Chuyên gia cảnh báo: Cổ phiếu đối mặt với mối đe doạ cực lớn từ thị trường trái phiếu toàn cầu
Ông David Neuhauser, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Livermore Partners, cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn của thị trường trái phiếu đang gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và khiến cổ phiếu phải chịu rủi ro "cực lớn”.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 27/10, ông Neuhauser cho biết lãi suất cao khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, cản trở lợi nhuận của các nhà đầu tư và làm đảo lộn môi trường kinh tế trong 15 năm qua. Giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất.
Khi được hỏi về ảnh hưởng tới cổ phiếu, ông đáp: “Tôi nghĩ sự biến động của lợi suất trái phiếu cực kỳ nguy hiểm với cổ phiếu”.
Ông nói thêm: “Trong gần 15 năm qua, trái phiếu luôn ở trong thị trường giá lên và chúng ta còn được hưởng lãi suất âm trong vài năm. Yếu tố này đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu, giúp giá nhà cửa và ô tô trở nên phải chăng. Mọi người đã quen sống trong môi trường có lãi suất thấp hơn nhiều so với hiện nay”.
Tuy nhiên, kỷ nguyên lãi suất thấp đã kết thúc khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để khống chế lạm phát. Điều đó đã kéo lợi suất trái phiếu lên cao và làm giảm khả năng chi tiêu của các chính phủ.
Trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, một cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu, lợi suất đã leo lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2007.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lợi suất đã vọt lên ngưỡng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011.
Và tại Nhật Bản, nơi các nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì lãi suất âm, lợi suất trái phiếu cũng đã chạm các mức đỉnh trong năm 2013.
Ông Neuhauser bình luận: “Tôi nghĩ lợi suất tăng cao sẽ gây ra rất nhiều đau đớn cho nền kinh tế”.
Các quan chức ngân hàng trung ương thường xuyên nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ khó mà giảm xuống trong tương lai gần. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lặp lại quan điểm đó khi thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% vào ngày 26/10.
Dự kiến trong cuộc họp chính sách tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25 - 5,5%.
Ông Neuhauser cảnh báo lãi suất cao sẽ đè nặng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông cho biết: “Tôi nghĩ lãi suất cao sẽ gây ra áp lực lớn lên thị trường tín dụng và lên người tiêu dùng”.
Doanh nghiệp cũng sẽ chịu sức ép khi chi phí đi vay tăng cao hơn. Ông cảnh báo: “Những lực cản này sẽ khiến nền kinh tế sa sút và thị trường chứng khoán bị tổn thương”.