Cứ gần 100 ngày, nợ công của Mỹ lại tăng thêm 1.000 tỷ USD
Theo CNBC, nợ công của Mỹ đã tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, nợ công của siêu cường số một thế giới đã chính thức vượt mốc 34.000 tỷ USD vào ngày 4/1/2024. Tính đến ngày 29/2, nợ của chính phủ Mỹ là hơn 34.400 tỷ USD.
Khối nợ vượt mốc 33.000 tỷ USD vào ngày 15/9/2023 và qua ngưỡng 32.000 tỷ USD vào ngày 15/6/2023. Nói cách khác, nợ công của Mỹ cần gần 100 ngày để tăng thêm 1.000 tỷ USD.
Trước đó, quá trình tăng thêm 1.000 tỷ USD từ mức 31.000 tỷ USD mất khoảng 8 tháng.
Chiến lược gia đầu tư Michael Hartnett của Bank of America ước tính nợ công của Mỹ cũng cần khoảng thời gian tương tự, tức gần 100 ngày, để đi từ 34.000 tỷ USD lên 35.000 tỷ USD.
Ở diễn biến khác, không chỉ khối nợ tăng theo thời gian mà mức thâm hụt ngân sách so với quy mô của nền kinh tế Mỹ - được đo bằng tỷ lệ nợ/GDP - cũng đi lên đều đặn kể từ năm 2000 và lần đầu tiên vượt mức 100% vào quý I/2014, theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Mỹ còn là một trong 21 nền kinh tế có thâm hụt ngân sách vượt quá tổng GDP, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở cùng danh sách với cả Hy Lạp, Sri Lanka và Sudan.
Đồng thời, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ cũng tăng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước G7 khác. Italy và Nhật Bản là hai thành viên duy nhất có nợ công cao hơn GDP.
Vào tháng 11 năm nay, Moody’s Investors Service đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực do rủi ro ngày càng lớn liên quan đến sức mạnh tài khoá của nước này.
Moody’s cho biết: “Trong bối cảnh lãi suất tăng cao hơn, nếu chính phủ không có các biện pháp tài khoá hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc nâng doanh thu, chúng tôi dự đoán thâm hụt tài khoá của Mỹ vẫn sẽ rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng trả nợ của nước này”.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, từng có lời cảnh báo: “Không ngóc ngách nào của nền kinh tế toàn cầu thoát được nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ...”
Với cùng lý do, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ vào đầu năm, trong khi S&P có động thái tương tự vào năm 2011.