|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Chính phủ thoát cảnh đóng cửa nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn cận kề suy thoái

08:36 | 02/10/2023
Chia sẻ
Hiện tại, chính phủ Mỹ đã thoát nguy cơ phải đóng cửa. Song, Bloomberg Economics nhận thấy có ít nhất 6 rủi ro sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Cuộc đình công của công nhân ngành ô tô là một rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Suốt mùa hè vừa qua, lạm phát tại Mỹ vẫn tiếp tục hạ nhiệt, việc làm vẫn dồi dào và người tiêu dùng vẫn không ngừng chi tiêu. Tất cả đã củng cố niềm tin của mọi người, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tránh được suy thoái.

Thoả thuận vào phút chót của Quốc hội nhằm ngăn chính phủ đóng cửa đã đẩy một rủi ro ra xa hơn. Song, một cuộc đình công lớn của ngành ô tô, việc chính phủ khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên và khả năng đóng cửa trong tương lai có thể khiến tăng trưởng GDP mất 1 điểm % trong quý IV.

Mặt khác, tiền tiết kiệm thời đại dịch của người dân đang tiếp tục bốc hơi, lãi suất vẫn đang lên cao và giờ là giá dầu tăng mạnh. Các cú sốc này, khi kết hợp với những rủi ro phía trên, có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái ngay trong năm nay.

Dưới đây là 6 lý do tại sao suy thoái kinh tế vẫn là kịch bản cơ sở của Bloomberg Economics:

Dự báo hạ cánh mềm luôn xuất hiện trước suy thoái

“Có khả năng rất cao là nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco lúc bấy giờ là bà Janet Yellen phát biểu vào tháng 10/2007, chỉ hai tháng trước khi Đại Suy thoái bắt đầu.

Khi đó, bà Yellen không phải là người duy nhất lạc quan như vậy. Số dự báo hạ cánh mềm đã đạt đỉnh trước khi nền kinh tế suy thoái.

 

Tại sao các nhà kinh tế cảm thấy khó dự đoán suy thoái đến vậy? Theo Bloomberg, các dự báo thường giả định những gì sẽ xảy ra tiếp theo là một dạng mở rộng nào đó của những gì đã xảy ra trong quá khứ - một quá trình tuyến tính.

Tuy nhiên, suy thoái là những sự kiện phi tuyến tính. Trí óc con người thường không giỏi tư duy về những sự kiện này.

Chẳng hạn, dự báo mới nhất của Fed cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức 3,8% năm 2023 lên 4,1% vào năm 2024. Đó là sự tiếp nối của xu hướng hiện tại và hàm ý Mỹ sẽ vượt qua suy thoái kinh tế.

Song, điều gì sẽ xảy ra nếu xu hướng bị phá vỡ? Bloomberg Economics đã sử dụng một mô hình để tính các yếu tố phi tuyến tính này. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ sẽ tăng cao hơn.

Lãi suất cao sắp tạo ra tác động mạnh

Nhà kinh tế Milton Friedman có một câu nói nổi tiếng: “Chính sách tiền tệ thường vận hành với độ trễ dài và khó đoán”.

Những người lạc quan về kịch bản hạ cánh mềm cho rằng thị trường chứng khoán đã có một năm tốt đẹp, ngành sản xuất sắp chạm đáy và chuẩn bị phục hồi, và thị trường nhà ở đang tăng tốc trở lại. Vấn đề là, độ trễ của chính sách tiền tệ trong các lĩnh vực trên thường là ngắn nhất.

Đối với những bộ phận quan trọng khác của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động, độ trễ thường dài hơn, từ 18 đến 24 tháng.

Điều đó cho thấy toàn bộ tác động của các đợt tăng lãi suất sẽ thể hiện rõ vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Khi chính sách của Fed phát huy tác dụng thực sự, giá cổ phiếu và nhà ở có thể lao dốc. Còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế sẽ vượt qua cú sốc đó.

Hơn nữa, Fed thậm chí còn chưa hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất. Trong dự báo mới nhất, ngân hàng trung ương Mỹ cho biết họ dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm một lần nữa.

 

Suy thoái đang ẩn mình trong các dự báo

Bloomberg Economics đã phân tích kỹ các thước đo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), cơ quan chịu trách nhiệm xác định suy thoái.

NBER thường tuyên bố nền kinh tế đã suy thoái sau khi sự kiện này bắt đầu được vài tháng. Các nhà kinh tế tại đây sử dụng 6 thước đo để xác định suy thoái, bao gồm thu nhập, việc làm, chi tiêu tiêu dùng và sản lượng công nghiệp.

