|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính sách ‘phản lưới nhà’ của ông Trump

07:30 | 20/10/2024
Chia sẻ
Với ông Trump, "thuế quan" là giải pháp cho các vấn đề của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia và người dân Mỹ chưa chắc đã đồng tình.

Từ đẹp nhất trong từ điển

“Với tôi, cụm từ đẹp nhất trong từ điển là ‘thuế quan’”, ông Donald Trump tuyên bố trong cuộc trò chuyện với tổng biên tập của Bloomberg News tại Câu lạc bộ kinh tế Chicago hồi đầu tuần này.

“Đó là từ yêu thích của tôi”, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà lần nữa nhấn mạnh. Người đàn ông quyền lực này đang đề xuất nâng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc lên 60% và áp mức thuế phổ quát ít nhất 10% đối với hàng hoá của tất cả các nước còn lại.

“Các bạn nhìn xem, những nhà máy cũ kỹ này đang trở nên tan hoang và đổ nát. Chúng ta sẽ đưa các doanh nghiệp trở lại. Chúng ta sẽ giảm thuế cho các công ty sản xuất tại Mỹ. Và chúng ta sẽ bảo vệ những công ty đó bằng thuế quan”, ông Trump vạch ra tương lai.

“Thuế quan càng cao thì các doanh nghiệp sẽ càng có khả năng đến Mỹ và xây dựng nhà máy trên đất nước của chúng ta”, ứng viên tổng thống 78 tuổi nói tiếp trong tiếng vỗ tay của khán giả bên dưới.

Một dịp khác, tại cuộc vận động cử tri ở Wisconsin cách đây một tháng, ông Trump cũng gợi ý rằng Washington có thể sử dụng thuế quan như một hình phạt dành cho các quốc gia từ chối sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế.

Giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi với những tuyên bố của ông Trump. Mặc dù thuế quan tạo ra một số nguồn thu cho chính phủ, chúng lại gây hại cho nền kinh tế Mỹ bằng cách mời gọi sự trả đũa từ các đối tác thương mại lớn và làm tăng chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng.

 

“Phản lưới nhà”

Khi Washington nâng thuế quan, về cơ bản các nhà nhập khẩu sẽ có ba lựa chọn: chuyển phần chi phí tăng thêm cho các khách hàng, tự chịu thuế quan và chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn, hoặc đàm phán lại hợp đồng với các nhà cung cấp.

Trong hầu hết các trường hợp, chính túi tiền của người dân Mỹ sẽ chịu thiệt hại đầu tiên khi doanh nghiệp tăng giá bán hàng để bù đắp cho phần thuế quan vừa phát sinh.

Tổ chức Center for American Progress Action ước tính vào năm 2025, Mỹ sẽ nhập khẩu khoảng 3.200 tỷ USD hàng hoá. Mức thuế phổ quát 10% sẽ khiến phần thuế đối với lượng hàng hoá đó tăng thêm 300 tỷ USD.

Tính trung bình, mỗi hộ gia đình sẽ tốn thêm 1.700 USD trong năm đầu tiên áp dụng thuế quan. Các hộ gia đình trung lưu - lực lượng tiêu dùng chính tại Mỹ - chi tiêu bằng khoảng 85% so với mức trung bình. Như vậy, một hộ gia đình điển hình sẽ phải tốn thêm khoảng 1.500 USD.

Biểu đồ bên dưới thể hiện từng khoản chi phí phát sinh nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng và đánh thuế như đề xuất.

 

Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà lập luận rằng thuế quan sẽ làm giảm lạm phát vì chúng giúp cải thiện năng lực sản xuất của Mỹ. Song, nhiều khả năng mức thuế quan cao như vậy sẽ khiến lạm phát tăng lên.

Một phân tích gần đây của Nomura đã củng cố lo ngại đó. Các nhà kinh tế ước tính nếu ông Trump tái đắc cử, lạm phát vào cuối năm 2025 sẽ cao hơn hiện tại 0,75 điểm phần trăm.

Cho đến nay, người Mỹ vẫn đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao hơn đáng kể so với trước đại dịch, dù lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh vào mùa hè hai năm trước.

