|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phác hoạ nền kinh tế Mỹ dưới thời đại Trump 2.0: Lợi, hại ra sao?

15:06 | 07/11/2024
Chia sẻ
Ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một số chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump còn có mục đích sâu xa hơn.

Ông Donald Trump giao lưu với người ủng hộ tại thành phố Greensboro, bang North Carolina hồi tháng 10. (Ảnh: Reuters).

Theo tờ Wall Street Journal, các cử tri lựa chọn ông Trump phần lớn là do không hài lòng với nền kinh tế dưới thời đương kim Tổng thống Joe Biden. Đồng thời, họ cũng hoài niệm về giai đoạn lạm phát thấp và môi trường kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Để đáp ứng kỳ vọng của những cử tri đó, ông Trump dự kiến sẽ sử dụng các công cụ chính sách tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên, cụ thể là tăng thuế quan và cắt giảm thuế suất.

Tuy nhiên, lần này sẽ có một số khác biệt vì ông Trump có kế hoạch áp đặt thuế quan mạnh tay hơn và trên diện rộng hơn, trong khi các khoản cắt giảm thuế sẽ thu hẹp phạm vi mục tiêu.

Đa phần các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đều nhận định tăng thuế quan có nguy cơ kéo lạm phát đi lên, trong khi cắt giảm thuế suất có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng thường làm thâm hụt ngân sách phình to. Cả hai yếu tố đều có xu hướng thúc đẩy lãi suất tăng cao.

Trên thực tế, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ dài hạn đã bật tăng trong những ngày gần đây nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và khả năng ông Trump thắng cử ngày càng cao. Lợi suất nhảy vọt trong ngày 6/11 khi chiến thắng của ứng viên Đảng Cộng hoà trở nên rõ ràng.

Nhưng đánh giá theo một hướng khác thì so với dự đoán của nhiều người vào đêm bầu cử năm 2016, những năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump lại có lợi cho nền kinh tế. Cho nên, những lo ngại hiện tại của thị trường chưa chắc đã đúng.

Một điểm đáng chú ý là ông Trump được thừa hưởng một nền kinh tế tương đối lành tính từ ông Biden. Tăng trưởng kinh tế vẫn bền bỉ đáng ngạc nhiên trong khi lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh ba năm trước.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ hạ lãi suất lần thứ hai trong năm nay tại cuộc họp kết thúc vào ngày 7/11. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro suy thoái kinh tế, Wall Street Journal nhấn mạnh.

Chưa kể, có khả năng ông Trump sẽ không tăng mạnh thuế quan như đã đe doạ mà có thể sẽ lựa chọn đàm phán thay vì khơi mào thương chiến. Quốc hội cũng có thể kiềm chế kế hoạch cắt giảm thuế suất của vị tổng thống mới đắc cử.

Và suy cho cùng, các tổng thống hiếm khi là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế. Chính sách của ông Trump trong 4 năm tới chưa chắc đã đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế bằng các lực lượng mạnh hơn hay những sự kiện bất ngờ như khủng hoảng, chiến sự hoặc công nghệ mới.

Một góc cảng Seatle tại bang Washington. (Ảnh: Getty Images).

Thương mại là trên hết

Cơ hội đầu tiên để ông Trump tạo dấu ấn nhiều khả năng sẽ là thuế quan, vì ông có thể hành động mà không cần xin phép Quốc hội.

Mặc dù vậy, các thủ tục hành chính và đàm phán có thể trì hoãn quá trình trình thực hiện. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền ông Trump phải mất 11 tháng kể từ thời điểm khởi kiện Trung Quốc và áp đặt thuế quan.

Xét về hiệu quả, chúng không có tác động đáng kể đến lạm phát vì mức thuế tương đối khiêm tốn và khi đó nhu cầu, đầu tư toàn cầu cũng như thị trường lao động đều đang trì trệ.

Vào đêm trước ngày bầu cử năm 2016, tiền lương của người lao động Mỹ chỉ tăng khoảng 2,4% một năm. Các nhà đầu tư trái phiếu dự kiến lạm phát trong tương lai sẽ đạt trung bình khoảng 1,8% - thấp hơn mục tiêu 2% của Fed.