Sử dụng dự báo đồng thuận của giới chuyên gia cho 6 thước đo đó, Bloomberg Economics đã xây dựng một mô hình mô phỏng. Kết quả khá khớp với các tuyên bố suy thoái trong quá khứ.

Và, điều đáng ngại là mô hình trên cho thấy có khả năng vào năm tới, NBER sẽ phải tuyên bố suy thoái đã bắt đầu vào những tháng cuối năm 2023.

Những cú sốc sắp xảy ra

Các dự báo hiện tại có thể chưa tính đến một số mối đe doạ mới của nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như đình công trong lĩnh vực sản xuất ô tô, nguy cơ chính phủ phải đóng cửa, giá dầu đi lên,...

Hồi tháng 9, Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô (UAW) đã tổ chức đình công tại ba hãng xe lớn cùng lúc. Cuộc đình công đã mở rộng vào cuối tuần trước, nâng tổng số công nhân tham gia lên 25.000 người.

Sản xuất ô tô là ngành có chuỗi cung ứng lớn, bất kỳ cuộc đình công nào đều có thể gây ra tác động không tưởng. Năm 1998, cuộc đình công kéo dài 54 ngày của 9.200 công nhân tại General Motors đã khiến 150.000 công nhân mất việc.

Từ tháng 10, hàng triệu sinh viên Mỹ sẽ phải thanh toán nợ vay trở lại. Việc này có thể khiến tăng trưởng GDP quý IV tụt 0,2 - 0,3 điểm %.

 

Ở diễn biến khác, giá dầu thô đã bật tăng trở lại. Đây là một trong số ít chỉ báo đáng tin cậy cho thấy suy thoái sắp xảy ra. Từ mức đáy mùa hè, giá dầu đã tăng gần 25 USD lên hơn 95 USD/thùng.

Bên cạnh đó, đợt bán tháo trong tháng 9 đã kéo lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên mức đỉnh 16 năm là 4,6%. Chi phí đi vay cao hơn đã khiến thị trường chứng khoán giảm điểm, đồng thời có nguy cơ gây hại cho thị trường nhà ở.

Thoả thuận ngân sách của Quốc hội chỉ giúp chính phủ duy trì hoạt động thêm 45 ngày. Một khi bế tắc tái diễn, chính phủ đóng cửa một tuần thì GDP quý IV sẽ mất khoảng 0,2 điểm %.

Ngoài ra, sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu có thể đè nặng lên Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc đang sa lầy vào khủng hoảng bất động sản.

Tại khu vực đồng euro, hoạt động cho vay đang thu hẹp với tốc độ nhanh hơn so với thời kỳ khủng hoảng nợ công - một dấu hiệu cho thấy mức tăng trưởng vốn đã trì trệ của khối này có thể xuống thấp hơn nữa.

Người tiêu dùng suy yếu

Sức mạnh của người tiêu dùng là lập luận chính của phe hạ cánh mềm. Thật không may, lịch sử cho thấy đó không phải là chỉ báo tốt nhất để xác định liệu suy thoái có xảy ra hay không, bởi người Mỹ sẽ tiếp tục chi tiêu ngay cả khi nền kinh tế cận kề bờ vực.

Số tiền tiết kiệm mà người Mỹ tích luỹ trong đại dịch đang cạn kiệt. Fed chi nhánh San Francisco ước tính tiền sẽ hết vào cuối tháng 9. Tính toán của Bloomberg cho thấy 80% nhóm dân số nghèo nhất đang có ít tiền mặt hơn so với trước COVID.

Trong mùa hè vừa qua, người Mỹ đã vung tiền để tham gia các sự kiện giải trí. Loạt phim ăn khách Barbie và Oppenheimer, cũng như các chuyến lưu diễn cháy vé của Beyonce và Taylor Swift đã đóng góp 8,5 tỷ USD vào GDP quý III.

Khi tiền tiết kiệm cạn kiệt và các buổi biểu diễn ca nhạc kết thúc, động lực chi tiêu của người Mỹ có thể cũng sẽ biến mất.

 

Tín dụng chỉ mới bắt đầu thắt chặt

Một chỉ báo có thành tích tốt trong dự đoán suy thoái là cuộc khảo sát của Fed với các nhân viên cho vay tại hệ thống ngân hàng thương mại.

Báo cáo mới nhất cho thấy, khoảng một nửa số ngân hàng lớn và vừa đang siết chặt điều kiện tín dụng đối với các khoản vay thương mại và công nghiệp. Không tính thời kỳ đại dịch, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nền kinh tế sẽ cảm nhận tác động rõ rệt hơn vào quý IV năm nay, và khi doanh nghiệp không thể vay mượn dễ dàng, hoạt động đầu tư và tuyển dụng đều sẽ đi xuống.

Yên Khê