|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Bom nợ' khó giảm, bất kể ông Trump hay bà Harris trở thành tổng thống

07:51 | 25/09/2024
Chia sẻ
Bất kể ứng cử viên nào sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, có một điều gần như chắc chắn là thâm hụt nợ công của Mỹ sẽ ngày càng sâu hơn, cho dù mức độ có thể khác nhau.
 

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. (Ảnh: NBC News).

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút và một số tiểu bang của nước này đã tổ chức bầu cử qua bưu điện từ tháng 9/2024. Trong nhiều tháng nay, các cử tri Mỹ đã có cơ hội lắng nghe một số kế hoạch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Như đã thấy trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên này vào tuần trước, những kế hoạch điều hành chính sách của họ đã khuấy động cảm xúc của các cử tri ở cả hai phía của chính trường, cho dù đó là vấn đề nhập cư, bảo hiểm y tế hay việc làm.

Trong cuộc tranh luận vừa qua, người dẫn chương trình của hãng tin ABC đã khiến ông Trump mất cảnh giác khi đặt câu hỏi liệu ông có kế hoạch cụ thể nào cho việc cải cách y tế hay không, nếu ông bãi bỏ thành công Obamacare - hệ thống bảo hiểm y tế giá cả phải chăng do chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama áp dụng.

Ông Trump chỉ có thể đưa ra một câu trả lời mơ hồ về việc ông có một loạt kế hoạch hay ý tưởng nào đó. Đây có thể xem là một điểm yếu mà cựu Tổng thống Mỹ không muốn “phơi bày”.

Từ năm 2016, khi còn là ứng cử viên tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên ông Trump đã công khai phản đối Obamacare và tuyên bố sẽ thay thế hệ thống này. Nhưng cho đến nay, ông vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào thay thế hoàn hảo được hệ thống cải cách chăm sóc sức khỏe của ông Obama.

Thật không may, những ý tưởng mơ hồ không chỉ xuất phát từ một phía. Ngay cả Phó Tổng thống Harris, đối thủ của ông Trump, cũng không có những đề xuất nhận được sự tán thưởng cao. Bà Harris đã vạch ra một chương trình nghị sự kinh tế cho bốn năm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, nếu bà thắng cử.

Nhưng một số kế hoạch của bà đã khơi dậy sự ngờ vực, chẳng hạn như khoản trợ cấp liên bang trị giá 25.000 USD cho căn nhà đầu tiên mà các gia đình Mỹ mua, tín dụng thuế cho trẻ em hoặc tín dụng thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Trump cũng muốn thực hiện cắt giảm thuế, đặc biệt là đối với các công ty lớn, khi mà những đại diện của họ gần đây đã bắt đầu công khai ủng hộ ông tranh cử.

Đáng chú ý là, cho đến nay, chưa có ứng cử viên nào giải thích chính xác cách họ dự định giải quyết tình trạng thâm hụt tài chính công ngày càng tăng của Mỹ.

Trong khi cựu Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ sử dụng tiền điện tử và lợi nhuận từ việc mở rộng sản xuất dầu để giải quyết vấn đề nợ công, thì Phó Tổng thống Harris tuyên bố sẽ giảm thâm hụt bằng mọi giá, nhưng chưa tiết lộ bà muốn thực hiện điều đó như thế nào. Hiện tại, có vẻ như kế hoạch của cả hai sẽ chỉ làm thâm hụt nợ công của Mỹ sâu hơn.

Các nhà kinh tế đã lập mô hình phát triển ngân sách Mỹ cho năm tới và có vẻ như câu trả lời đã rõ ràng. Các kế hoạch kinh tế của ông Trump sẽ làm tăng thâm hụt của Mỹ thêm 5.800 tỷ USD trong 10 năm tới, trong khi các kế hoạch của bà Harris sẽ "chỉ" tăng thêm 1.200 tỷ USD.

Tuy nhiên, mô hình bảo thủ này không tính đến khả năng các chính sách của ông Trump sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, vẫn chưa rõ việc bà Harris hỗ trợ thuế đánh trên lãi vốn vay sẽ làm giảm thâm hụt tổng thể như thế nào.

Có lẽ ẩn số quan trọng nhất trong phương trình này là kế hoạch đầy tham vọng của ứng cử viên Trump nhằm áp đặt thuế nhập khẩu 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Mặc dù các mức thuế này có thể bổ sung thêm 2.800 tỷ USD vào kho bạc liên bang, nhưng vẫn chưa rõ nó sẽ tác động như thế nào đến hành động trả đũa của các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan của Mỹ và đối với ngoại thương của nước này.

Cựu Tổng thống Trump cũng tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ thúc đẩy giảm thuế suất doanh nghiệp từ 21% xuống 20% (trong một số tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, ông thậm chí còn nói sẽ giảm xuống 15%), điều này có thể làm xấu đi triển vọng thu ngân sách của chính phủ liên bang.

Bà Harris cũng không che giấu mong muốn tăng thuế đối với những người Mỹ có thu nhập hàng năm trên 400.000 USD. Số tiền thu thêm bà Harris dự định sẽ dùng để phân phối lại cho các gia đình có thu nhập thấp hơn.

Bất kể là ứng cử viên nào sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, có một điều gần như chắc chắn là thâm hụt nợ công của Mỹ sẽ ngày càng sâu hơn, cho dù mức độ có thể khác nhau.

Cựu cố vấn kinh tế của chính quyền Tổng thống Obama, Jason Furman, nói về kế hoạch của hai ứng cử viên rằng nếu bà Harris không có công cụ nào khác để giảm nợ, thì nợ của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, ông Trump thậm chí không cố gắng che giấu rằng ông chưa nghĩ đến những tác động đối với ngân sách liên bang.

Việt Dũng