Lần này, ông Trump đề xuất mức thuế quan cao hơn nhiều - ít nhất 60% đối với hàng hoá Trung Quốc và 10% đến 20% đối với tất cả các nước còn lại. Nếu kế hoạch được triển khai, đây sẽ là mức thuế quan cao nhất mà Mỹ từng áp dụng kể từ những năm 1930.

Và chính quyền mới sẽ áp đặt thuế quan trong bối cảnh nhu cầu đang mạnh mẽ, chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương trước xung đột địa chính trị và ký ức về lạm phát vẫn còn mới. Tiền lương của người lao động tăng 3,8% một năm và thị trường trái phiếu dự kiến lạm phát tương lai ở mức 2,3%.

Điều đó cho thấy lần này thuế quan có thể gây ra rủi ro lạm phát lớn hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Morgan Stanley ước tính hai kế hoạch đánh thuế của vị tổng thống đắc cử sẽ khiến giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,9%.

Tuy nhiên, một số yếu tố khác có thể làm giảm tác động của thuế quan. Chẳng hạn, các nhà nhập khẩu có thể hấp thụ nhiều thuế quan hơn, chấp nhận giảm biên lợi nhuận để không gây hại người tiêu dùng. Hoặc, đồng USD mạnh lên có thể bù đắp cho giá nhập khẩu cao hơn.

Quan trọng nhất, một số cố vấn cho biết ông Trump đang tính sử dụng thuế quan như một chiến thuật đàm phán để hạ thấp rào cản thương mại của các nước khác. Vì vậy, mức tăng thuế thực tế sẽ thấp hơn con số mà ông đe doạ.

Và nếu ông Trump lo sợ thuế quan sẽ làm tổn hại đến thị trường chứng khoán hoặc kéo lãi suất đi lên, ông có thể thoả hiệp phần nào.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng ông Trump sẽ chỉ tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc thêm 20% và không áp thuế phổ quát đối với sản phẩm của các nước khác.

Trong kịch bản đó, thước đo lạm phát ưa thích của Fed (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) sẽ giảm từ mức 2,7% hiện nay xuống 2,3% trong một năm tới. Goldman Sachs kết luận rằng sự khác biệt đó sẽ không ngăn cản Fed cắt giảm lãi suất.

Ông Trump vận động tranh cử tại một nhà máy ở thành phố Walker, bang Michigan. (Ảnh: Getty Images).

Tiếp đến là thuế suất

Một số khoản mục trong đạo luật cắt giảm thuế mà chính quyền ông Trump thông qua vào năm 2017 sẽ hết hạn vào cuối năm 2025 và họ đang muốn gia hạn các chính sách này.

Theo ước tính của Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), kế hoạch đó sẽ khiến chính phủ thất thu khoảng 5.000 tỷ USD trong 10 năm. Để đạt được mục tiêu, ông Trump có thể sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian vào năm tới.

Việc gia hạn toàn bộ đạo luật cắt giảm thuế năm 2017 sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hay lãi suất vì công chúng và các nhà đầu tư đã lường trước dự định của ông Trump.

Song, các đề xuất khác của ông Trump lại có ảnh hưởng lớn hơn nhiều, chẳng hạn như cắt giảm thuế suất doanh nghiệp; miễn thuế đối với tiền boa, phúc lợi An sinh Xã hội và tiền làm thêm giờ,...

CRFB ước tính những đề xuất nêu trên sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm khoảng 4.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới.

Dù vậy, thuế suất giảm sẽ tạo ra một vài động lực cho nền kinh tế. Deutsche Bank ước tính nếu Đảng Cộng hoà nắm quyền kiểm soát Quốc hội, chính phủ mới sẽ giúp tăng trưởng GDP năm 2025 nhích thêm 0,5 điểm % và năm 2026 thêm 0,4 điểm % mà không cần tăng thuế quan.

