|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không loại trừ khả năng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào tình cảnh còn tồi tệ hơn cả suy thoái

14:18 | 04/06/2024
Chia sẻ
Fed sẽ khó giảm lãi suất hơn nếu nền kinh tế Mỹ thực sự đang rơi vào tình cảnh này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (trái) và người tiền nhiệm Paul Volcker. Ông Volcker được ca ngợi là "dũng sĩ diệt lạm phát", người có công khống chế áp lực giá vào thập niên 1970. (Ảnh: Getty Images/AP).

Có thể Fed phải nhanh chóng hạ lãi suất

Báo cáo mà Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hồi cuối tuần trước có thể là một dấu hiệu đáng lo. Trong quý I, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng chậm hơn so với ước tính ban đầu, sau khi chi tiêu tiêu dùng được điều chỉnh giảm.

GDP - thước đo rộng nhất về hoạt động kinh tế - tăng trưởng 1,3% trong quý I (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Số liệu mới thấp hơn ước tính ban đầu là 1,6% cũng như giảm tốc đáng kể so với tốc độ 3,4% trong quý cuối năm 2023.

Một loạt báo cáo khác từ giữa tháng 5 cho thấy nền kinh tế có khởi đầu chậm chạp trong quý II. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hoạt động xây dựng nhà ở và sản xuất đều yếu hơn dự kiến vào tháng 4.

Các nhà phát triển khởi công ít dự án mới hơn và số giấy phép xây dựng sụt giảm. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp trì trệ, cho thấy lĩnh vực sản xuất đang gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng và nhu cầu không bền vững.

 

Số liệu mới nhất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) còn cho thấy PMI sản xuất đã rơi xuống dưới ngưỡng 50 vào tháng 4 sau khi vượt lên trên mốc này lần đầu tiên kể từ năm 2022 vào tháng 3.

Hoạt động sản xuất là chỉ báo sớm về tình trạng của nền kinh tế. Nó có ảnh hưởng đáng kể đến GDP: khi lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thường lớn hơn, chứng tỏ nền kinh tế đang khoẻ mạnh và ngược lại.

Ở diễn biến khác, sau thời gian dài thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc, thị trường việc làm có vẻ cũng bắt đầu yếu đi. Trong tháng 4, các doanh nghiệp Mỹ chỉ tạo thêm 175.000 việc làm, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9%, trái ngược với dự đoán giữ nguyên ở mức 3,8% của các nhà kinh tế. Lần đầu tiên trong gần ba năm, tăng trưởng tiền lương hàng năm tụt xuống dưới mức 4%, theo Bộ Lao động Mỹ.

Khoảng 87.000 người tham gia lực lượng lao động trong tháng 4, nhưng không có đủ việc làm cho họ. Ngoài ra, số người làm các công việc bán thời gian tăng 135.000 do không thể tìm được công việc toàn thời gian.

 

Cùng lúc, người tiêu dùng - động cơ chính của nền kinh tế - ngày càng lộ dấu hiệu đuối sức khi chi phí sinh hoạt leo thang.

Thu nhập cá nhân khả dụng thực tế (đã điều chỉnh cho lạm phát) chỉ tăng khiêm tốn trong năm qua. Tỷ lệ tiết kiệm rơi xuống mức thấp nhất trong 16 tháng khi các hộ gia đình tiêu sạch 2.100 tỷ USD tiền tiết kiệm dư ra trong đại dịch và bắt đầu dùng đến các khoản để dành khác.

Hơn nữa, ngày càng nhiều người Mỹ phụ thuộc vào thẻ tín dụng và vay nợ để hỗ trợ chi tiêu. Theo dữ liệu mới nhất của Fed chi nhánh New York, tổng nợ hộ gia đình đã tăng 184 tỷ USD lên 17.700 tỷ USD vào quý I.

Những yếu tố trên giúp lý giải tại sao chi tiêu thực tế lại giảm trong tháng 4. Bây giờ, người tiêu dùng đang chi ít tiền cho xe hơi, nhà hàng và các hoạt động giải trí hơn. Các công ty như Best Buy nhận thấy khách hàng đã bắt đầu chuyển sang những nhãn hiệu rẻ tiền hơn.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế chững lại, giới chuyên gia thường thúc giục Fed nhanh chóng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Song, lạm phát đang tỏ ra dai dẳng hơn dự kiến.

Điều đó đặt ra thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, bởi họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng lạm phát cần giảm một cách bền vững về mức mục tiêu 2% thì Fed mới có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Rào cản lạm phát

Thị trường tài chính quả thực đã hân hoan vui mừng khi các thước đo lạm phát chính của tháng 4 tăng đúng như dự đoán của các nhà kinh tế.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng (PCEPI lõi) đi lên 0,2% so với tháng 3, phù hợp với ước tính của Dow Jones. So với cùng kỳ năm trước, PCEPI lõi tăng 2,8%, chỉ cao hơn ước tính 0,1 điểm %.

Nếu tính cả giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI toàn phần đi lên 2,7% so với cùng kỳ và 0,3% so với tháng 3. Cả hai đều phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế.

Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng cho thấy sự hạ nhiệt sau ba báo cáo nóng hơn dự kiến vào đầu năm.

Tuy nhiên, trong khi áp lực giá cải thiện nhanh chóng vào năm ngoái thì tiến độ đã chậm lại đáng kể trong năm nay. Và suy cho cùng, lạm phát vẫn đang cao hơn đáng kể mức mục tiêu 2% của Fed.

Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn vì có khả năng lạm phát đã trở nên dai dẳng, bám dính vào nền kinh tế.

Các cải thiện từ phía cung - động lực quan trọng giúp lạm phát đi xuống trong năm qua - đang mờ nhạt dần. Đồng thời, đà tăng của năng suất lao động được dự báo sẽ chững lại. Nếu không có những “cơn gió thuận” đó, lạm phát sẽ khó mà giảm nhanh chóng trong năm 2024.

Hơn nữa, nhiều thành phần của các chỉ số giá vẫn đang tăng, chẳng hạn như chi phí nhà ở. Mặc dù các nhà phân tích kỳ vọng áp lực giá từ phía nhà ở sẽ giảm bớt, dữ liệu vẫn chưa chỉ ra tín hiệu đáng mừng. Theo nền tảng Zillow, chi phí thuê nhà trung bình tại Mỹ vẫn cao hơn mức trước đại dịch hơn 30%.

Bên cạnh đó, tuy thị trường lao động đã suy yếu trong tháng 4, tiền lương của người lao động vẫn đang tăng nhanh hơn lạm phát. Điều này tạo điều kiện cho chi tiêu tiêu dùng, bất chấp áp lực giá cả vẫn còn lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, nhà kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của SMBC Nikko Securities lập luận: “Chi tiêu nhiều sẽ tạo ra nhu cầu, từ đó kích thích lạm phát. Khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn dưới mức 4%, không có gì đáng ngạc nhiên khi giá cả không giảm”.

Tiền lương của người lao động Mỹ đã tăng vượt lạm phát.

Ngay cả các quan chức ngân hàng trung ương cũng tỏ ra thận trọng. Gần đất nhất, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết tuy ông tin tưởng lạm phát sẽ tiếp tục giảm, giá cả vẫn quá cao. Ông chưa thấy đủ bằng chứng chứng tỏ lạm phát đang hướng về mức mục tiêu 2%.

Fed đang giữ lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Giữa lúc nền kinh tế cho thấy một số dấu hiệu đuối sức, Fed vẫn chưa thể hoàn toàn khống chế cú sốc giá.

Đó là tin xấu cho Mỹ vì tăng trưởng chậm lại và giá cả cao hơn là những thành phần chính của tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation). Đối với các nhà kinh tế, đình lạm còn khó giải quyết hơn cả suy thoái.

Trong tình huống xấu nhất

Lần gần nhất Mỹ phải đương đầu với lạm phát đình trệ là vào những năm 1970. Từ bài học quá khứ, chúng ta có thể hình dung phần nào bức tranh kinh tế sắp tới, nếu quả thực Mỹ rơi vào đình lạm.

Vào tháng 10/1973, căng thẳng địa chính trị đã khiến liên minh OPEC hạn chế xuất khẩu dầu thô sang Mỹ và kết quả là giá “vàng đen” tăng chóng mặt 300% từ 2,9 USD/thùng lên gần 12 USD/thùng chỉ sau 4 tháng.

Cùng với việc chính quyền Tổng thống Richard Nixon từ bỏ hệ thống bản vị vàng và chi tiêu tài khoá mạnh tay, lạm phát đã tăng lên hai chữ số, trong khi nền kinh tế suy sụp.

Giai đoạn này hỗn loạn đến mức làm lung lay các lý thuyết kinh tế vĩ mô lâu đời và buộc Fed phải tăng cường vai trò của mình trong nền kinh tế.

Để đưa mọi thứ về quỹ đạo cũ, Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker đã phải tăng lãi suất lên mức cao chưa từng thấy là gần 20%, chấp nhận đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái sâu để làm dịu giá cả.

Bây giờ, nhiều người vẫn rùng mình khi ngẫm lại bài học quá khứ đó. Một số còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát đình trệ, trong đó phải kể đến CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase.

Hồi cuối tháng 5, phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo tổng tài sản dự đoán kết cục tồi tệ nhất cho nền kinh tế là lạm phát đình trệ.

Ông nói: “Tôi xem qua một loạt các kết quả và một lần nữa, kết cục tồi tệ nhất đối với tất cả chúng ta là lạm phát đình trệ... Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ đi xuống nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Ý tôi là, chúng ta sẽ sống sót nhưng xác suất xảy ra đình lạm hiện đã cao hơn dự đoán của nhiều người”.

Trong trường hợp xấu nhất, Fed có thể phải kéo lãi suất lên cao hơn nữa - thay vì giảm lãi suất trong năm nay như kỳ vọng của thị trường - để hoàn toàn khống chế lạm phát. Cái giá mà nền kinh tế Mỹ phải trả có thể sẽ rất đắt.

Lãi suất chuẩn tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 22 năm.

Yên Khê