Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến: Phố Wall, hệ thống ngân hàng và người tiêu dùng đang run sợ
Hiện nay, tâm điểm của mọi lo ngại là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, một trong những chỉ số có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường tài chính.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng đều đặn trong những tuần gần đây và chạm mức 4,8% vào ngày 3/10. Lần gần nhất các nhà đầu tư thấy mức lợi suất cao như vậy là trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhìn chung, lợi suất đã tăng không ngừng nghỉ và vượt xa ước tính của các nhà dự báo, buộc Phố Wall phải đi tìm lời giải.
Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất được 18 tháng, chính sách tiền tệ không ảnh hưởng mấy đến các trái phiếu kho bạc dài hạn như trái phiếu 10 năm, vì nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ sớm hạ lãi suất.
Mãi cho đến gần đây mới xuất hiện thay đổi. Lợi suất bắt đầu tăng vọt từ tháng 7 khi nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp những dự báo về suy thoái.
Lợi suất càng tăng tốc trong những tuần gần đây khi các quan chức Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm.
Một số chuyên gia Phố Wall tin rằng lợi suất đi lên nhanh chóng một phần là do những yếu tố mang tính kỹ thuật, bắt nguồn từ việc bán ra của một nước hoặc tổ chức tài chính lớn.
Một số khác tập trung vào tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng của Mỹ và những bất ổn chính trị tại Washington.
Số khác nữa tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã cố tình kéo lợi suất trái phiếu đi lên để hạ nhiệt nền kinh tế vẫn còn đang quá nóng.
Chia sẻ với CNBC, ông Bob Michele, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại JPMorgan Asset Management, cho hay: “Thị trường trái phiếu kho bạc đang cố phát tín hiệu, rằng chi phí đi vay sẽ tăng cao trong một thời gian...Fed muốn vậy. Fed muốn kiềm chế người tiêu dùng”.
Thước đo quan trọng nhất
Các nhà đầu tư chú ý đến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm vì tầm quan trọng của nó trong thị trường tài chính toàn cầu.
Trong khi trái phiếu kho bạc ngắn hạn dễ chịu tác động trực tiếp bởi chính sách của Fed, trái phiếu kỳ hạn 10 năm lại bị ảnh hưởng bởi thị trường và phản ánh những kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng và lạm phát.
Theo CNBC, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là con số quan trọng nhất với người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ, ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ USD các khoản vay mua nhà và xe, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu của chính quyền địa phương, thương phiếu và tiền tệ.
“Khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm biến động, nó tác động đến mọi thứ. Đây là thước đo lãi suất được theo dõi chặt chẽ nhất”, ông Ben Emons, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại NewEdge, cho hay.
Những diễn biến gần đây của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ vào cảnh bán tháo, khi một số mối tương quan giữa các loại tài sản bị phá vỡ.
Cổ phiếu bị bán mạnh kể từ khi lợi suất bắt đầu tăng vào tháng 7, xoá sổ phần lớn lợi nhuận mà thị trường gặt hái được trong năm nay.
Tuy nhiên, nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trong trường hợp này là trái phiếu kho bạc thậm chí còn giao dịch tồi tệ hơn. Theo Bloomberg, trái phiếu kỳ dài hạn đã mất 46% giá trị kể từ mức đỉnh vào tháng 3/2020.
Giám đốc Benjamin Dunn của công ty tư vấn Alpha Theory Advisors nói: “Thị trường chứng khoán Mỹ đang giảm điểm như thể suy thoái đã xảy ra, lãi suất tăng như thể tăng trưởng kinh tế không có giới hạn và vàng bị bán tháo như thể lạm phát đã chết”.
Người tiêu dùng sẽ khốn đốn
Không tính các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, việc lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đi lên vẫn chưa tác động đến hầu hết người Mỹ.
Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu kỳ dài hạn tăng sẽ giúp ích cho Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Bằng cách thắt chặt các điều kiện tài chính và hạ giá tài sản, nhu cầu sẽ giảm bớt khi nhiều người Mỹ cắt giảm chi tiêu hoặc mất việc.
Một số người đã tăng cường sử dụng thẻ tín dụng khi số tiền tiết kiệm dư ra thời đại dịch cạn dần. Tỷ lệ nợ quá hạn đang ở mức cao nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện.
Bà Lindsay Rosner, trưởng bộ phận đầu tư đa lĩnh vực tại Goldman Sachs Asset Management, cho hay: “Mọi người đang phải đi vay với mức lãi suất cao hơn nhiều so với cách đây một tháng, hai tháng, 6 tháng trước".
“Thật không may, tôi nghĩ những người Mỹ bình thường sắp phải chịu một vài nỗi đau”, vị quản lý cảnh báo.
Bán lẻ, ngân hàng, bất động sản không yên ổn
Ngoài người tiêu dùng, việc lợi suất trái phiếu đi lên có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp.
Các công ty chỉ có thể phát hành nợ trên thị trường trái phiếu lợi suất cao, trong số này có nhiều nhà bán lẻ, sẽ phải cố gắng xoay xở khi chi phí đi vay tăng mạnh.
Lãi suất cao hơn cũng sẽ đè nặng lên thị trường nhà ở và đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản thương mại đến gần bờ vực vỡ nợ.
Ông Peter Boockvar của Bleakley Financial Group nhận xét: “Đối với các doanh nghiệp có nợ sắp đến hạn, đây sẽ là một cú sốc lãi suất. Và đối với các nhà kinh doanh bất động sản có khoản vay sắp phải thanh toán, tương lai thật khó khăn”.
Lợi suất tăng đột biến cũng gây áp lực lên các ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu bị mất giá. Đây từng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và First Republic Bank hồi đầu năm.
Dù các nhà phân tích không kỳ vọng sẽ có thêm bất cứ ngân hàng nào sụp đổ, các nhà băng vẫn đang phải tìm cách bán bớt tài sản và thu hẹp hoạt động cho vay.
Bà Rosner nói: “Lợi suất trái phiếu hiện nay cao hơn hồi tháng 3 khoảng 100 điểm cơ bản. Vì vậy, nếu các ngân hàng không khắc phục vấn đề của mình, mọi thứ sẽ chỉ trở nên tệ hơn vì lãi suất chỉ đi lên”.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã chững lại trong hai phiên giao dịch gần đây. Kết phiên 5/10, lợi suất đạt 4,71%.
Song, sau khi lợi suất vượt các ngưỡng kháng cự trước đó, nhiều người dự đoán nó có thể sẽ tăng cao hơn nữa vì các yếu tố hỗ trợ vẫn còn nguyên.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ khi lãi suất lên cao và thâm hụt ngân sách ngày càng phình to. Nỗi lo này càng lớn khi chính phủ có nguy cơ sẽ đóng cửa vào giữa tháng tới, khi gói ngân sách tạm thời hết hiệu lực.