Hàng nghìn người nộp hồ sơ dự thi tiếng Hàn
31/3 là ngày đầu tiên tỉnh Nghệ An tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia dự thi tiếng Hàn theo chương trình cấp phép cho lao động người nước ngoài sang làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS) đợt một năm 2025.
Từ 6h, hàng trăm người tuổi 18-39 đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đóng trên đường Phong Định Cảng, TP Vinh chờ làm thủ tục. Năm nay nhà chức trách sẽ tuyển lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và nông nghiệp. Để ra nước ngoài làm việc, lao động phải vượt qua kỳ thi tiếng Hàn.
Anh Trần Văn Vũ, 18 tuổi, cho biết do lo sợ quá tải như năm trước nên đã dậy từ lúc 3h30, lái xe máy vượt hơn 70 km vào TP Vinh để tránh phải chờ lâu. Tuy nhiên, đến nơi đã có hàng trăm người xếp hàng làm thủ tục ở sảnh.

Lao động tập trung ở sảnh Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An để đăng ký thi tiếng Hàn, trưa 31/3. Ảnh: Đức Hùng
"Em đến sớm nhưng số thứ tự đã là 293, dự kiến chiều nay mới hoàn tất hồ sơ", Vũ nói. Tốt nghiệp lớp 12, Vũ chia sẻ không đăng ký xét tuyển vào các trường đại học hoặc cao đẳng vì gia cảnh khó khăn, sợ lúc học xong khó xin việc. Nam thanh niên đặt mục tiêu đỗ kỳ thi lần này để sang Hàn Quốc làm việc, kiếm tiền phụng dưỡng bố mẹ và tích góp một khoản sau này lập gia đình.
Nhiều thanh niên ở các huyện vùng cao như Quỳ Hợp, Quỳ Châu cũng bắt xe khách vượt 100-150 km đến TP Vinh nộp hồ sơ thi tiếng Hàn. Một số người tới muộn nên nhận số thứ tự trên 500. Họ cho hay trường hợp chưa đến lượt sẽ thuê nhà nghỉ gần trung tâm để ở qua đêm, sáng hôm sau tới sớm hoàn tất thủ tục.
Bùi Đức Duy, 21 tuổi, cho biết đăng ký học tiếng Hàn từ năm 2023, hoàn thành cuối năm 2024. Năm nay kỳ thi tiếng Hàn sẽ tổ chức theo bộ đề mới, Duy khá lo lắng bởi trước đây học theo chương trình cũ, sợ khó đáp ứng được yêu cầu.
"Nhưng cũng phải cố gắng hết sức vì tương lai của bản thân và gia đình thôi. Nếu không đỗ, em dự định ra Hà Nội ôn luyện để sang năm thi tiếp", Duy nói.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh Nghệ An (ngoài cùng, góc phải) tiếp nhận hồ sơ của các lao động. Ảnh: Đức Hùng
Trong sáng nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh Nghệ An tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký. Đơn vị đã phân vùng theo từng cụm địa phương để thí sinh làm thủ tục theo từng ngày, vì thế không xảy ra tình trạng chen lấn như mọi năm.
Lịch đăng ký hồ sơ thi tiếng Hàn của tỉnh Hà Tĩnh giống Nghệ An, đến ngày 2/4 kết thúc. Sáng nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đón khoảng 500 người.
Họ được bố trí ngồi trong các phòng, chờ cán bộ gọi tên theo thứ tự để đến bàn trình căn cước công dân, đăng ký qua hệ thống trực tuyến và kiểm tra thông tin bằng mã QR. Trung bình mỗi người mất khoảng 7-10 phút để hoàn thành thủ tục.
Anh Bùi Văn Hải, 32 tuổi, trú huyện Hương Khê, cho biết học tiếng Hàn một năm nay để thi EPS sang Hàn Quốc làm nông nghiệp. "Nếu trúng tuyển thì đó là niềm vui lớn. Qua tìm hiểu thì tôi thấy lương theo chương trình rất cao, khoảng 40 triệu đồng một tháng, gấp hơn ba lần so với đi làm thuê ở quê", Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, cho biết sáng nay khoảng 500 thí sinh đến đăng ký sơ tuyển, dự kiến đến hết đợt nhận khoảng 1.000 hồ sơ. Con số này giảm hơn một nửa so với năm 2024, nguyên nhân là chương trình EPS giảm ngành nghề và chỉ tiêu.

Lao động đăng ký thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, chiều 31/3. Ảnh: Đức Hùng
Kỳ thi EPS năm nay diễn ra ở Đà Nẵng vào giữa tháng 4, công bố kết quả đầu tháng 8. Dự kiến phía Hàn lấy 3.300 lao động trúng tuyển làm việc hai ngành nghề sản xuất chế tạo và nông nghiệp. Trong đó, sản xuất chỉ tiêu 3.000, nông nghiệp 300.
Chương trình EPS có đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn lao động dựa trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên mà không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Lao động vượt qua hai vòng thi, nộp xong hồ sơ cũng không chắc chắn sẽ được chọn đi Hàn, không biết trước thời gian xuất cảnh. Nhà chức trách khuyến cáo thí sinh nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, không nên ở nhà chờ đợi trong căng thẳng, lãng phí thời gian.
Nghệ An và Hà Tĩnh có hàng chục nghìn lao động làm việc tại Hàn Quốc, song có hàng nghìn trường hợp bỏ trốn ra ngoài làm, cư trú bất hợp pháp. Một số huyện từng bị nhà chức trách cấm thi EPS như huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP Vinh (Nghệ An) và huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đầu năm 2024, Trung tâm Lao động ngoài nước có công văn tạm gỡ lệnh cấm trên, cho phép người tại 8 huyện ở Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh được dự thi.