Chính sách của Trump - Harris ảnh hưởng thế nào tới kinh tế Việt Nam
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra ngày 5/11. Kết quả được đánh giá khó dự báo, khi hai ứng cử viên ông Donald Trump (đại diện đảng Cộng hòa) và bà Kamala Harris (đại diện đảng Dân chủ) bám đuổi sít sao trong các cuộc khảo sát gần đây.
Giới phân tích cho rằng ảnh hưởng tới Việt Nam sẽ không khác biệt dù ứng viên nào đắc cử, do về cơ bản chính sách kinh tế của đại diện hai đảng này đều có sự tương đồng.
"Kết quả cuộc bầu cử có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam, bất kể đảng nào giành chiến thắng", ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường tại VinaCapital, nhận xét.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, sẽ không có nhiều ảnh hưởng ở tầm vĩ mô với kinh tế Việt Nam, khi hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều cam kết thúc đẩy kinh tế Mỹ như những Tổng thống trước, dù hướng tiếp cận khác nhau.
Trong chiến dịch tranh cử, quan điểm của bà Harris là thúc đẩy kinh tế thông qua các thay đổi nhỏ, như tăng ưu đãi thuế với những người đang nuôi con, tăng lương tối thiểu, xây thêm nhà ở giá phải chăng và thúc đẩy cho vay doanh nghiệp nhỏ. Cách tiếp cận này theo xu hướng ủng hộ "chính sách công nghiệp", kéo sản xuất trở lại Mỹ bằng giải pháp hỗ trợ.
Trong khi đó, các đề xuất chính sách của ông Trump được đánh giá mạnh tay hơn, mang tính bảo hộ cao hơn. Đó là trục xuất lượng lớn người nhập cư, áp thuế nhập khẩu ở mức cao và giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân trong nước.
Theo chuyên gia từ VinaCapital, cách tiếp cận của hai ứng viên đều có những điểm tích cực và hạn chế nhất định. Như khuynh hướng của đảng Dân chủ, đạo luật "CHIPS" của Tổng thống Biden năm 2022 đã thúc đẩy sản xuất công nghệ tại Mỹ, khiến số tiền đầu tư xây dựng nhà máy mới tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, chi phí sản xuất sản phẩm lại tăng rất cao, do thiếu hụt công nhân có tay nghề.
"Việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam", ông Michael Kokalari nhận xét trong báo cáo gửi nhà đầu tư đầu tháng 9.
Tương tự với cách tiếp cận mang tính bảo hộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thuế được xem là "lá bài" chính, giải pháp được nhắc tới liên tục trong chiến dịch tranh cử. Cựu Tổng thống Mỹ đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%.
Mức này cao hơn nhiều so với thuế trung bình 2% đang áp dụng với hàng hóa phi nông nghiệp xuất sang Mỹ, theo số liệu của chính phủ nước này.
Hầu hết nhà kinh tế không đồng tình với Trump. Theo chuyên gia từ VinaCapital, nếu đắc cử, ông Trump có thể tập trung vào việc giảm giá trị đồng USD, thay vì tăng thuế quan đáng kể, dù ông đã nhiều lần cam kết sẽ làm ngược lại.
Việc tiếp tục áp thuế cao có thể làm tăng giá trị đồng bạc xanh, nên ứng viên đảng Cộng hòa sẽ phải lựa chọn giữa việc áp thuế và thực hiện các biện pháp giảm giá trị đồng USD - vốn mang lại nhiều lợi ích hơn.
Dù chọn cách nào, ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận, Việt Nam đều có những lợi ích nhất định. Xuất khẩu có thể hưởng lợi khi đồng USD yếu hơn.
Trong khi đó, về đầu tư, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khởi đầu từ quyết định đánh thuế hàng Trung Quốc năm 2018 của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến.
Với Việt Nam, theo chuyên gia từ VinaCapital, dù tăng áp thuế hay giảm giá trị đồng bạc xanh, xuất khẩu có thể không bị ảnh hưởng. Đồng USD yếu sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt sang các nước ngoài Mỹ.
Trong khi đó, nếu cựu Tổng thống Mỹ sử dụng "lá bài" thuế quan, Việt Nam và Mexico có thể một lần nữa hưởng lợi về xuất khẩu, theo báo cáo của Standard Chartered và các tổ chức khác.
Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro, như kim ngạch thương mại chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu với Mỹ có thể khiến Việt Nam trở thành mục tiêu áp thuế, nếu cựu Tổng thống Trump đắc cử.
Theo báo cáo giữa tháng 10 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, nhiệm kỳ 2 của Trump có thể kéo tụt GDP một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam - các nước xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Theo đó, với kịch bản xấu nhất, GDP thực của ba nước này giảm ít nhất 1% so với dự báo hiện tại của Fitch.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận thấy nguy cơ GDP toàn cầu sụt giảm nếu thuế nhập khẩu tăng cao trên thế giới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn có thể giảm 7%, tương đương quy mô nền kinh tế của Đức và Nhật Bản cộng lại.
Với thị trường tài chính và chứng khoán, câu chuyện sẽ khác, theo Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta.
Chuyên gia này cho rằng, nếu đại diện đảng Dân chủ giành chiến thắng, mức độ biến động của thị trường sẽ "nhẹ nhàng" hơn so với ứng viên đảng Cộng hòa. Các cam kết chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump cũng được xem là mạnh tay hơn so với ứng viên đảng Dân chủ.
Bản thân ông Trump trong giai đoạn trước đây khi kiểm soát Nhà Trắng cũng đưa ra những quyết định nhanh và vượt ngoài dự báo, nhiều thời điểm khiến thị trường "chao đảo".
Như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Washington Post cho rằng ông Trump hành động dựa nhiều hơn vào trực giác và phân tích của riêng ông, thay vì lời khuyên từ các trợ lý.
"Khó có thể dự đoán ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, hay thị trường tăng hay giảm sau khi kết thúc bầu cử. Nhưng nếu để dự báo mức độ biến động của thị trường trong ngắn hạn, chắc chắn cựu Tổng thống Donald Trump sẽ là cái tên khiến giới đầu tư thận trọng", Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta nhận xét.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng khiến giới phân tích lo ngại nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng là khả năng tác động vào hoạt động độc lập của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
"Nếu Fed bị kiểm soát về chính trị, các quy tắc của tài chính toàn cầu sẽ thay đổi", Maurice Obstfeld - cựu kinh tế trưởng của IMF cho biết trên CNN. Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta cho rằng nếu điều này xảy ra, thị trường tài chính sẽ "chao đảo" khi các biến số trở nên khó đoán hơn.