Sắp đủ lý do để Fed giảm lãi suất vào tháng 9?
Kể từ cuối năm ngoái, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và lãnh đạo doanh nghiệp vẫn luôn theo sát từng nhận định của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về nền kinh tế.
Họ nóng lòng muốn biết liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt hay chưa và khi nào các nhà hoạch định chính sách bắt đầu cắt giảm lãi suất. Đến nay, họ vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Các dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định và lạm phát vẫn còn cao. Hơn nữa, giá một số hàng hoá và dịch vụ đã bất ngờ tăng trong những tháng đầu năm nay.
Bất chấp thực tế đó, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán vào tuần trước rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 và tổng cộng hai lần trong năm 2024. Trước Goldman Sachs, Nomura Securities cũng đưa ra dự báo tương tự.
Morgan Stanley lạc quan hơn khi kỳ vọng Fed sẽ thực hiện ba đợt giảm lãi suất trong nửa cuối năm, cũng bắt đầu từ tháng 9. Dữ liệu từ CME Group cho thấy tính đến ngày 28/5, xác suất cho đợt giảm lãi suất vào tháng 9 đã vọt lên mức 46,4%.
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đang chỉ ra ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy tăng trưởng đã chững lại nhưng hoạt động nói chung vẫn tốt. Đây là những dấu hiệu mang đến thêm niềm tin cho các quan chức Fed, mở đường cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào mùa thu tới.
Đừng chỉ nhìn vào bề mặt
Sau ba tháng lạm phát nóng hơn dự kiến, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã cung cấp bằng chứng cho thấy áp lực giá đang tiếp tục dịu bớt.
Báo cáo chỉ ra CPI tháng 4 tăng 3,4% so với cùng kỳ và 0,3% so với tháng trước. Cả hai đều chững lại so với mức tăng của tháng 3 và thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế.
CPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) đi lên 3,6% so với cùng kỳ - cải thiện rõ rệt so với mức tăng 3,8% của tháng 3. Tương tự, CPI lõi tháng 4 chỉ nhích 0,3% so với tháng trước - thấp hơn kết quả 0,4% của tháng 3.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - có thể chỉ ra một tín hiệu tích cực khác.
Dựa trên CPI và một số dữ liệu giá khác của tháng 4, các nhà kinh tế tại Citigroup và Bank of America ước tính PCEPI lõi tháng 4 sẽ đi lên 0,2% so với tháng trước. Để so sánh, PCEPI lõi tháng 3 tăng 0,3% so với tháng trước đó.
Mặc dù lạm phát hiện vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách, loạt dữ liệu mới phần nào chứng tỏ đà tăng giá trong quý I chỉ mang tính tạm thời.
Hồi cuối năm ngoái, các quan chức Fed bao gồm Chủ tịch Jerome Powell cũng từng lưu ý rằng chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát sẽ không diễn ra êm ả. Có thể nói, biến động trong một vài tháng qua chưa chắc đã là tín hiệu xấu.
Chia sẻ với Barron’s, bà Alexandra Wilson-Elizondo, Giám đốc cấp cao tại Goldman Sachs Asset Management, nhấn mạnh: “Báo cáo CPI mới nhất có nhiều thông tin chứng minh xu hướng thiểu phát chỉ tạm ngưng trong ba tháng đầu năm chứ không hề biến mất”.
May mắn hơn nữa cho nền kinh tế lẫn các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ là dấu hiệu hạ nhiệt không chỉ xuất hiện trong các báo cáo lạm phát, bởi thị trường việc làm cũng đang phát đi những tín hiệu đáng mừng.
Thị trường việc làm không còn nóng bỏng tay
Tháng 4 đánh dấu lần đầu tiên sau gần nửa năm, các nhà kinh tế đã nhìn nhận sai lầm về sức mạnh của thị trường việc làm, cụ thể là đánh giá quá cao.
Số liệu chính thức chỉ ra Mỹ chỉ tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng 4, thấp hơn hẳn dự báo 235.000 của các nhà kinh tế cũng như thua xa con số 315.000 của tháng 3.
Thông tin xấu duy nhất là tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,9%. Song, đây là tháng thứ 27 liên tiếp thước đo này nằm dưới mức 4%. Bộ Lao động Mỹ cũng lưu ý tỷ lệ thất nghiệp đã dao động trong phạm vi hẹp 3,7% - 3,9% kể từ tháng 8 năm ngoái.
Nói một cách dễ hiểu, mức tăng việc làm thấp hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp nhích nhẹ có thể là bằng chứng cho thấy 11 đợt tăng lãi suất của Fed đã giúp giảm bớt nhu cầu lao động.
Một dấu hiệu đáng hoan nghênh khác là tốc độ tăng trưởng tiền lương đã chững lại. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ chỉ tăng 3,9% so với một năm trước, thấp hơn số liệu các tháng gần đây, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Nếu tăng trưởng tiền lương giảm tốc nhanh hơn lạm phát, áp lực chi tiêu của người tiêu dùng sẽ ngày càng lớn. Tuy nhiên, may mắn thay, sức khoẻ của người tiêu dùng nói chung vẫn ổn định.
Động cơ của nền kinh tế vẫn ổn
Được công bố gần thời điểm với báo cáo CPI là doanh số bán lẻ. Kết quả cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đã yếu đi. Tổng doanh số bán lẻ trong tháng 4 đi ngang so với tháng 3, trong khi các nhà kinh tế dự đoán mức tăng 0,4%.
