Cựu quan chức Fed cảnh báo lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục tăng do chính phủ Mỹ vay nợ quá nhiều
Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường xuyên nhắc nhở thị trường rằng họ có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
Theo tờ Markets Insider, khả năng lãi suất được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn đã khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc lịch sử trong tháng 10. Giá trái phiếu thường biến động ngược chiều với lợi suất.
Trong tương lai, một yếu tố khác sẽ kéo lợi suất lên cao hơn nữa, đó là chính sách tài khóa của Mỹ. Theo ông Richard Fisher, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, nhu cầu vay nợ khổng lồ của chính phủ nhằm tài trợ cho các chương trình chi tiêu lớn sẽ là nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu tiếp tục đi lên.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 31/10, ông Fisher nói: “Tôi tin rằng yếu tố sẽ thúc đẩy lợi suất lên cao hơn trong dài hạn là chính sách tài khóa của Mỹ.
Trong quý cuối cùng của năm 2023, chính phủ Mỹ sẽ vay 8,66 tỷ USD mỗi ngày. Một ngày thôi đấy. Con số này đã phình to một cách khủng khiếp. Thị trường không thể nào trở nên sáng sủa hơn khi mà chính phủ liên tục phát hành thêm nợ”.
Khối nợ chồng chất của Mỹ khiến các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tác động của tình trạng thâm hụt ngân sách đến sự ổn định lâu dài của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn khi lãi suất gia tăng trong bối cảnh Fed vẫn đang cố gắng khuất phục lạm phát. Thêm nữa, Bộ Tài chính Mỹ lại đang phát hành thêm trái phiếu vào thời điểm số người mua tiềm năng giảm xuống.
Ông Fisher nhìn nhận: “Tôi nghĩ Fed đang làm tốt, họ không phải là người gây ra rắc rối. Các quan chức vạch ra chính sách tài khóa mới là người đang mất kiểm soát. Chừng nào chính phủ còn phải vay nợ nhiều, lợi suất sẽ không thể xuống dưới 5%”.
Trong quá khứ, nguồn cung thường không phải là mối lo lớn đối với trái phiếu kho bạc, bởi Mỹ là thị trường chứng khoán lớn nhất và có thanh khoản tốt nhất trên thế giới.
Tuy nhiên gần đây, ông Tomasz Wieladek, nhà kinh tế cấp cao của công ty đầu tư toàn cầu T. Rowe Price, đã cảnh báo rằng thế giới đã thay đổi và nguồn cung thực sự đã trở thành yếu tố đáng lo. Đó là vì các ngân hàng trung ương - người mua lớn nhất của những trái phiếu này - đang rút lui.
Theo lời ông Fisher, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục vay thêm tiền, nguồn cung dư thừa trên thị trường trái phiếu cuối cùng sẽ đẩy giá xuống, kéo lợi suất lên cao. Khi đó, khối nợ của chính phủ và các khoản thanh toán lãi sẽ ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với việc chính phủ phải chi nhiều tiền hơn để trả nợ.
Theo một số ước tính, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ sẽ leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 107% vào năm 2029. Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc thiếu vắng người mua có thể sẽ khiến các phiên đấu giá trái phiếu kho bạc thất bại, buộc Fed phải can thiệp và mua trái phiếu trở lại, kích thích lạm phát đi lên.