Đúng như kỳ vọng của thị trường, Fed hạ lãi suất 50 bps
Đúng như dự đoán
Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 17 - 18/9, Fed đã thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, theo đó hạ 50 điểm cơ bản (bps) nhằm ngăn chặn thị trường lao động tiếp tục suy yếu.
Ngoài các đợt giảm lãi suất khẩn cấp trong đại dịch, lần cuối cùng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) hạ 50 bps là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sau quyết định mới nhất, lãi suất quỹ liên bang đã tụt xuống phạm vi 4,75 - 5%. Ngoài ảnh hưởng đến chi phí đi vay ngắn hạn của các ngân hàng, lãi suất chuẩn cũng tác động đến nhiều sản phẩm tiêu dùng khác khác như cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng.
Bên cạnh việc hạ lãi suất, FOMC còn công bố biểu đồ dot plot cho thấy các quan chức sẽ cắt giảm chi phí đi vay liên ngân hàng thêm 50 bps vào cuối năm nay, gần với dự đoán của thị trường.
Cũng theo biểu đồ, ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 100 bps trong năm 2025 và 50 bps vào năm 2026. Tóm lại, biểu đồ cho thấy lãi suất chuẩn sẽ giảm khoảng 200 bps sau động thái mới nhất.
“Ủy ban đã tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững về mức mục tiêu 2% và chúng tôi đánh giá rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát là tương đương nhau”, tuyên bố sau cuộc họp nhấn mạnh.
Cuộc bỏ phiếu của FOMC diễn ra với tỷ lệ 11 - 1, trong đó chỉ riêng Thống đốc Michelle Bowman ủng hộ mức giảm 25 bps.
Dự đoán của các nhà đầu tư đã biến động mạnh trong những ngày trước cuộc họp. Xác suất cho mức giảm 50 bps có lúc chỉ đạt 15%, nhưng sau đó lại nhảy vọt vào cuối tuần trước và đạt khoảng 63% vào đầu tuần này, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Tình hình kinh tế
Đánh giá tình hình kinh tế, ủy ban hoạch định chính sách của Fed cho biết “mức tăng trưởng việc làm đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp”.
FOMC dự kiến vào cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức 4,4%, trong khi tỷ lệ lạm phát toàn phần hạ xuống còn 2,3% và lạm phát lõi xuống 2,6%. Trong dự báo hồi tháng 6, FOMC dự đoán các tỷ lệ lần lượt là 4%, 2,6% và 2,8%.
Ngoài ra, các thành viên trong ủy ban dự đoán mức lãi suất trung lập trong dài hạn sẽ ở mức khoảng 2,9%.
Theo CNBC, Fed quyết định giảm lãi suất dù hầu hết các chỉ số kinh tế đều có vẻ khá vững chắc. GDP vẫn đang tăng và Fed chi nhánh Atlanta ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III đạt khoảng 3%.
Hơn nữa, Fed quyết định hành động dù hầu hết các thước đo đều cho thấy lạm phát vẫn cách xa mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này.
Theo thước đo ưa thích của các quan chức, lạm phát đang ở mức 2,5% - thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh nhưng vẫn cao hơn con số mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp đã bày tỏ lo ngại về thị trường lao động.
Trong khi tình trạng sa thải không có nhiều dấu hiệu tăng, hoạt động tuyển dụng đã chậm lại đáng kể. Trên thực tế, lần cuối cùng tỷ lệ tuyển dụng thấp như vậy, tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên trên 6%.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp tháng 7, ông Powell cho biết giảm 50 bps “không phải là điều các quan chức Fed đang nghĩ ngay lúc này”.
Song, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, động thái mới đã giúp giải quyết cuộc tranh luận xoay quanh việc Fed nên mạnh tay đến mức nào với đợt giảm lãi suất đầu tiên.
Trong bối cảnh Fed là trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu, quyết định mới đây có khả năng sẽ tác động đến các ngân hàng trung ương khác, một vài trong số đó đã nới lỏng chính sách trước.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đều đã cắt giảm lãi suất. Một số khác đang chờ tín hiệu từ Fed.