Nếu Mỹ áp thuế 60% đối với hàng hoá Trung Quốc và 10% đối với các quốc gia khác, Deutsche Bank cho biết tác động ròng của cả hai chính sách (thuế quan và thuế suất) lên tăng trưởng sẽ mang tính tiêu cực.

Việc cắt giảm thuế cũng làm thâm hụt ngân sách phình to hơn và gây áp lực gia tăng lên lạm phát.

Chiến lược gia John Barry của JPMorgan cho biết kế hoạch phát hành trái phiếu hiện tại của Bộ Tài chính đủ sức để tài trợ cho thâm hụt ngân sách năm tới, nhưng sẽ thiếu khoảng 3.300 tỷ USD cho giai đoạn 2026 - 2029 nếu chính quyền mới không gia hạn đạo luật thuế năm 2017.

Mức thâm hụt sẽ còn lớn hơn nữa nếu chính phủ vừa gia hạn đạo luật thuế năm 2017 vừa thông qua các dự định giảm thuế của ông Trump.

Nếu Bộ Tài chính tăng quy mô phát hành nợ để tài trợ cho các khoản thâm hụt lớn hơn, điều đó có khả năng sẽ gây áp lực lên lợi suất. Ông Barry ước tính nếu Washington và Quốc hội đều nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hoà, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm sẽ tăng thêm 0,4 điểm %.

Nhưng trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của năm tài khoá trước đã chạm mốc 1.800 tỷ USD - gấp ba lần con số của 8 năm trước, thì ngay cả Quốc hội do Đảng Cộng hoà chi phối cũng không thể đáp ứng tất cả những gì ông Trump muốn.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông Trump tới các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà đã tăng lên kể từ nhiệm kỳ đầu tiên và vị tổng thống vừa đắc cử này đã cho thấy ông có thể thúc đẩy những ưu tiên của mình.

Trước kia, tại vùng Đông Bắc và Trung Tây nước Mỹ từng có một khu vực gọi là "Vành đai thép". Đây được coi là trái tim của lĩnh vực công nghiệp, tập trung nhiều nhà máy sản xuất lớn. Thời gian trôi qua, Vành đai thép đã suy thoái trở thành Vành đai rỉ sét. (Ảnh minh hoạ: Bob Jagendorf).

Cuối cùng là các quy định

Ông Trump đã đề xuất nới lỏng hệ thống quy định, chẳng hạn như trong lĩnh vực mua bán sáp nhập và dầu khí. Những quy định thông thoáng hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng và kích thích niềm tin của doanh nghiệp, đồng thời kiềm chế lạm phát.

Song, các chuyên gia lưu ý việc xác định tác động đến nền kinh tế chung là rất khó. Ví dụ, sản lượng dầu và giá xăng của Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào giá quốc tế, mà giá quốc tế lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi OPEC, các lệnh trừng phạt, xung đột Trung Đông và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Tương tự, mặc dù ông Trump muốn trục xuất những người nhập cư trái phép để cải thiện thu nhập của người lao động trong nước, tác động có thể không đáng kể do quy mô của thị trường việc làm Mỹ.

Ngoài ra, chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump không chỉ tập trung vào con số tăng trưởng mà còn nhắm mục tiêu khôi phục việc làm và xây dựng lại các cộng đồng dân cư vững mạnh mà lĩnh vực sản xuất từng có thể vun đắp trước kia, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ, đánh giá: “Đúng là chúng ta phải trả một cái giá. Trong nhiều trường hợp, tôi nghĩ cái giá đó thoả đáng”.

“Toàn cầu hoá gây ra sự gián đoạn, xáo trộn và huỷ hoại”, ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhấn mạnh vào năm ngoái.

Theo ông Lighthizer, phe bảo thủ đang tìm cách bảo vệ các giá trị truyền thống, bảo tồn cấu trúc xã hội và đảm bảo các điều kiện để gia đình và cộng đồng người Mỹ phát triển.

Không giống như GDP hay lạm phát, các chuẩn mực này không dễ đo lường nhưng lại không kém phần quan trọng.

Yên Khê