|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực tỷ giá sẽ kéo dài đến tháng 9 khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ?

16:13 | 27/05/2024
Chia sẻ
Tỷ giá hiện vẫn đang có áp lực rất lớn và được dự báo kéo dài đến khi Fed hạ lãi suất dù NHNN đã có động thái can thiệp thị trường qua việc phát hành tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng; bán dự trữ ngoại hối.

Trong gần một tháng trở lại đây, giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục bị đẩy lên dù vẫn dưới ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến ngày 27/5, USD Index giảm khoảng 0,5% so với tháng trước xuống 104,72, trong khi tỷ giá USD/VND tăng lên khoảng 25.481 đồng, tăng khoảng 5% so với cuối năm ngoái.

Trên thế giới, chỉ số USD Index đã điều chỉnh giảm gần 0,3% ngày 24/5 nhưng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 0,24% trong tuần trước. Thị trường đang dần chấp nhận khả năng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn tại Mỹ sau khi Biên bản cuộc họp tháng 5 được công bố. 

Báo cáo từ Ngân hàng ACB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục cung ứng ra thị trường thêm hơn 300 triệu USD ngày 24/5, đưa mức lũy kế bán USD can thiệp đợt này đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Điều này cho thấy, tỷ giá vẫn có áp lực rất lớn dù NHNN đã có động thái can thiệp thị trường qua việc phát hành tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng; bán dự trữ ngoại hối.

Phân tích về các yếu tố tác động đến tỷ giá, báo cáo từ Công ty chứng khoán VNDirect nhận định: "Mặc dù USD Index có dấu hiệu hạ nhiệt song đồng VND vẫn tiếp tục suy yếu do giá vàng thế giới liên tục ở mức cao, chủ yếu bởi hoạt động tích trữ của ngân hàng Trung ương Trung Quốc".

Khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới càng nới rộng cũng gây áp lực lên tỷ giá bên cạnh kim ngạch nhập khẩu tăng cao góp phần làm tăng nhu cầu trong nước đối với USD.

Áp lực tỷ giá sẽ kéo dài đến tháng 9?

Lãi suất điều hành của Fed đã giữ ở mức cao liên tục trong hơn nửa năm nay. (Nguồn: M.Q tổng hợp từ Fed).

Từ đầu năm đến nay, VND mất giá 4,9% so với USD.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc mất giá 1,3% tính từ đầu năm, Rupiah Indonesia mất giá 3,4%, Ringgit Malaysia giảm 2,5% và Baht Thái mất giá lớn nhất lên tới 7,3%.

Các chuyên gia từ VNDirect nhận định, áp lực tỷ giá có thể sẽ duy trì đến khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ và sẽ gây nhiều tác động đến điều hành của Việt Nam.

Nguyên nhân là Fed nhiều khả năng sẽ lùi thời điểm hạ lãi suất không phải vào tháng 6 mà có thể sẽ rơi vào tháng 9.

Theo giới phân tích, kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 hiện đã tăng lên hơn 50%.

Mới đây nhất, trong cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang tháng 5, Fed tiếp tục giữ lãi suất ổn định.

Như thường lệ, chủ tịch Powell cho biết Fed có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để xoay trục chính sách. Bên cạnh đó, ông “bác bỏ” khả năng tăng lãi suất và thông báo giảm mức thu hẹp bảng cân đối khi mỗi tháng Fed sẽ để 25 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn mà không mua lại (so với con số 60 tỷ USD trước đó).

Động thái này của Fed thể hiện đà hút ròng thanh khoản khỏi hệ thống đang giảm dần, một hàm ý hướng tới việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau cuộc họp, Mỹ công bố số liệu việc làm tháng 4 thấp hơn dự báo khi chỉ tạo thêm 175.000 việc làm (so với kỳ vọng là 243.000).

Dữ liệu này, cùng với số liệu CPI tháng 4, đà gây áp lực điều chỉnh lên USD Index. Cụ thể, vào tháng 4, CPI của Mỹ giảm xuống 3,4% so với cùng kỳ từ mức 3,5% trong tháng 3 khiến nhà đầu tư tăng kỳ vọng về khả năng cắt Fed hạ lãi suất. Sau số liệu CPI, chỉ số USD Index giảm xuống mức 104,2 điểm trước khi phục hồi nhẹ trở lại.

NHNN có công cụ gì?

Như vậy, thay vì kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, hiện nay phần lớn thị trường dự báo Fed sẽ lùi thời điểm hạ lãi suất sang tháng 9.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo ước tính từ VNDirect. (Nguồn: VNDirect Research). 

Trước dự báo này, các chuyên gia đánh giá NHNN vẫn còn công cụ để bình ổn thị trường song dư địa không nhiều. Theo ước tính của VNDirect, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở khoảng 94 tỷ USD. "Như vậy, NHNN vẫn có dư địa, dù không quá dồi dào, để bán USD nhằm kiềm chế đà tăng của tỷ giá", các chuyên gia VNDirect nhận định.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá khó khăn của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn. 

Trong thời gian tới, xuất khẩu tăng trưởng thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.

Tuy nhiên, áp lực vẫn là rất lớn, trong nửa đầu tháng 5, cán cân thương mại quay trở lại xu hướng nhập siêu do các doanh nghiệp FDI gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Đồng thời, hoạt động đấu giá vẫn chưa hạ nhiệt được giá vàng miếng khiến nhu cầu USD còn ở mức cao.

Thời gian tới,NHNN cho biết sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài.

Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên, NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt, ông Quang đánh giá.

Hạ An

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc cao kỷ lục, đà phục hồi ngành thép trong nước vẫn chưa chắc chắn
Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép từ thép Trung Quốc.