|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ứng viên thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay

06:51 | 06/11/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định dưới thời Tổng thống Joe Biden nhưng đồng thời, giá cả lại tăng vọt. Những yếu tố này khiến việc dự đoán kết quả bầu cử hết sức sít sao.

Tác động của nền kinh tế tới kết quả bầu cử năm nay không hề đơn giản. Một mặt, kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục tăng trưởng đều đặn và tạo ra hàng triệu việc làm mới, thúc đẩy mức lương lên cao hơn. Mặt khác, giá cả cũng tăng đáng kể và nhà ở ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, đè nặng lên tâm lý cử tri. 

Theo Wall Street Journal, nhìn chung người Mỹ đánh giá thấp nền kinh tế dưới thời ông Biden vì giá cả tăng cao. Tuy nhiên, bất chấp những cái nhìn bi quan, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu. 

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng 3% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm trước. Trong ba năm đầu của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, chi tiêu tiêu dùng tăng với tốc độ 2,6%.

Ba biến số kinh tế ảnh hưởng tới bầu cử

Việc nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong khi giá cả đắt đỏ hơn có thể là lý do khiến các cuộc thăm dò dư luận về bầu cử trở nên sít sao. Hiện tượng này có thể được giải thích bằng mô hình dự đoán kết quả bầu cử được nhà kinh tế học Ray Fair của Đại học Yale phát triển vào những năm 1970. 

Khi xem xét kỹ dữ liệu từ đầu những năm 1900, ông Fair phát hiện ra rằng có ba biến số kinh tế đã làm tốt việc dự đoán kết quả bỏ phiếu bầu tổng thống.

Yếu tố đầu tiên là tỷ lệ tăng trưởng bình quân đầu người của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong ba quý trước bầu cử. Nền kinh tế tăng trưởng càng mạnh trong năm bầu cử thì ứng cử viên của đảng đương nhiệm càng có lợi.

GDP bình quân đầu người tăng trưởng ở mức 2% trong ba quý đầu năm, kết quả tốt nhất kể từ khi cựu Tổng thống George W. Bush đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2004. 

Trong nhiệm kỳ của ông Biden, GDP đầu người bình quân tăng trưởng với tốc độ 2,8% - mức tốt nhất kể từ cựu Tổng thống Lyndon Johnson. Tuy nhiên, công trình của ông Fair cho thấy cử tri tập trung nhiều nhất vào sức khỏe nền kinh tế trong ba quý gần ngày bầu cử.

 

Biến số thứ hai trong công trình nghiên cứu của ông Fair là chỉ số giá GDP (chỉ số đo lường thay đổi giá hàng hóa sản xuất tại Mỹ, bao gồm cả hàng xuất khẩu nhưng loại trừ hàng nhập khẩu). 

Nghiên cứu phát hiện các biến động về giá cả trong cả nhiệm kỳ tổng thống sẽ ảnh hưởng tới quyết định của cử tri, chứ không phải chỉ ba quý như tăng trưởng kinh tế. 

Đặc biệt, giá cả tăng càng nhiều, đảng cầm quyền càng trở nên bất lợi. Chỉ số giá GDP đã tăng với tốc độ 4,5% trong 15 quý đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Biden, mức cao nhất kể từ nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống Ronald Reagan. 

Wall Street Journal cho biết việc cử tri “nhớ dai” về lạm phát đã ảnh hưởng lớn tới chiến dịch tranh cử lần này. Nhiều người vẫn tiếp tục bất mãn về giá cả dù lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể và tiền lương tăng nhanh hơn.

 

Biến số cuối cùng trong mô hình của ông Fair là “quý có tin tốt lành” hay số quý trong nhiệm kỳ tổng thống mà GDP tăng trưởng hơn 3,2%. Trong nhiệm kỳ ông Biden, có 4 quý đáp ứng tiêu chí này, còn nhiệm kỳ đầu của ông Trump là 3. 

Dựa trên ba biến số kinh tế trên và một số dữ liệu phi kinh tế như thời gian đảng của tổng thống đương nhiệm nắm quyền, mô hình của ông Fair dự đoán rằng bà Harris sẽ nhận được 49,5% phiếu bầu, trong khi ông Trump là 50,5%. Hay nói cách khác, tương tự như dữ liệu từ các cuộc thăm dò dư luận, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay hết sức sít sao. 

Những yếu tố có thể gây bất ngờ

Tuy nhiên, Wall Street Journal cũng lưu ý rằng mô hình của ông Fair không bao gồm những yếu tố phi kinh tế có thể thúc đẩy cử tri hoặc tính toán đến hiệu quả của chiến dịch tranh cử. 

Trên thực tế, mô hình này đã có sai số trong hai kỳ bầu cử gần nhất. Vào năm 2016, mô hình dự báo ông Trump sẽ có được phần lớn phiếu bầu, thay vì bà Hillary Clinton. Năm 2020, mô hình một lần nữa cho thấy ông Trump giành được nhiều phiếu bầu hơn. Trên thực tế, kết quả của cả hai lần đều ngược lại. 

Ngoài ra, bức tranh nền kinh tế có thể thay đổi nhanh chóng đến mức mà không mô hình nào có thể tính đến. Dữ liệu mới công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế chỉ tạo ra 12.000 việc làm vào tháng 10 do ảnh hưởng từ hai cơn bão và cuộc đình công tại Boeing. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc lướt qua tin tức, cử tri có thể cảm thấy nền kinh tế đang xấu đi đáng kể. 

Ngược lại, nếu vừa đến trạm xăng, cử tri có thể đi đến kết luận trái ngược. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã giảm xuống 3,1 USD/gallon (0,82 USD/l) vào ngày 4/11, theo dữ liệu từ AAA. Cùng kỳ năm trước, giá xăng ở mức 3,43 USD/gallon (0,91 USD/l) và từng đạt kỷ lục 5,02 USD/gallon (1,33 USD/l) vào tháng 6/2022. 

Giá xăng ảnh hưởng lớn tới quan điểm của cử tri về lạm phát bởi nhiên liệu là mặt hàng được mua thường xuyên và giá cả luôn được hiển thị một cách rõ ràng trên các biển báo lớn. 

Wall Street Journal kết luận rằng nền kinh tế sẽ đóng vai trò đáng kể, quyết định ứng cử viên nào sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất tác động đến kết quả của cuộc bầu cử.

Những yếu tố về xã hội, chiến lược tranh cử hay các sự kiện đang diễn ra cũng sẽ đóng góp lớn trong việc chọn ra ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.  

Minh Quang

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.