|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chớ nên vội mừng khi đường cong lợi suất đảo ngược biến mất, suy thoái có thể đang cận kề Mỹ

17:08 | 20/09/2024
Chia sẻ
Nếu nhà đầu tư đang vui mừng khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trở lại bình thường sau hơn hai năm đảo ngược thì có lẽ họ nên cân nhắc kỹ hơn. Lịch sử cho thấy suy thoái có thể đang đến gần hơn.

Một góc Phố Wall. (Ảnh: AP).

Chớ nên vội vừng

Trong hơn hai năm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm luôn giao dịch ở mức cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Khi hiện tượng này xảy ra, suy thoái có thể đang rình rập nền kinh tế.

Các nhà đầu tư có thể đã ăn mừng vào tuần trước khi dấu hiệu cảnh báo đó ngừng nhấp nháy. Tuy nhiên, dấu hiệu cảnh báo này tắt đi lại là lúc một tín hiệu đáng ngại khác xuất hiện.

Khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, các nhà kinh tế gọi hiện tượng đó là đường cong lợi suất đảo ngược (inverted yield curve).

Nghĩa là, nhà đầu tư coi trái phiếu ngắn hạn nhiều rủi ro hơn dài hạn và vì vậy, họ yêu cầu mức lợi suất cao hơn để nắm giữ những trái phiếu ngắn hạn.

Sau báo cáo việc làm tháng 8, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, khiến đường cong lợi suất đảo ngược đảo ngược một lần nữa trở về trạng thái bình thường (yield curve disinversion).

 

Không phải đột ngột mà đường cong lợi suất lại đảo ngược lần nữa. Do thị trường ngày càng tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm mới giảm xuống.

 

Các nhà đầu tư không nên ăn mừng ngay. Trong quá khứ, nếu đường cong lợi suất trở lại hình dáng bình thường (dốc lên) ngay trước khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, suy thoái thường xảy ra không lâu sau đó.

Ví dụ, khi đường cong lợi suất đảo ngược đảo ngược lần nữa vào tháng 12/2000, Fed hạ lãi suất một tháng sau đó. Hai tháng sau, suy thoái bắt đầu. Một chuỗi sự kiện tương tự cũng xảy ra trước Đại Suy thoái.

Chia sẻ với Reuters, ông Jim Bianco - Giám đốc cấp cao kiêm chiến lược gia vĩ mô tại Bianco Research - cho biết nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khoảng 334 ngày kể từ khi đường cong lợi suất đảo ngược lần đầu.

Trong khi đó, ông Bianco lưu ý chỉ cần 66 ngày kể từ khi đường cong lợi suất trở lại bình thường là nền kinh tế lớn nhất thế giới đã suy thoái. Quy luật này thoả mãn 8 cuộc suy thoái kể từ thập niên 1960.

Nói một cách dễ hiểu, đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu cho thấy suy thoái có thể xảy ra trong tương lai, còn đường cong trở lại bình thường sau khi đã đảo ngược thường đồng nghĩa suy thoái đang rất gần.

 

Điểm đáng lưu tâm

Kết thúc cuộc họp chính sách vào giữa tuần này, Fed đã quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) thay vì 25 bps. Lãi suất quỹ liên bang hiện đang nằm trong phạm vi 4,75 - 5%.

Biểu đồ dot plot - công cụ thể hiện triển vọng lãi suất của các quan chức - cho thấy Fed sẽ giảm thêm 50 bps vào cuối năm nay. Sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục giảm tổng cộng 150 bps trong hai năm tiếp theo.

Một số nhà đầu tư lo lắng rằng các quan chức giảm mạnh lãi suất do nguy cơ suy thoái kinh tế đang lớn dần. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có lời trấn an họ trong cuộc họp báo sau đó.

Ông Powell đã dùng một thuật ngữ mới để mô tả chính sách tiền tệ. Ông nhắc đến cụm từ không dưới 8 lần để giải thích lý do tại sao Fed giảm 50 bps dù nền kinh tế không suy yếu rõ rệt.

“Hiệu chỉnh chính sách sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời tiếp tục thúc đẩy tin tốt về lạm phát giữa lúc chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển sang lập trường trung lập hơn”, Chủ tịch Fed phát biểu.

Có thể thấy, Fed không cắt giảm lãi suất để nới lỏng chính sách tiền tệ. Thay vào đó, trong bối cảnh áp lực lạm phát thoái lui, cơ quan này muốn đưa chính sách về trạng thái trung lập hơn để bảo vệ thị trường lao động.

Nếu một số người vẫn còn lo ngại, có ít nhất ba lý do cho thấy chưa chắc nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp suy thoái.

Gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tăng là do nguồn cung lao động mở rộng, chủ yếu là người nhập cư, chứ không phải do nhu cầu lao động sụt giảm. Số cơ hội việc làm - thước đo đại diện cho nhu cầu lao động - chứng thực cho nhận định trên.

Hồi tháng 7, số cơ hội việc làm đạt 7,7 triệu, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, thước đo này nhiều khả năng đang quay trở lại xu hướng cũ.

Mặt khác, tình trạng sa thải tràn lan không xảy ra. Dữ liệu chính thức cho thấy số lao động bị sa thải trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ lên 1,8 triệu, không biến động quá mạnh so với các tháng trước.

 

Ở diễn biến khác, dù bộ phận người tiêu dùng thu nhập thấp bị căng thẳng trong môi trường lạm phát và lãi suất cao, nhóm người có thu nhập cao vẫn đang tiếp tục chi tiêu.

Nhóm thứ hai được hưởng lợi khi giá tài sản và thu nhập thực tế đều tăng cao hơn. Từ đầu năm 2023 đến phiên 19/9/2024, chỉ số S&P 500 đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ đã đi lên hơn 46%.

Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào đầu tuần chỉ ra doanh số bán lẻ tháng 8 tăng cao hơn dự báo và số liệu tháng 7 cũng mạnh hơn một chút so với ước tính ban đầu.

Tăng trưởng kinh tế vẫn gần xu hướng dài hạn. Sau số liệu bán lẻ, Fed chi nhánh Atlanta ước tính tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt 3%, cao hơn ước tính trước đó là 2,5%. Tăng trưởng quý II gần đây cũng được điều chỉnh lên 3%.

Yên Khê

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.