Doanh số bán lẻ của nhóm kiểm soát - thước đo không bao gồm doanh thu từ các đại lý ô tô, nhà bán lẻ vật liệu xây dựng, trạm xăng, cửa hàng văn phòng phẩm và cửa hàng thuốc lá - giảm 0,3% trong tháng 4 sau khi tăng 1,1% vào tháng 3.
Tương tự lạm phát lõi, doanh số bán lẻ của nhóm kiểm soát được coi là thước đo chính xác hơn về chi tiêu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chi tiêu tiêu dùng đang chiếm khoảng 70% GDP của Mỹ. Trong báo cáo tháng 4, Cục Điều tra Dân số Mỹ cũng điều chỉnh giảm số liệu của các tháng trước, giúp củng cố ý kiến cho rằng chi tiêu của người dân đang yếu đi.
Bà Lydia Boussour, chuyên gia cấp cao tại EY, nhận định: “Báo cáo doanh số bán lẻ tháng 4 yếu hơn dự kiến, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang hành động thận trọng hơn khi thị trường lao động khựng lại và giá cả vẫn ở mức cao”.
Gần đây hơn, hai nhà kinh tế Hamza Abdelrahman và Luiz Edgard Oliveira thuộc Fed chi nhánh San Francisco cho biết ước tính mới nhất về tổng số tiền tiết kiệm dư thừa thời đại dịch đã chuyển sang mức âm.
Theo hai vị chuyên gia, số tiền tiết kiệm đó đạt đỉnh 2.100 tỷ USD vào tháng 8/2021 và cạn kiệt dần trong hai năm rưỡi qua. Nói cách khác, người Mỹ đã tiêu sạch 2.100 tỷ USD tiền tiết kiệm dư ra từ các gói cứu trợ COVID-19.
Số liệu khác của Fed cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đạt 3,2% vào tháng 3 - thấp hơn nhiều mức trung bình hàng năm là 8,5%, theo dữ liệu mà các nhà kinh tế thu thập từ năm 1959.
Quả thực, nhìn vào số liệu bán lẻ và tiết kiệm, phe bi quan sẽ nghĩ rằng người tiêu dùng đang gặp trục trặc về tài chính, phải dùng tới “của để dành”. Song, bức tranh thực tế chưa hẳn xám xịt như vậy.
Tuy tăng trưởng tiền lương chững lại vào tháng 4, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ (tức là số liệu đã điều chỉnh cho lạm phát) vẫn đang ở mức cao so với trung bình lịch sử.
Khác với giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi thu nhập thực tế giảm trong suốt nhiều năm, gần đây tiền lương thực tế đã tăng trên diện rộng. Khu xu hướng hạ nhiệt của lạm phát và tiền lương tiếp tục trong thời gian tới, đây sẽ là tin tốt cho Fed.
Ở diễn biến khác, tỷ lệ tiết kiệm tụt xuống mức thấp có thể bắt nguồn từ việc chi phí sinh hoạt leo thang. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn trên thực tế có liên quan tới mức độ giàu có của các hộ gia đình, theo Harvard Business Review.
Người tiêu dùng có chiều hướng ít quan tâm tới việc tiết kiệm cho tương lai hơn khi tình hình tài chính của họ vững mạnh. Ngày nay, khối tài sản của các hộ gia đình Mỹ đang đặc biệt lớn - trung bình gấp hơn 7,5 lần thu nhập khả dụng.
Mặc dù mức trung bình bị lệch do nhóm những người giàu nhất, sức mạnh tài chính không chỉ giới hạn ở các triệu phú hay tỷ phú. Nhìn chung, bảng cân đối kế toán của người Mỹ đang ở trạng thái tốt hơn nhiều so với năm 2019.
Và trong khi nhiều hộ gia đình phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao hơn, có rất ít bằng chứng cho thấy sự căng thẳng tài chính mang tính hệ thống. Tình trạng phá sản của người tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngay cả khi các khoản nợ quá hạn của hộ gia đình tăng từ mức thấp kỷ lục, tỷ lệ hiện tại vẫn không cao hơn là mấy so với năm 2018 và 2019.
Đánh giá từ một thước đo rộng hơn là GDP, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng động cơ của nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định. GDP quý I chỉ tăng 1,6% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), thấp hơn hẳn dự báo.
Các nhà kinh tế cho biết GDP tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng không đáng ngại vì theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ thì nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch giữa hàng hoá nhập khẩu và xuất khẩu tăng vọt.
Mức chênh lệch đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP vì hàng hoá nhập khẩu không phải do Mỹ sản xuất, nhưng việc mua nhiều hàng từ nước ngoài chứng tỏ tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh.
Ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại hãng đầu tư Wilmington Trust, nói với ABC News: “Nhập khẩu mạnh là dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang mạnh mẽ”.
Tóm gọn lại, lạm phát giờ đã rời xa mức đỉnh vào mùa hè năm 2022 và đang trên đà quay về mức mục tiêu 2% của Fed. Giữa lúc đó, thị trường lao động đã giảm bớt độ nóng và người tiêu dùng vẫn khoẻ mạnh dù nhu cầu yếu đi một chút.
Bức tranh kinh tế trên đây chẳng phải là những gì Fed mong muốn, là tiền đề cho một cuộc hạ cánh mềm? Nếu dữ liệu ba tháng tới hợp tác, nhiều khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.