Và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ vừa hạ lãi suất. Trong kịch bản lạm phát ngóc đầu dậy, ngân hàng trung ương này có thể phải tạm ngừng hạ lãi suất hoặc xấu hơn là phải tăng lãi suất trở lại để áp chế giá cả.

 

Chưa kể, thuế quan chưa chắc sẽ mang việc làm trong lĩnh vực sản xuất trở lại Mỹ như ông Trump hứa hẹn. Bằng chứng lịch sử cho thấy thuế quan sẽ khiến thu nhập của người dân giảm đi, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Một phân tích của Moody’s cho thấy nền kinh tế số một thế giới có thể sẽ mất 675.000 việc làm, tăng trưởng GDP bốc hơi 0,6 điểm phần trăm và tỷ lệ thất nghiệp đi lên 0,4 điểm phần trăm.

Một mô hình dự báo khác của Morgan Stanley cũng đưa ra kết quả đáng ngại. Mô hình chỉ ra tăng trưởng việc làm hàng tháng sẽ giảm từ 50.000 đến 70.000 - tụt gần một nửa so với mức trung bình hiện nay.

Tác động nghiêm trọng hơn của thuế quan (nếu chính sách này được áp dụng trong thời gian dài) là rủi ro đối với chính sách tài khoá của nước Mỹ và vị thế của đồng USD.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, khi kết hợp hai đề xuất thuế quan của ông Trump, chính phủ Mỹ sẽ thu về khoảng 227 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lưu ý ước tính này có thể còn hơi cao vì nhiều khả năng các nước sẽ áp thuế trả đũa Mỹ.

Người tiêu dùng trong nước có lẽ cũng sẽ chuyển từ mua các sản phẩm bị đánh thuế cao sang những mặt hàng khác. Do đó, doanh thu từ thuế quan sẽ giảm dần theo thời gian.

Ngoài ra, Washington có thể cần trích một phần doanh thu từ thuế quan để bù đắp thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại.

Trong nhiệm kỳ đầu, khi ông Trump áp thuế hàng hoá Trung Quốc, nguồn thu từ thuế quan đã tăng gần ba lần lên 111,8 tỷ USD vào năm 2022. Song, chính phủ phải chi 23 tỷ USD để bồi thường cho nông dân sau khi nông sản Mỹ bị áp thuế trả đũa.

Nguồn thu của chính phủ sẽ càng hao hụt hơn bởi một đề xuất khác của ông Trump: hạ thuế suất doanh nghiệp xuống 15%. Nguồn thu giảm sẽ càng khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ phình to.

Tính chung, các đề xuất chính sách của ông Trump sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng thêm 7.500 tỷ USD trong thập kỷ tới, theo ước tính của Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức thâm hụt mà đối thủ Đảng Dân chủ Kamala Harris dự kiến sẽ tạo ra.

Sau nhiều đợt giảm thuế và chi tiêu khẩn cấp, khối nợ công mà công chúng nắm giữ hiện đã vượt quá 28.300 tỷ USD. Nợ càng nhiều thì rủi ro với tình hình tài khoá của Mỹ và đồng USD càng lớn.

Chưa kể, ông Trump còn đe doạ đánh thuế các nước từ chối sử dụng đồng bạc xanh trong thương mại quốc tế. Động thái này có thể khuyến khích các nước giảm bớt sự phụ thuộc vào USD trong thanh toán thương mại và dự trữ ngoại hối.

 

Chia sẻ với New York Times, nhà kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell, cảnh báo: “Điều này sẽ chỉ làm tăng chi phí đi vay của chính phủ Mỹ nếu các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu coi USD là một đồng tiền có nền tảng thể chế không ổn định và phải tuân theo những chính sách bất chợt của một tổng thống tương lai”.

Suy cho cùng, với ông Trump, thuế quan dường như là giải pháp cho mọi vấn đề. Nhưng với phần đông người Mỹ, đây sẽ là một cơn đau đầu có thể kéo dài nhiều năm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng tuần điều chỉnh, tâm điểm FPT, HDB
Giao dịch khối ngoại chưa thực sự hỗ trợ thị trường khi họ đẩy mạnh bán ròng 2.131 tỷ đồng, trong đó hoạt động rút vốn ghi nhận trên HOSE (2083 tỷ đồng) và HNX (104 tỷ đồng), trong khi họ mua ròng 56 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.