|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Mỹ khởi sắc đặt ra thách thức cho tân tổng thống

00:30 | 04/11/2024
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ tiếp theo có thể sẽ tiếp quản một nền kinh tế đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, đây lại là một thách thức không nhỏ.

Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử ngày 5/11 tại Mỹ, lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt từ mức đỉnh trong đại dịch, số lượng việc làm trong khu vực tư nhân vượt các ước tính, dữ liệu bán nhà chờ xử lý tăng cao, tâm lý tiêu dùng hướng đến sự lạc quan và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang tăng trưởng, dù vẫn thấp hơn một chút so với kỳ vọng.

Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Chỉ số này cũng tăng 24% từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu của Morning Consult.

Tổng thống Biden tự hào tuyên bố trong một sự kiện hôm 29/11 rằng: "Chúng ta từng đối mặt với nguy cơ suy thoái nhưng bây giờ thì sao? Chúng ta có nền kinh tế mạnh nhất thế giới”.

Phó Tổng thống Kamala Harris và ông Donald Trump đều tự quảng bá mình là ứng cử viên tốt nhất cho tương lai kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo đó là: Đừng phá hỏng hiện trạng.

Một cuộc thăm dò của YouGov vào tháng 10 cho thấy 44% người Mỹ trưởng thành được khảo sát tin rằng "sụp đổ kinh tế toàn diện" có khả năng xảy ra. Chính tâm lý bi quan về kinh tế trong cử tri đã thúc đẩy cả ông Trump và bà Harris đưa ra một loạt đề xuất chính sách hứa hẹn một tương lai kinh tế mới cho người Mỹ.

Trong khi ông Trump cam kết áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu, chương trình trục xuất người nhập cư quy mô lớn, giảm thuế doanh nghiệp sâu hơn và nhiều hơn nữa, bà Harris lại muốn tăng thuế doanh nghiệp, ban hành lệnh cấm liên bang đối với hành vi "ép giá" của doanh nghiệp tạp hóa và cung cấp trợ cấp cùng tín dụng thuế để phát triển nhà ở, chăm sóc trẻ em và hơn nữa.

 

Các nhà kinh tế và thậm chí cả một số đồng minh của ông Trump cho rằng các biện pháp áp thuế quan và cắt giảm thuế cùng với chương trình trục xuất quy mô lớn có thể, ít nhất là tạm thời, gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ làm sụp đổ thị trường.

Trong khi đó, đương kim Phó Tổng thống Mỹ cũng phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp vì kế hoạch cấm lợi dụng giá và tăng thuế doanh nghiệp của mình.

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. (Ảnh: Independent/Getty Images).

Một nền kinh tế ổn định là cơ hội để tân tổng thống tập trung vào các chính sách mà họ đã vận động tranh cử, theo Giáo sư chính sách công và kinh tế tại Đại học Michigan Justin Wolfers.

Ông Wolfers so sánh tình hình hiện nay với thời điểm hai cựu Tổng thống Barack Obama và Biden nhậm chức. Khi đó, họ phải làm là dập tắt ngọn lửa suy thoái trước khi thực hiện các chương trình khác.

Tuy nhiên, thực tế hiện tại làm cho cuộc bầu cử tổng thống trở nên quan trọng hơn, ông Wolfers nói. “Nếu bạn đang ở trong một cuộc suy thoái, dù là người của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, bạn chỉ có một nhiệm vụ, đó là khắc phục suy thoái.

Ngược lại, trong tình hình hiện nay, ông Trump hoàn toàn có thể cắt giảm thuế cho người giàu và bà Harris cũng hoàn toàn có thể đánh thuế người giàu nếu muốn”.

Do đó, Giáo sư Wolfers cho rằng tổng thống tiếp theo sẽ phải thực hiện một sự cân bằng tinh tế: đó là vừa hoàn thành các cam kết cải tổ nền kinh tế vừa không làm chệch hướng tăng trưởng thực tế hiện nay.

Với một nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã phải thực hiện một kế hoạch cứu trợ kinh tế, làm tiền đề để ông thực hiện các gói kích thích lớn và các chính sách toàn diện khác nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh ông Biden chuẩn bị rời Nhà Trắng, những số liệu kinh tế mạnh mẽ trong các tuần gần đây giúp củng cố lập luận rằng chính quyền của ông, phối hợp cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã điều hành thành công, dù người dân Mỹ vẫn chưa cảm nhận được điều đó.

Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s chia sẻ trong một bài đăng trên X rằng: “Khó có thể kỳ vọng nền kinh tế hoạt động tốt hơn thế này”.

Theo chuyên gia Zandi, mặc dù vậy, nhiều người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa được hưởng lợi. Việc thay đổi điều này là nhiệm vụ mà tổng thống và Quốc hội tiếp theo cần làm.

Phương Nga

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.