson là một trong 139 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ngăn cản việc chứng nhận phiếu bầu đại cử tri.

Ngày 4/2, khoảng ba tuần sau lời cam kết ban đầu, Cigna - công ty dịch vụ y tế hàng đầu nước Mỹ, đã quyên góp 15.000 USD cho Ủy ban Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Quốc gia (NRSC). Ba tuần sau, Cigna lại chi thêm 15.000 USD cho NRCC.

Cây bút Legum của Popular Information cho biết, Thượng nghị sĩ Rick Scott - người từng bỏ phiếu chống lại kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, đang điều hành NRSC. Ông Scott rất mực tin tưởng cáo buộc có gian lận bầu cử của cựu Tổng thống Trump, do đó vị thượng nghị sĩ này quả thực có tham gia "cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".

Các đại gia Mỹ lại đút tiền vào túi Đảng Cộng hòa - Ảnh 1.

Một người đàn ông bước qua Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), tháng 7/2018. (Ảnh: Getty Images).

Chia sẻ với Popular Information, ba tập đoàn trên đều khẳng định các khoản quyên góp mới không vi phạm cam kết của họ, dù trên thực tế các khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ nhiều chính trị gia từng tuyên truyền những cáo buộc sai lệch và nguy hiểm về bầu cử tổng thống Mỹ.

Ví dụ, khoản quyên góp cho NRSC của Cigna có thể giúp ích cho các đảng viên Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Josh Hawley. Đến nay, hai vị thượng nghị sĩ này vẫn còn cáo buộc chiến thắng của ông Biden là do gian lận mà có.

Hồi tháng 1 năm nay, tiền tài trợ cho các PAC của doanh nghiệp Mỹ đã lao dốc nghiêm trọng. Theo báo cáo của Roll Call, những doanh nghiệp từng cam kết ngừng hoặc tạm dừng quyên góp chỉ tài trợ khoảng 50.150 USD cho các chính trị gia và PAC trong tháng 1/2021 - giảm hơn 98% so với con số 2,7 triệu USD xác lập trong cùng chu kỳ bầu cử của năm 2019.

Các chính trị gia Mỹ chắc chắn đang cảm thấy tài chính của họ có phần đi xuống. Tháng trước, Wall Street Journal cho biết trợ lý của các chính trị gia này đang chật vật kêu gọi doanh nghiệp nối lại tài trợ. Điều này cho thấy các nhà lập pháp sẽ không tích cực chống lại các chính sách cấp tiến như nâng thuế doanh nghiệp nếu các công ty giảm tài trợ.

Các tổ chức gây quỹ cho lưỡng đảng Mỹ, bao gồm NRCC và NRSC, được cho là đang thuyết phục doanh nghiệp nối lại tài trợ. Khả năng cao là họ đang kiếm ngân sách cho cuộc bầu cử năm 2022.

Tuy nhiên, Truthout cho rằng việc các đại gia Mỹ "bội ước" không thực sự đáng ngạc nhiên và dự kiến thông tin về các công ty phá vỡ lời cam kết sẽ nhiều hơn khi các khoản tài trợ được tiết lộ trong thời gian tới.

Hơn nữa, các khoản đóng góp của doanh nghiệp cho giới chính trị gia chỉ là một phần nhỏ của miếng bánh lớn, vì các cá nhân như giám đốc và nhân viên trong các công ty thường quyên góp nhiều hơn. Song, các khoản tiền này thường không được tính cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, thông qua một số lỗ hổng, các nhà vận động hành lang cũng có thể dùng tiền để tác động đến ứng viên mà không dính dáng đến tên tuổi doanh nghiệp.

Trên thực tế, khá nhiều tập đoàn Mỹ từng hứa hẹn ngừng quyên góp chính trị cũng vận động hành lang chống lại Đạo luật Vì Con người vì đạo luật này thường phơi bày các khoản tiền kém minh bạch mà doanh nghiệp dùng để thao túng chính trị.

Khả Nhân