|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

6 năm trước còn bỡ ngỡ, bây giờ Trung Quốc có phương án nào để đối phó thuế quan của ông Trump?

07:00 | 08/11/2024
Chia sẻ
Ông Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai, đe doạ sẽ áp thuế quan tới 60% lên hàng hoá Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại vào năm 2018, Trung Quốc lúc đó ở thế bị động và bối rối không biết cách phản ứng. Lần này, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản thương chiến tái diễn.

Ông Trump, người vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, đe doạ sẽ áp thuế quan đến 60% lên hàng hoá Trung Quốc. Đây là mức thuế quan mà Bloomberg nhận định sẽ tàn phá hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đó là còn chưa kể đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ tiên tiến mà chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden áp đặt lên Trung Quốc sau khi ông Trump rời nhiệm sở vào năm 2021.

Trong khoảng thời gian kể từ khi ông Biden nhậm chức cho đến nay, Bắc Kinh đã thực hiện những bước đi chiến lược để đảm bảo nền kinh tế sẽ đứng vững và có khả năng đáp trả.

Chính quyền ông Tập đã mở rộng bộ công cụ của mình. Bên cạnh thuế quan áp lên nông sản Mỹ, Trung Quốc hiện nay đang sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số nguyên liệu thô và có một danh sách đen có thể nhắm vào các công ty lớn của Mỹ.

“Về mặt tâm lý, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với ông Trump lần nữa”, nhà nghiên cứu Zhou Bo của Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc gia (Đại học Thanh Hoa) cho hay.

 

Nếu ông Trump xúc tiến kế hoạch thuế quan, một cuộc thương chiến mới sẽ xảy ra và có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề hơn cho hoạt động thương mại toàn cầu. Năm ngoái, doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu khoảng 500 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ, tương đương 15% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Một lá bài có thể làm xáo trộn các kịch bản là vai trò của tỷ phú Elon Musk trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. CEO Tesla có nhiều lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc nên có khả năng ông sẽ ủng hộ một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn.

Tại sự kiện ăn mừng chiến thắng vào sáng sớm ngày 6/11 theo giờ Mỹ, ông Trump đã hết lời khen ngợi Elon Musk. 

Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách nào?

Theo ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, mặc dù các quan chức Trung Quốc không muốn phản ứng thái quá với đe doạ thuế quan của ông Trump, họ cũng cảnh giác với việc tỏ ra yếu thế.

Vị cố vấn cho biết các lựa chọn đáp trả tiềm năng của Bắc Kinh là nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp Mỹ có lợi ích đáng kể tại Trung Quốc, bán trái phiếu kho bạc Mỹ, phá giá đồng nhân dân tệ và tiếp cận thị trường châu Âu và Mỹ Latin.

Trong khi đó, Bloomberg cho biết nếu chiến tranh thương mại nổ ra, một lần nữa xuất khẩu nông sản của Mỹ có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên.

Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Brazil đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp đậu nành lớn nhất cho Trung Quốc. Quốc gia Nam Mỹ hiện cũng là nguồn cung ứng ngô lớn nhất của đất nước tỷ dân.

Năm 2016, Mỹ cung ứng hơn 40% lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc. Song, con số này đã giảm xuống còn dưới 18% trong 9 tháng đầu năm nay.

Nền kinh tế nội địa giảm tốc cũng tạo cho Bắc Kinh nhiều vùng đệm hơn, vì nhu cầu thịt heo - cùng với ngô và đậu nành để nuôi đàn heo - đã giảm mạnh. Điều đó có nghĩa là nước này đã ít phụ thuộc vào hàng nhập khẩu hơn và có thể dễ dàng chuyển sang mua hàng từ những quốc gia khác.

 

 

 

Tuy nhiên, Bloomberg lưu ý rằng Trung Quốc không có nhiều mục tiêu rõ ràng hơn để nhắm tới. Lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm dần từ mức đỉnh vào năm 2018 và Bắc Kinh đã không ký hợp đồng mua máy bay mới từ Boeing trong nhiều năm qua.

Cùng với mối quan hệ thương mại trên đà suy yếu, đầu tư trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang thu hẹp. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ hồi năm ngoái đã giảm 28% so với mức đỉnh năm 2019.

Điều đó làm dấy lên khả năng Trung Quốc có thể sẽ tìm cách phá giá đồng nhân dân tệ, khiến hàng hoá xuất khẩu của nước này trở nên rẻ hơn.

Lần phá giá tiền tệ chính thức gần đây nhất của Trung Quốc là vào năm 2015. Tuy nhiên, giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang từ năm 2018 đến giữa năm 2019, Bắc Kinh đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm xuống còn gần 7,2 tệ đổi 1 USD.

Đồng nhân dân tệ cũng đang giao dịch ở mức thấp tương đương, nhưng cho phép đồng tiền giảm thêm nữa có nguy cơ khiến các đối tác thương mại khác của Trung Quốc khó chịu.

Lượng thép, xe điện và pin giá rẻ mà Trung Quốc xuất khẩu gần đây đã thúc đẩy một số quốc gia dựng lên rào cản thương mại. Nếu căng thẳng với các đối tác lớn gia tăng, nhiều loại hàng hoá khác của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Một công cụ mới mà chính quyền ông Tập có thể sử dụng là kiểm soát xuất khẩu, Bloomberg cho hay. Năm ngoái, Bắc Kinh đã hạn chế bán gali và germani ra nước ngoài. Đây là hai kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất chip, thiết bị viễn thông và quốc phòng.

Bây giờ, Trung Quốc có thể tìm cách áp đặt biện pháp hạn chế đối với các nguyên liệu thô quan trọng mà Mỹ cần cho các công nghệ chiến lược như antimon (kim loại sử dụng trong một số thiết bị bán dẫn).

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã có một quy trình chính thức hơn để trừng phạt các công ty nước ngoài. Hồi tháng 9, giới chức trách cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu điều tra PVH Corp., công ty mẹ của Tommy Hilfiger và Calvin Klein, vì không sử dụng bông từ Tân Cương.

Theo Financial Times, Bắc Kinh cũng đã trừng phạt một công ty sản xuất máy bay không người lái của Mỹ vì cung cấp hàng hoá cho Đài Loan. Theo đó, công ty này không thể mua các linh kiện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng có thể Trung Quốc sẽ muốn ký kết một thoả thuận với ông Trump. Tổng thống mới đắc cử đã ra hiệu rằng ông cởi mở với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Ông Henry Wang Huiyao, nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá, cho hay: “Ông Trump là một chính trị gia thực dụng muốn tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể. Trung Quốc đang dẫn đầu về xe điện và công nghệ xanh. Các công ty Trung Quốc có thể giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Yên Khê

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.